Những triệu chứng của bệnh viêm phế quản cấp tính và mạn tính

(VOH) - Bệnh viêm phế quản xuất hiện sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc xuất hiện ổ nhiễm trùng ở đường hô hấp. Các triệu chứng gồm: ho có đờm, thở khò khè, khó thở và cảm giác đau nhói ở ngực.

Những ngày qua, thời tiết biến đổi liên tục từ nắng nóng đến mưa rào, điều này dẫn đến khá nhiều trẻ em và cả người lớn xuất hiện triệu chứng ho, khàn tiếng đi kèm với cảm giác mỏi mệt, ớn lạnh dọc sống lưng. Đây có thể là triệu chứng của bệnh viêm phế quản, một căn bệnh phổ biến của đường hô hấp.

Phế quản là gì ?

Phế quản là một thành phần của hệ thống hô hấp, có nhiệm vụ như đường ống dẫn khí vào phổi. Phế quản có hình như cành cây, có chi nhánh đến các thuỳ phổi.

Phế quản được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái, bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản đến rốn phổi. Hai phế quản tạo với nhau một góc 70 độ.

Phế quản chính phải thường lớn hơn, dốc hơn và ngắn hơn nên thường dị vật lọt vào phổi phải.

bệnh việm phế quản

Viêm là phản ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch trước sự tấn công của một tác nhân bên ngoài (vi sinh vật, tác nhân hóa, lý) hoặc của tác nhân bên trong (hoại tử do thiếu máu cục bộ, bệnh tự miễn). Quá trình viêm thường kèm theo các triệu chứng sưng, nóng, đỏ và đau, do các mạch máu giãn nở, đưa nhiều máu đến nơi tổn thương.

Vì sao viêm phế quản ?

Bệnh viêm phế quản là tình trạng viêm lớp niêm mạc ống phế quản do nhiễm trùng. Phế quản là ống để không khí di chuyển. Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất đờm dày, có thể bị đổi màu.

Virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh giai đoạn đầu, thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi, cúm hay viêm xoang. Nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch.

viêm phế quản là gì

Viêm phế quản còn có thể do hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá. Đa số thanh thiếu niên nghiện thuốc lá hay trẻ em phải sống trong môi trường có khói thuốc lá, rất có nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính. Ở điều kiện thông thường, viêm phế quản cấp tính thường phát triển từ nhiễm trùng đường hô hấp do lạnh hay vấn đề khác.

Viêm phế quản cũng có thể xảy ra với những người bị bệnh trào ngược dạ dày, khi ấy dịch axit từ dạ dày luôn trào ngược vào ống thực quản và một vài giọt đi vào đường hô hấp trên gây viêm phế quản.

Viêm phế quản có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

Điều trị viêm phế quản tập trung vào làm giảm các triệu chứng và giảm bớt khó thở.

Triệu chứng thường gặp của viêm phế quản

Thông thường, dấu hiệu của bệnh viêm phế quản gồm những biểu hiện sau:

- Ho có đờm là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phế quản. Đờm có màu trắng trong, nếu viêm nặng thì có màu xanh, vàng,…

- Sốt và cảm giác ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi kèm theo hiện tượng tức ngực.

Đặc biệt đối với trẻ em, trẻ sơ sinh (khi chưa thể diễn đạt cảm giác bằng lời) thì cha mẹ cần hết sức lưu ý các dấu hiệu: triệu chứng ho và sốt kéo dài trong vòng từ 2-3 tuần, ban đêm khó thở, thở khò khè có thể nghe tiếng thở ran rít, bỏ bú, nôn trớ,…

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sùi bọt mép, thở khó, sắc mặt tím tái,…cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất vì lúc này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

viêm phế quản do bụi

Viêm phế quản mạn tính:

Thường gặp ở đối tượng người hút thuốc lá nhiều, các cơn viêm phế quản cấp tái đi tái lại nhiều lần trong năm.

Viêm phế quản mạn là tình trạng viêm lâu dài dẫn đến sẹo ở các ống phế quản, gây sản xuất chất nhờn quá mức. Theo thời gian, những lớp màng ống phế quản và đường hô hấp dày lên trở thành sẹo.

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản mạn tính có thể bao gồm:

Ho nhiều hơn vào buổi sáng và trong thời tiết ẩm ướt; Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp (như cảm lạnh hoặc cúm ) kết hợp với ho có đờm.

Thông thường, nếu triệu chứng ho kéo dài mỗi ngày ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp thì bệnh đã chuyển qua giai đoạn mạn tính khó chữa, có nguy cơ dẫn đến ung thư phổi.

Mời độc giả đọc Phần 2 Chuyên đề Bệnh viêm phế quản: Những biến chứng nguy hiểm. 

 

Bình luận