Chờ...

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019 do VOH bình chọn

(VOH) - Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung; Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều; Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa khí hậu toàn cầu là những sự kiện thế giới nổi bật năm 2019 do VOH bình chọn.

1. Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết

Mỹ và Trung Quốc đang tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài từ giữa năm 2018. Đến nay, hai nước đã liên tiếp áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ đô la Mỹ hàng hóa của nhau, gây náo loạn thị trường tài chính và kéo tụt niềm tin kinh doanh, tiêu dùng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát nhận định, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất chưa thể hạ nhiệt. Mỹ cứ tăng thuế, Trung Quốc tiếp tục đáp trả, đàm phán thương mại vẫn diễn ra và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ kéo dài.

Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết

Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết

2. Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đứng trước nguy cơ mất tất cả

Cuối năm 2019, đàm phán hạt nhân bế tắc, Triều Tiên đã liên tiếp chuyển tới Mỹ những thông điệp cảnh báo cứng rắn. Mới đây, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công vụ thử “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae, đồng thời tuyên bố đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ. Đáp lại, phía Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu nối lại các hành vi thù địch. Hiện cánh cửa đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang ngày càng hẹp lại.

3. Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa khí hậu toàn cầu, Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc ngày 26/11 đã đưa ra lời cảnh báo trên trong báo cáo thường niên đánh giá về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tên “Khoảng cách khí thải". Theo đó, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm khoảng 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập kỷ qua. Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là nước đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

4. 90% dân số thế giới sống chung với ô nhiễm không khí  

Theo dữ liệu mới của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới, 9/10 người hít thở không khí có chất gây ô nhiễm cao. Số người chết do ô nhiễm không khí ở mức báo động 7 triệu người/năm. Trong đó, hơn 90% trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, ô nhiễm không khí góp phần gây bệnh phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và làm giảm tuổi thọ con người từ 1,5 - 2 năm. Trước tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, chính phủ nhiều nước đã phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình hình

5. Lần đầu tiên trong 3 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Normandy thảo luận cách giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine

Hội nghị Thượng đỉnh Normandy, nhóm Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine tại Paris, được tổ chức lần đầu tiên trong 3 năm qua để thảo luận cách thức giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine. Trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội tại Washington (Mỹ) đang nóng lên, với tâm điểm là những cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine mà phe Dân chủ Mỹ cho là đã có “sự trao đổi đen tối”, thì tại Ukraine, nhà lãnh đạo Zelensky đang tập trung vào việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền đông nước này, khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.

6. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về Syria

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về lộ trình chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, trong đó khẳng định, vai trò của Mỹ với tương lai của Syria là con số không. Thỏa thuận mới đạt được sẽ củng cố vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ như những bên quan trọng tại Syria, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các tay súng người Kurd ở miền Bắc Syria chính thức khai hỏa ngày 9/10, dư luận quốc tế ngay lập tức đã lên án động thái này đồng thời cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.

7. Hiến pháp mới của Cuba tái khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ngày 10/4, Hiến pháp mới của Cuba chính thức được thông qua trong một phiên họp trọng thể của Quốc hội, tiếp tục khẳng định mục tiêu theo đuổi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới của Cuba tái khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng việc duy trì nền tảng cơ bản của mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp mới đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Cuba, ấn định tính tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống tư pháp, định ra các chức danh lãnh đạo mới cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm… Đây là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959.

8. Iran chính thức nối lại việc làm giàu urani

Iran đã bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani bất chấp những sức ép từ Mỹ. Iran đang thu hẹp dần cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc năm 2015 do Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, áp đặt trừng phạt trở lại Tehran. Việc Iran nối lại việc làm giàu urani sẽ càng khiến phức tạp hơn các cơ hội cứu bản thỏa thuận, kế hoạch hành động chung toàn diện với các cường quốc châu Âu.

9. ASEAN - Hàn Quốc khẳng định tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác  

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc diễn ra từ ngày 25 đến 26/11, Hàn Quốc đã đưa ra cam kết mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh tinh thần châu Á, mong muốn cùng ASEAN xây dựng Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, gắn kết bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy các nội dung hợp tác như kết nối hạ tầng đường biển, đường bộ và hàng không, kết nối số và kết nối người dân; đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, thích ứng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ khởi nghiệp trong khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

10. Thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị tiêu diệt

Tối 27/10 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo, biệt kích Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại khu vực Tây Bắc Syria. Đây được xem là một bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo nói riêng và khủng bố nói chung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn là mối đe dọa thông qua các cuộc tấn công và hoạt động bí mật.

Bình luận