Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, từ ngày 31/5 đến ngày 31/8, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 41 trường hợp bệnh sởi có xét nghiệm khẳng định tại 10/11 địa phương.
Cụ thể, như: Huyện Châu Thành ghi nhận 12 ca; TP Mỹ Tho 6 ca; huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và huyện Gò Công Đông, mỗi địa phương 4 ca; các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây mỗi huyện 2 ca và TP Gò Công ghi nhận 1 ca mắc sởi.
Đáng chú ý, có nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng, trong đó một số trẻ chưa đến lịch tiêm, hoặc bị tạm hoãn tiêm. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại một số địa phương trong tỉnh chưa đạt mức khuyến cáo, cùng với sự giao lưu với các tỉnh, thành lân cận, là những nơi có số ca mắc sởi cao.
Trước tình hình này, Sở Y tế Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin.
Tỉnh cũng đã tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ em, đặc biệt là tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế và giáo viên các trường học được khuyến khích chủ động tiêm phòng sởi nếu chưa được tiêm ngừa.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch; tránh để trẻ tiếp xúc với người nghi mắc sởi và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ vệ sinh cá nhân, nơi ở và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, trường học cần thường xuyên khử trùng và giữ vệ sinh sạch sẽ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.