Nhận biết nhanh triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày

(VOH) - Ngày càng nhiều người mắc bệnh viêm loét dạ dày và dẫn đến biến chứng trầm trọng, thậm chí là ung thư dạ dày. Do đó, mọi người cần sớm nhận biết bệnh viêm loét dạ dày để có hướng điều trị.

Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng

Nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nhưng bạn có thể nhận biết nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng thông qua một số dấu hiệu sau.

* Đau bụng

Dấu hiệu của viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng đau bụng âm ỉ, đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn, đặc biệt tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn mỗi khi ăn quá no hoặc khi để bụng quá đói, ăn không đúng giờ giấc, bỏ bữa, ăn nhiều vào ban đêm…

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng, triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng

Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy của viêm loét dạ dày tá tràng là đau bụng (Ảnh: Shutterstock)

Để biết triệu chứng đau bụng có phải do bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hay không cần đến bệnh viện khám và kiểm tra.

* Rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng chỉ cần ăn một chút đồ ăn lạ hoặc thực phẩm không đảm bảo, ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ… sẽ ngay lập tức phải chịu đựng cơn đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo đó là tình trạng tiêu chảy kéo dài không dứt.

* Buồn nôn

Đau bụng, buồn nôn, đặc biệt nôn sau khi vừa ăn xong... cũng là những triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng.

Khi nôn, nhiều trường hợp nôn ra cả thức ăn của ngày hôm trước hoặc bữa trước do hệ tiêu hóa không hoạt động tốt, không nghiền nát được thực ăn, lúc này báo hiệu chức năng dạ dày đã bị suy yếu.

* Ợ hơi, ợ chua

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng có thể thường xuyên xuất hiện biểu hiện như ợ hơi, hay ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu, cảm giác ăn uống không ngon miệng, giấc ngủ chấp chờn, mất ngủ…

* Sụt cân

Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường sụt cân nhanh do dạ dày không thể hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng, chức năng của dạ dày bị suy yếu dẫn đến tình trạng sụt cân.

Hãy chú ý, khi thấy cơ thể có biểu hiện trên cần đến bệnh viện kiểm tra ngay, khám và chữa ngay để đẩy lùi bệnh tật khi vừa mới chớm hình thành.

Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, triệu chứng của bệnh không quá rõ ràng và dễ nhầm lẫn với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay các bệnh lý khác về đường tiêu hóa.

Biểu hiện bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không dữ dội, đến rồi lại đi, không gây ra đau đớn quá mức hay quằn quại… vì vậy hầu hết mọi người đều bỏ qua. Do đó, hầu hết những bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng đều nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng và khó chữa trị.

Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng rất nhiều. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới viêm loét dạ dày.

* Do di truyền

Một nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng liên quan tới tiểu sử sức khỏe gia đình. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có tính chất di truyền và tỷ lệ mắc bệnh ở thế hệ con trong gia đình có gen lưu truyền lên đến 47%.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng, nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có thể do di truyền

* Do vi khuẩn HP

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Tỷ lệ gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP chiếm khoảng 70 – 90%.

HP vừa là nguyên nhân chính, vừa khiến bệnh nặng hơn, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày…

Khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, chỉ rất ít trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày. HP hiện diện ở 90% các ca loét tá tràng và lên tới 80% ở các ca loét dạ dày.

HP là loại vi khuẩn duy nhất sống được ở lớp nhày của niêm mạc dạ dày và tiết ra hàng loạt các enzyme, nội độc tố… Chúng gây hoại tử, bong tróc các tế bào biểu mô dạ dày, hình thành nên vết loét và ngày càng trầm trọng nếu HP làm tăng các yếu tố tấn công dạ dày như acid HCl, pepsin…

HP rất dễ lây nhiễm từ người sang người khác qua đường nước bọt: bàn chải đánh răng, chung đồ đựng thực phẩm, chấm chung bát nước chấm…

* Do các loại thuốc tây

Hầu hết các loại thuốc tây đều gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là hại dạ dày, trong đó những loại thuốc dễ gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày chẳng hạn như: nhóm axit acetylsalicylic, thuốc chống viêm, chữa khớp, thuốc hormone như sterol, thuốc giảm đau…

Một số thống kê cho thấy 15% số người dùng thuốc giảm đau liên tục trong 3 tháng sẽ mắc viêm loét dạ dày tá tràng.

* Do căng thẳng cuộc sống

Một nguyên nhân khác dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng là áp lực tâm lý kéo dài từ công việc, tình cảm, cuộc sống…

Áp lực thần kinh căng thẳng sẽ làm tăng tiết axit HCl. Khi dạ dày tăng tiết axit trong khi lượng thức ăn đưa vào vẫn không thay đổi, phần axit dư ra trong quá trình tiêu hóa sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.

Tình trạng này nếu thường xuyên xảy ra và không có biện pháp can thiệp sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày. Nghiêm trọng nhất là tình trạng viêm loét phát triển thành ung thư dạ dày.

Thông thường, stress là những căng thẳng nhẹ thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nếu căng thẳng xảy ra bất ngờ, mạnh và lâu dài… thì sẽ gây ra những cơn đau dạ dày, thậm chí là loét dạ dày.

* Do ăn uống thất thường

Ăn quá no hoặc quá đói, ăn quá nhanh hoặc vừa ăn vừa xem tivi, thường xuyên ăn đêm… cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng.

No đói đều làm cho axit hydrochloric và các chất xúc tác dạ dày tiết ra trung hòa thức ăn không ổn định, thời gian thức ăn lưu lại dạ dày lâu, làm tổn thương cơ chế tự bảo vệ dạ dày.

Ăn uống thất thường cũng làm cho dạ dày không được nghỉ ngơi làm bệnh dễ phát và dễ tái phát. 

Nếu ăn quá nhanh hay vừa ăn vừa xem ti vi, nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, làm cho thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày lâu hơn dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày.

* Do uống nhiều bia rượu, chất kích thích

Rượu bia rất có hại cho sức khỏe, nó có thể gây ra xơ gan, viêm tuyến tụy, tác động trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, làm cho dạ dày tổn thương nặng thêm.

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng, nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng, triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nhiều khi bắt nguồn từ việc uống nhiều bia rượu (Ảnh: Chinadaily)

Các thức uống chứa cồn có tác động ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, mặt khác rượu bia còn kích thích tiết ra nhiều axit dịch vị có thể tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, thức uống chứa cồn sẽ làm gia tăng áp lực carbon dioxide trong dạ dày, khiến các tổn thương tại ổ viêm trở nên nặng nề hơn, có thể gây loét dạ dày và thủng dạ dày.

Chất CO2 có trong bia rượu khi vào cơ thể còn làm tăng axit dạ dày, gây đau bụng dữ dội do vết loét kịch phát.

* Do ăn quá nhiều muối

Cơ thể nạp quá nhiều muối là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng hoạt động của gen trong vi khuẩn HP, điều này sẽ làm cho chúng trở nên độc hại hơn.

Nếu bạn ăn trên 5 gram muối/ngày, muối mặn còn làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư tiếp xúc trực tiếp lên niêm mạc dạ dày ảnh hưởng tới các tế bào đó.

* Do hội chứng Zollinger-Ellison

Hội chứng Zollinger-Ellison là một bệnh lý đường tiêu hóa rất hiếm gặp, gây ra do sự hình thành một hoặc nhiều khối u ở tụy hoặc tá tràng, gọi là u gastrin.

Các khối u này có thể lành tính hay ác tính, nhưng thường chiếm tỉ lệ 1/2 hay 2/3 là ác tính và gây ra sự gia tăng bài tiết hóc-môn gastrin, từ đó dẫn tới nhiều axit trong dạ dày và phá hủy lớp lót. 

* Do yếu tố thể tạng

Người có nhóm máu O có tần suất bị bệnh cao hơn các nhóm máu khác, điều này có lẽ liên quan đến sự ưu tiên kết hợp giữa nhóm máu O và HP, sự liên quan giữa kháng nguyên HLA B5 (là kháng nguyên thường được tìm thấy trên một số tế bào máu) với tần suất loét tá tràng.

Bình luận