Suy dinh dưỡng - dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) - Chế độ ăn uống thiếu chất sẽ khiến bạn nhanh chóng bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Để hiểu đầy đủ về tình trạng suy dinh dưỡng và nên làm gì để cơ thể luôn đầy đủ chất? hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.

Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không nhận được đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Trẻ biếng ăn dễ bị suy dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

  • Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ.
  • Suy dinh dưỡng ở người lớn phổ biến ở người cao tuổi hoặc người trưởng thành có các nguyên nhân làm hạn chế cung cấp thức ăn cho cơ thể như mắc bệnh mãn tính, mắc chứng biếng ăn. Người lớn bị suy dinh dưỡng sẽ gây ra các biến chứng như hệ miễn dịch suy yếu, gia tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý khác nhau, nhất là các bệnh lý lây nhiễm, hạn chế vận động, dễ té ngã,…

Triệu chứng bị suy dinh dưỡng

  1. Triệu chứng suy dinh dưỡng ở người lớn

Bệnh suy dinh dưỡng ở người lớn thường có các biểu hiện trên lâm sàng như sau:

  • Mệt mỏi, uể oải, giảm vận động.
  • Teo dần lớp mỡ dưới da.
  • Lớp cơ lỏng lẻo, giảm khối lượng.
  • Vết thương lâu lành hơn bình thường.
  • Dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng do sức đề kháng giảm.
  • Giảm hoạt động tình dục, khả năng sinh sản kém.

Ở những trường hợp suy dinh dưỡng nặng hơn, có thể gặp các dấu hiệu sau:

suy-dinh-duong-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-2

Người lớn bị suy dinh dưỡng chủ yếu do mắc các bệnh lý mãn tính (Nguồn: Internet)

  • Da xanh xao, không đàn hồi, khô.
  • Lớp mỡ dưới da gần như biến mất.
  • Khuôn mặt gầy guộc.
  • Tóc và móng khô, dễ gãy rụng.
  • Biểu hiện suy tim, suy gan, suy hô hấp do thiếu năng lượng kéo dài.
  1. Triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Thông thường, suy dinh dưỡng trẻ em được chia làm 3 loại: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm.

  • Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Khi cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính.
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Khi chiều cao của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện thấp còi trên lâm sàng là hậu quả của một quá trình suy dinh dưỡng kéo dài trong những năm đầu đời, có khi bắt đầu sớm từ tình trạng suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ.
  • Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Khi cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn mức chuẩn của những trẻ cùng giới tính. Lúc này, cơ và mỡ bị teo đi nhiều. Đây là thể suy dinh dưỡng cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn.

Điều trị suy dinh dưỡng bằng cách nào?

Khi thực hiện chẩn đoán suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng, các chuyên gia y tế sẽ thiết lập kế hoạch chăm sóc với mục tiêu hồi phục sức khỏe cho người bệnh.

  • Về chế độ ăn uống

Bệnh nhân sẽ nhận được lời khuyên về chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh. Một chế độ ăn đúng phải đáp ứng được nhu cầu năng lượng của cơ thể từ đầy đủ các nhóm chất bao gồm protein, lipid, glucid, chất khoáng và vitamin. Nếu không bổ sung được bằng cách ăn uống thông thường có thể cân nhắc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thuốc uống.

suy-dinh-duong-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh-3

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

  • Lên kế hoạch chăm sóc

Người bị suy dinh dưỡng nặng hoặc không thể ăn nhai bằng đường miệng sẽ có chế độ ăn uống đặc biệt hơn. Nuôi ăn bằng ống sonde dạ dày được đặt qua miệng hoặc mũi và nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch là hai cách hỗ trợ ăn uống nhân tạo đang được sử dụng. 

  • Theo dõi, đánh giá

Người bệnh cần được giám sát thường xuyên, kiểm tra cân nặng và các chỉ số nhân trắc học để đánh giá hiệu quả điều trị. Nhờ đó, giúp xác định được thời điểm phù hợp chuyển từ hỗ trợ ăn uống nhân tạo sang ăn uống bình thường, giúp giảm gánh nặng chăm sóc các bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng.

Chế độ ăn cho người bị suy dinh dưỡng

  • Khuyến khích ăn các loại thực phẩm đóng gói đủ các chất dinh dưỡng

Bạn hãy phết đậu phộng hoặc bơ hạt đậu khác lên trên bánh mì nướng và bánh quy giòn, trái cây tươi và rau sống để ăn. Hay bạn có thể rắc thêm hạt thái nhỏ hoặc mầm lúa mì vào sữa chua, trái cây và ngũ cốc hoặc thêm lòng trắng trứng vào trứng chiên hay gà rán và khuyến khích sử dụng sữa nguyên chất.

Bạn cũng nên ăn kèm phô mai với bánh mì, rau, súp, gạo và mì.

  • Tăng hương vị cho những món ăn thông thường

Thực hiện chế độ ăn uống hấp dẫn hơn bằng cách sử dụng nước chanh, các loại thảo mộc và gia vị. Nếu biếng ăn, hãy thử nghiệm với các gia vị và công thức nấu ăn mới.

  • Thêm các bữa ăn nhẹ vào thực đơn

Một miếng trái cây hoặc phô mai, một thìa bơ đậu phộng hoặc một ly sinh tố trái cây có thể cung cấp chất dinh dưỡng và calo.

Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn cũng nên tăng cường các hoạt động thể chất hàng ngày, dù chỉ là các bài tập nhẹ nhưng cũng có thể kích thích sự thèm ăn và tăng cường xương, cơ bắp.

Lưu ý: Trên đây chỉ là chế độ ăn uống chung cho người bị suy dinh dưỡng. Nếu muốn có chế độ ăn uống riêng và phù hợp với tình trạng suy dinh dưỡng của mình thì hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng nhé.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang vinmec.com
Giúp trẻ suy dinh dưỡng thấp còi tăng cân sau 3 tháng: Dỗ dành con ăn, con thích ăn gì cho con ăn nấy, tăng cường thuốc bổ, học hỏi “bí quyết” từ nhiều người khác…. Rất nhiều cách các ông bố bà mẹ áp dụng để con tăng ký nhưng vẫn không hiệu quả. 
Chán ăn là dấu hiệu bệnh gì?: Có bao giờ bạn cảm thấy bỗng nhiên chán ăn, nhìn thức ăn chẳng thèm dù đó là món mình rất yêu thích. Theo các bác sĩ, hiện tượng này không chỉ là vấn đề cảm xúc mà còn là dấu hiệu bệnh tật.
Bình luận