Chờ...

Anh và Canada trừng phạt một số tướng lĩnh Myanmar

(VOH) - Ngày 18/2, Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội đang nắm quyền tại Myanmar.

Cùng ngày, Nhật Bản cũng cho biết nước này cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia đạt được thỏa thuận nhằm thúc giục Myanmar nhanh chóng khôi phục lại nền dân chủ tại nước này.

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar. (Ảnh: AFP)
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar. (Ảnh: AFP)

Hôm 1/2, Myanmar đã xảy ra biến cố chính trị khi quân đội bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền, đồng thời tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước.

Vụ việc này đã vấp phải sự lên án và chỉ trích của nhiều nước phương Tây, trong khi hàng ngàn người dân Myanmar xuống đường phản đối chính quyền quân sự tại nước này.

Hồi tuần trước, Mỹ đã tuyên bố trừng phạt Myanmar. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 16/2 đã hối thúc Trung Quốc lên án vụ binh biến ở Myanmar.

Trong khi đó, nước Anh cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 tướng lĩnh Myanmar bằng hình thức đóng băng tài sản của họ tại Mỹ và cấm họ nhập cảnh vào nước này. Canada cũng cho biết sẽ trừng phạt 9 quan chức quân sự Myanmar.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước này sẽ cùng các đồng minh quốc tế của mình truy cứu trách nhiệm của quân đội Myanmar về những vi phạm nhân quyền.

Trước đó, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, với cáo buộc ông này vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác.

Chính quyền quân sự Myanmar đã không đưa ra phản ứng ngay lập tức trước các lệnh trừng phạt mới. Tại cuộc họp báo vào ngày 17/2, người phát ngôn của quân đội Myanmar cho biết các biện pháp trừng phạt dự kiến ​​sẽ được đưa ra.

Ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết ông cùng với người đồng cấp của Mỹ, Ấn Độ và Australia đã nhất trí rằng Myanmar phải nhanh chóng khôi phục lại nền dân chủ tại nước này.

Tuy nhiên, trong lịch sử Myanmar, hiếm khi các tướng lĩnh tại nước này chịu khuất phục trước sức ép của nước ngoài. Thực tế cho thấy, quân đội Myanmar có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga. So với các nước phương Tây, hai quốc gia này có thái độ ôn hòa hơn trước những biến cố chính trị tại Myanmar.

Ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ cáo buộc về đảo chính tại Myanmar.

Bình luận