Ra máu khi mang thai 3 tháng cuối nguy hiểm thế nào?

(VOH) - Ra máu xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vậy nếu phụ nữ bị ra máu khi mang thai 3 tháng cuối sẽ cảnh báo điều gì?

Trong mỗi 1 giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu sẽ phải trải qua nhiều vấn đề sức khỏe, nếu trong 3 tháng đầu các thai phụ thường gặp phải tình trạng nghén thì 3 tháng cuối thai phụ sẽ gặp phải những vấn đề khác, một trong số đó chính là tình trạng ra huyết thai kỳ.

Ra máu khi mang thai 3 tháng cuối báo hiệu điều gì?

Tình trạng ra máu 3 tháng cuối thai kỳ có nghĩa là chưa đến ngày sinh nhưng thai phụ lại bị ra huyết âm đạo. Đây là một tình trạng không bình thường và nó có thể cảnh báo một số các bệnh lý như: 

  • Nhau tiền đạo. 
  • Nhau bong non.
  • Dọa sinh non hoặc lúc chuyển dạ sanh non. 
  • Thai phụ có các bệnh lý ở cổ tử cung, ví dụ như:  ung thư cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nhiễm cổ tử cung...

ra-mau-3-thang-cuoi-thai-ky-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ra máu trong 3 tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, nếu mang thai 3 tháng cuối và có tình trạng ra huyết âm đạo thì đây là dấu hiệu bất thường, thai phụ cần đến bệnh viện thăm khám để có cách xử lý thích hợp .

Thai phụ ra máu 3 tháng cuối thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, tất cả các vấn đề liên quan đến tình trạng ra máu khi mang thai 3 tháng cuối đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của em bé, của người mẹ, thậm chí là cả 2 mẹ con.

  • Nhau tiền đạo

Khi nhau thai bám ngay cổ tử cung sẽ dẫn đến tình trạng cổ tử cung chưa mở nhưng máu đã chảy ra, máu ra có màu đỏ tươi, vón cục, không gây đau bụng. Trường hợp này máu có thể chảy nhanh liên tục và nhiều làm ảnh hưởng đến tính trạng của mẹ. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cả tính trạng của con. Do đó, nhau tiền đạo được xếp vào 1 trong những tình trạng cần cấp cứu nhanh.

  • Nhau bong non

Thường gặp ở những thai phụ bị huyết áp cao hoặc bị té, có 1 chấn thương nào đó vào bụng khiến bánh nhau bong ra trước ngày sinh. Khi bị nhau bong non, thai phụ sẽ đau bụng dữ dội, sau đó là tình trạng ra huyết âm đạo.

Ra huyết do nhau bong non có thể rất ít và máu có màu đỏ sậm. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến tình trạng phong huyết tử cung nhau và rối loạn đông máu, cho dù có áp dụng biện pháp mổ lấy thai thì thai phụ cũng sẽ rất khó cầm máu, có thể phải cắt tử cung hoặc phải truyền máu. Trẻ sinh ra nếu không được xử lý nhanh có thể sẽ bị mất tim thai trong bụng.

  • Dọa sinh non

Dọa sinh non thường có biểu hiện tương tự như một cuộc chuyển dạ thông thường như ra huyết hồng, đau bụng từng cơn. Nếu phát hiện tình trạng dọa sinh non khi thai kỳ mới khoảng 28 - 30 tuần thì thai phụ cần phải đến bệnh viện để được xử trí nhằm giúp giữ bào thai đến ngày sinh nở. Trẻ được sinh ra sau tình trạng dọa sinh non có thể sẽ không sống được.

ra-mau-3-thang-cuoi-thai-ky-nguy-hiem-nhu-the-nao-1-voh

Phụ nữ bị ra huyết âm đạo 3 tháng cuối nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Thanh Hà cảnh báo, dù trong hoàn cảnh nào ra huyết âm đạo trong 3 tháng cuối thai kỳ đều là những bất thường nếu chưa đến ngày sinh, đặc biệt nếu có ra huyết đỏ tươi, vón cục hoặc là ra huyết kèm đau bụng thì thai phụ cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt. 

Với những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung hay viêm nhiễm cổ tử cung... thì trước khi có thai, chị em nên đi khám phụ khoa để được điều trị triệt để, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của mẹ và con trong thai kỳ.

Thai phụ cần làm gì khi bị ra máu khi mang thai 3 tháng cuối?

Theo TS, BS Thanh Hà, thai phụ bị ra máu khi mang thai trong 3 tháng cuối thì điều cần làm đầu tiên là nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có cách xử trí thích hợp.

Tuy nhiên cần lưu ý, nếu thai phụ bị ra máu nhiều, máu cục màu đỏ tươi thì có thể là dấu hiệu của nhau tiền đạo. Những trường hợp này thai phụ nên di chuyển ở tư thế nằm, hạn chế tối đa việc đi lại. 

Tóm lại, do có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng xuất huyết âm đạo 3 tháng cuối thai kỳ nên sẽ tùy theo từng vấn đề gây ra tình trạng ra máu âm đạo mà bác sĩ sẽ có hướng xử trí khác nhau

Ngoài ra, với những thai phụ bị nhau tiền đạo, trên người thai phụ có vết mổ cũ do mổ lấy thai, người nạo thai nhiều lần, người có bệnh lý của cổ tử cung như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, mẹ lớn tuổi… thì lời khuyên quan trọng nhất là nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn và đưa ra những lời khuyên tốt nhất.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ tại audio bên dưới:

Nguyên nhân ra máu khi mang thai 3 tháng đầu và cách xử trí : Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có thể gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ra máu khi mang thai trong 3 tháng đầu và làm sao xử trí?
Mẹ bầu cần biết: Ra máu 3 tháng cuối thai kỳ lưu ý điều gì? : Ra huyết âm đạo với thai phụ không chỉ thường trong 3 tháng đầu thai kỳ mà còn phải đáng lưu ý hơn trong chặng cuối hành trình đón con chào đời. Mẹ bầu cần lưu ý.
Bình luận