Chờ...

Đảo chính tại Sudan và phản ứng của người dân, cộng đồng quốc tế

(VOH) - Bộ Thông tin Sudan cho biết Thủ tướng Abdalla Hamdok đã bị bắt giữ sau khi từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ quân đội tiếp quản đất nước và ông đã bị đưa đến một địa điểm chưa được tiết lộ.

Một nhóm binh sĩ đảo chính tại Sudan ngày 25/10 đã bắt giữ hầu hết các thành viên trong nội các nước này và một tướng lĩnh quân đội đã tuyên bố giải tán chính phủ chuyển tiếp, dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân nhằm phản đối hành động đảo chính.

Bên cạnh đó, cuộc đảo chính cũng vấp phải sự lên án của  Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Mỹ, Pháp và Đức.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời giải tán Hội đồng này cũng như chính phủ chuyển tiếp.

"Chúng tôi cam kết rằng các lực lượng vũ trang sẽ nỗ lực hoàn thành quá trình chuyển đổi dân chủ cho đến khi chúng tôi chuyển giao nó cho chính phủ được bầu cử dân chủ", Tướng Abdel Fattah al-Burhan nói thêm, và ấn định thời điểm tổ chức bầu cử tại Sudan vào tháng 7/2023.

Bộ Thông tin Sudan cho biết Thủ tướng Abdalla Hamdok đã bị bắt giữ sau khi từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ quân đội tiếp quản đất nước và ông đã bị đưa đến một địa điểm chưa được tiết lộ.

Bộ này cũng cho hay những người bị bắt giữ còn có các bộ trưởng dân sự trong chính phủ chuyển tiếp Sudan và các thành viên của Hội đồng Chủ quyền Sudan.

Người dân Sudan biểu tình phản đối hành động đảo chính, ít nhất 12 người bị thương

Bộ Thông tin Sudan gọi tuyên bố của Tướng al-Burhan là một "cuộc đảo chính quân sự" và kêu gọi mọi người chống lại hành động đảo chính này.

Tin cho hay, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình để phản đối việc tiếp quản quân sự và họ bị bắn gần một trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum.

Bộ Thông tin Sudan cho biết đã xảy ra thương vong nhưng không nói con số cụ thể hoặc ai đã bắn vào những người biểu tình.

Một nhóm các bác sĩ cho biết trên tài khoản Facebook của họ rằng ít nhất 12 người đã bị thương nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Tại thành phố Omdurman, những người biểu tình trẻ tuổi đã dựng rào chắn trên đường và hô vang khẩu hiệu ủng hộ chính phủ dân sự.

Đảo chính tại Sudan và phản ứng của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế 1
Người dân Sudan biểu tình phản đối đảo chính tại thủ đô Khartoum hôm 25/10. (Ảnh: AFP via Getty Images).

Hãng tin Reuters dẫn lời Iman Ahmed, một người biểu tình 21 tuổi nói rằng: "Chúng tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ cho đến những phút giây cuối cùng".

"Ông al-Burhan không thể lừa dối chúng tôi. Đây là một cuộc đảo chính quân sự", một thanh niên khác tên là Saleh nói với hãng tin Reuters.

Được biết, sau khi nhà độc tài Omar al-Bashir từ chức vào tháng 4/2019, các quan chức dân sự và phía quân đội bắt đầu chia sẻ quyền lực vào tháng 8 cùng năm.

Sau đó, hai bên liên tiếp xảy ra mâu thuẫn khiến Sudan không thể chuyển đổi sang thể chế dân chủ một cách suôn sẻ, và cuộc đảo chính mới nhất của quân đội Sudan ngay lập tức vấp phải sự lên án và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi quân đội Sudan trả tự do ngay lập tức cho Thủ tướng Hamdok và các quan chức Sudan khác đang bị bắt giữ.

"Tôi lên án cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra tại Sudan. Thủ tướng Hamdok và các quan chức khác phải được trả tự do ngay lập tức. Hiến pháp và Hiến chương phải được tôn trọng một cách đầy đủ để bảo vệ quá trình chuyển đổi chính trị. LHQ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Sudan", ông Guterres viết trên Twitter.

Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Sudan và kêu gọi tất cả các bên liên quan quay trở lại tiến trình chuyển đổi dân chủ của đất nước.

Liên minh châu Phi (AU) đã ra tuyên bố kêu gọi trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và các quan chức Sudan khác bị bắt trong cuộc đảo chính này.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum của Sudan ngày 25/10 đã kêu gọi những người phá hoại tiến trình chuyển đổi dân chủ tại Sudan nên từ chức và cho phép chính phủ dân sự tiếp tục hoạt động.

Đặc phái viên Mỹ Jeffrey Feltman nói Mỹ rất sốc trước thông tin quân đội Sudan tiếp quản chính phủ chuyển tiếp tại nước nàyvà cảnh báo việc tiếp quản quân sự sẽ đi ngược với Tuyên bố Hiến pháp của Sudan và vi phạm mong muốn dân chủ của người dân Sudan.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói rằng thông tin về âm mưu đảo chính ở Sudan là đáng lo ngại và âm mưu này cần phải bị lên án.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã lên án âm mưu đảo chính tại Sudan và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Thủ tướng Hamdok và các quan chức Sudan khác.

Bình luận