Gai cột sống – Nhận biết, chữa trị và biện pháp phòng tránh hiệu quả

(VOH) - Khi tuổi càng tăng, quá trình lão hóa cũng hình thành từ từ. Kéo theo đó là nhiều vấn đề sức khỏe ‘xuống cấp’, đặc biệt là xương khớp. Và tình trạng gai cột sống cũng nằm trong các vấn đề đó.

Vậy gai cột sống là gì, nếu gai cột sống là do quá trình lão hóa gây ra thì liệu chúng ta có biện pháp nào để ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của nó hay không? Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Gai cột sống là gì?

Gai cột sống là loại bệnh thoái hóa cột sống mà trong đó có sự xuất hiện của các phần xương mọc ra phía ngoài và 2 bên của cột sống. Đây chính là sự phát triển thêm ra của xương trên đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp do viêm khớp cột sống, chấn thương hoặc sự lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tại đốt sống.

gai-cot-song-nhan-biet-chua-tri-va-bien-phap-phong-tranh-hieu-qua-voh

Thoái hóa cột sống lâu ngày sẽ hình thành gai cột sống (Nguồn: Internet)

Bệnh gai cột sống có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên cơ thể như gai cột sống lưng, gai cột sống cổ, gai đốt sống ngực, gai đốt sống thắt lưng,…nhưng thường gặp nhất là gai cột sống lưng và cổ.

Vị trí thường mọc gai là mặt trước và bên của cột sống, hiếm khi mọc ở phía sau nên ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh. 

2. Gai cột sống nhận biết bằng cách nào?

Đa số bệnh nhân bị gai cột sống thường không có triệu chứng nào trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ thần kinh thì những cơn đau sẽ dần xuất hiện. Đặc điểm của cơn đau do gai cột sống thường là:

  • Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi.
  • Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua 2 tay, đau ở lưng, đau dọc xuống 2 chân.
  • Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều. Cơn đau tăng khi cử động nhưng sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

3. Nguyên nhân hình thành gai cột sống

Cột sống là một trục chống đỡ của cơ thể với đường cong tự nhiên hình chữ S, có thể đàn hồi giúp bạn cúi, ngửa hoặc vặn mình. Cột sống là một hệ thống được tạo ra bởi các đốt sống riêng lẻ xếp chồng lên nhau và kết nối thành một trục nhờ hệ dây chằng và cơ. Giữa các đốt sống là đĩa đệm, dọc theo chiều dài cột sống ở phía sau có chứa tủy sống và dây thần kinh đi từ trên não xuống. Nếu có một thay đổi nào đó tác động làm lệch cấu trúc này sẽ gây ra những bệnh lý về cột sống trong đó có, bệnh gai cột sống.

Thông thường, gai cột sống hình thành sau khi sụn khớp hoặc dây chằng các đốt sống bị tổn thương do thoái hóa hay chấn thương. Không chỉ có tình trạng chấn thương, thoái hóa theo thời gian, lao động nặng nhọc, tai nạn…mà các bệnh như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh gout (bệnh gút), béo phì hay yếu tố di truyền cũng có thể khiến các khớp xương bị tổn thương.

Quá trình thoái hóa lâu ngày cũng sẽ làm sụn mất nước và bị canxi hóa, đồng thời canxi sẽ tụ lại ở dây chằng và tạo ra các gai cột sống.

4. Gai cột sống có nguy hiểm không?

Gai cột sống làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm hiệu suất làm việc, chất lượng cuộc sống của người bệnh và thậm chí có thể gây ra một vài biến chứng khó lường.

gai-cot-song-nhan-biet-chua-tri-va-bien-phap-phong-tranh-hieu-qua-voh

Gai cột sống thường gây đau nhức, khó chịu (Nguồn: Internet)

Nếu gai cột sống nhẹ thì gây đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nếu nặng, bệnh có thể gây nên hiện tượng chèn ép thần kinh gây đau lưng (gặp ở trường hợp bị gai cột sống lưng), đau cổ (gặp ở trường hợp bị gai cột sống cổ), người bệnh lúc nào cũng mệt mỏi và đi lại khó khăn.

Chính vì vậy, khi có dấu hiệu và nghi ngờ bị gai cột sống thì bạn nên đến gặp bác sĩ khoa cơ xương khớp để thăm khám. Các bác sĩ có thể chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ,…để có thể đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị tối ưu nhất.

5. Điều trị gai cột sống bằng cách nào?

Nếu gai cột sống không gây đau thì người bệnh không cần điều trị. Xu hướng điều trị của bệnh gai cột sống là điều trị bảo tồn và sẽ cắt bỏ gai khi thật sự cần thiết. 

Điều trị bảo tồn có thể phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc Tây y kết hợp với Đông y, các biện pháp vật lý trị liệu, tập thể dục nhằm khắc phục các triệu chứng của bệnh gai cột sống.

5.1 Dùng thuốc

Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm giãn cơ, tiêm cạnh cột sống bằng thuốc chống viêm steroid. 

5.2 Vật lý trị liệu

Các phương pháp điều trị hỗ trợ giúp giảm đau và tăng vận động như massage, châm cứu, tập thể dục, áp dụng liệu pháp chiropractic,…Hồng ngoại, điện xung, điện dẫn thuốc, siêu âm dẫn thuốc cũng thường có kết quả tốt trong điều trị gai cột sống.

Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi người bệnh bị đau nghiêm trọng, kéo dài, có chèn ép vào tủy, chèn ép các rễ thần kinh ở cột sống gây nên rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác hoặc liệt…

Lưu ý: Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều tại nhà, không lao động nặng hoặc quá sức, không nên ngồi lâu 1 chỗ với một tư thế, nằm ngủ đúng tư thế để tránh ảnh hưởng đến cột sống.

6. Bị gai cột sống nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần không nhỏ vào quá trình lành bệnh, giảm đau và ngăn chặn bệnh tiến triển hơn. Ăn uống đầy đủ chất, cân bằng và phù hợp thể trạng sẽ giúp người bệnh sớm đạt được hiệu quả điều trị.

6.1 Gai cột sống nên ăn gì?

gai-cot-song-nhan-biet-chua-tri-va-bien-phap-phong-tranh-hieu-qua-voh

Nhóm thực phẩm giàu canxi (Nguồn: Internet)

  • Thực phẩm chứa canxi: Nhiều người lo sợ rằng khi bổ sung canxi sẽ thúc đẩy sự phát triển của gai xương nên họ e ngại dùng những thực phẩm chứa nhiều canxi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, canxi chính là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương. Do đó, để xương phục hồi những tổn thương nhanh chóng và giảm thời gian tạo nên các gai xương thì người bệnh nên cung cấp đầy đủ canxi trong chế độ ăn mỗi ngày. Những thực phẩm giàu canxi là sữa, các loại rau lá xanh, ngũ cốc, đậu nành, hải sản,…
  • Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi nhanh hơn, hỗ trợ xương phát triển, kiểm soát tăng trưởng tế bào, nâng cao hệ miễn dịch và chống viêm. Theo các chuyên gia, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào lúc sáng (từ 6h – 8h sáng) là cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Vì vậy, khi đi ra đường vào buổi sáng, bạn đừng nên che chắn quá nhiều để cơ thể được hấp thụ vitamin D nhiều hơn.
  • Vitamin K: Vitamin K có thể thúc đẩy mật độ xương, hỗ trợ quá trình điều trị gai cột sống. Do đó, người bệnh gai cột sống nên ăn nhiều rau lá xanh, thịt, phô mai, trứng,…để bổ sung vitamin K.

6.2 Gai cột sống kiêng ăn gì?

  • Chất béo: Người bệnh gai cột sống nên kiêng ăn thịt mỡ, bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món chiên, xào,…
  • Chất kích thích: Người bệnh cũng cần hạn chế uống bia, rượu và cà phê,…
  • Thực phẩm đã qua tinh chế: Bún, phở, miến, mì, các loại thức ăn nhanh như hamburgers, khoai tây, pizza,…thuộc dạng thực phẩm đã tinh chế, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm này. Bởi dung nạp nhiều thực phẩm như vậy sẽ khiến cơ thể ngày càng tăng cân, điều này khiến cột sống chậm hồi phục hơn.

7. Biện pháp phòng tránh bệnh gai cột sống

Bạn có thể sẽ không mắc bệnh gai cột sống nên như áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng các chất như canxi, vitamin D, K, C, E, muối khoáng đồng, kẽm, magie, mangan,…vào chế độ ăn uống mỗi ngày.
  • Tăng cường ăn rau quả, hạn chế chất béo, nhất là mỡ động vật. 
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân đối, tránh thừa cân, béo phì.
  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống lưng. Tập thở đúng cách vào buổi sáng khoảng 10 – 15 phút.
  • Tránh các tư thế lao động nguy hiểm, không mang vác vật quá nặng.
  • Lao động và nghỉ ngơi hợp lý.
Bình luận