Nhận diện nhanh các dấu hiệu thoái hóa cột sống cổ

(VOH) – Thoái hóa cột sống cổ là bệnh gặp chủ yếu ở tuổi trung niên, tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Vậy bệnh thoái hóa cột sống cổ là gì và làm sao nhận biết bệnh sớm?

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ (hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ) là tên gọi chung của tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống do nhiều nguyên nhân khác nhau trong công việc, lao động, hoạt động, tuổi tác....

Thoái hóa cột sống là diễn tiến tự nhiên của cơ thể, bắt đầu bằng những hiện tượng hư khớp ở các đốt sống, đĩa đệm giữa các đốt sống bị khô, mất nước, bị vỡ và gây thoát vị đĩa đệm. Các dây chằng của cột sống cũng dần mất đi tính đàn hồi, trở nên xơ cứng gây thoái hóa. Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý phổ biến, tiến triển chậm có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào, nhưng đoạn C5 - C6 - C7 là thường gặp nhất.

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ

Hoạt động sai tư thế là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa cột sống cổ. Cụ thể:

  • Làm việc liên tục ở một tư thế, ít vận động.
  • Những công việc phải cúi, ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu.
  • Ngồi làm việc liên tục trước màn hình vi tính, ví dụ nhân viên văn phòng, nhân viên IT....

nhan-dien-nhanh-cac-dau-hieu-thoai-hoa-cot-song-co-voh

Nhân viên văn phòng là đối tượng dễ bị thoái hóa cột sống cổ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ còn có thể do:

  • Chế độ dinh dưỡng ăn uống thiếu chất, sụt giảm hàm lượng canxi, vitamin, magie....
  • Thói quen sinh hoạt không hợp lý, ví dụ: cúi ngửa đầu quá nhiều, kê gối cao khi ngủ...
  • Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá...

Những đối tượng nguy cơ bệnh thoái hóa cột sống cổ

ThS, BS Nguyễn Thành Nhân (Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y Dược TPHCM) cho biết, những người có nguy cơ cao dễ bị thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

  • Người trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi.
  • Nghề nghiệp: Bác sĩ, nha sĩ, nhân viên văn phòng, nhân viên IT, công nhân làm việc theo dây chuyền, nông nhân, người làm việc nặng nhọc...
  • Người đã từ bị chấn thương cổ.
  • Yếu tố di truyền: Người có người thân mắc phải căn bệnh này cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trong gia đình không có người bị bệnh.
  • Hút thuốc lá.

Như vậy, có thể nói thoái hóa cột sống cổ không chỉ gặp ở người già mà đang ngày càng trở thành căn bệnh thường gặp ở người trẻ. Đây là căn bệnh không loại trừ một ai nếu như bạn không có một tư thế hoạt động khoa học.

Dấu hiệu nhận biết thoái hóa cột sống cổ

Theo ThS, BS Nguyễn Thành Nhân, các triệu chứng thoái hóa cột sống cổ thường xảy ra ở nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường gặp khi bị thóa hóa cột sống cổ là:

  • Đau, nhức mỏi ở vùng cổ gáy, có thể lan nhẹ từ sau gáy lên đầu và lan dọc theo cột sống lưng.
  • Đau cứng cổ.

nhan-dien-nhanh-cac-dau-hieu-thoai-hoa-cot-song-co-1-voh

Đau cứng cổ là một dấu hiệu nhận biết thoái hóa cột sống cổ (Nguồn: Internet)

  • Có thể bị nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hoặc cả 2 bên.
  • Một số trường hợp bị mất cảm giác của tay, bàn tay có thể bị tê liệt.

Thoái hóa cột sống cổ gây ra những biến chứng gì?

Thoái hóa cột sống cổ nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Đĩa đệm bị hư dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
  • Mấu khớp phì đại dẫn đến hiện tượng chèn ép vào rễ thần kinh xuất phát từ bên trong ống sống hoặc chèn ép vào các tủy thần kinh gây ra các triệu chứng đau tê xuống cánh tay, tay chân yếu khiến việc đi lại khó khăn, khập khiễng, đặc biệt là khi có sự chèn ép tủy thần kinh nặng.
  • Rối loạn trong vấn đề tiểu tiện.
  • Gây ra những tổn thương thần kinh trên tủy sống ở mức độ vĩnh viễn.
  • Nếu không điều trị thoái hóa cột sống cổ có thể dẫn đến teo cơ, tàn phế.

Thoái hóa cột sống cổ có điều trị được không?

Thoái hóa cột sống cổ là căn bệnh chịu tác động của nhiều yếu tố, do đó, việc phòng bệnh sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế bệnh. Bạn có thể phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ bằng các biện pháp như:

  • Thực hiện xoa bóp vùng cổ thường xuyên. Không quá gắng sức trong công việc.
  • Nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Khi ngủ tránh tình trạng nằm ở một tư thế quá lâu.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tránh các chất có hại như bia, rượu...
  • Luyện tập thể dục thường xuyên.

Với những người đã bị thoái hóa cột sống cổ thì việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn. Nếu chỉ có đau nhức, chưa chèn ép dây thần kinh nặng thì người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ... Bên cạnh đó sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng kết hợp với việc thay đổi thói quen sống, siêng năng tập luyện để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa cột sống cổ diễn tiến nặng thêm.

Có khoảng 10% các trường hợp bị thoái hóa cột sống cổ sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa khi việc điều trị bảo tồn (dùng thuốc, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng) không hiệu quả. Thông thường, bệnh nhân bị thoái cột sống cổ sẽ được điều trị bảo tồn, tập vật lý trị liệu như kéo tạ cổ, tập phục hồi cơ, kích thích điện .... trong vòng 4 – 6 tuần. Nếu sau 4 – 6 tuần nếu diễn tiến bệnh không  thì bác sẽ chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, những bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép về tủy sống cổ, có yếu liệt tay chân, đi lại khó khăn, dáng đi rô-bô cũng sẽ được thực hiện phẫu thuật.

Như vậy, thoái hóa cột sống cổ là bệnh có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi nếu như chúng ta làm việc, sinh hoạt không khoa học. Tuy nhiên, chỉ cần bạn có một sức khỏe tốt cộng với chế độ sinh hoạt phù hợp, vận động hợp lý thì vấn đề thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa cột sống cổ nói riêng sẽ được ngăn chặn để bạn có được một cuộc sống thật khỏe mạnh.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Thoát vị đĩa đệm cột sống: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị : Ngày nay, thoát vị đĩa đệm không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn phổ biến ở người trẻ. Nếu không phát hiện, chữa trị sớm, người bệnh có thể ‘đứng ngồi không yên’, thậm chí tàn phế ...
Thoái hóa đốt sống cổ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị : Thoái hoá đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ, gây hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh gây mỏi, tê, đau. Việc chèn ép rễ thần kinh và tuỷ sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tuỷ sống.
Bình luận