Chờ...

Mỹ được bầu trở lại vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sau 3 năm tuyên bố rút khỏi cơ quan này

(VOH) - Trước đó, tháng 6/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Ngày 14/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu để bầu thành viên mới vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) nhiệm kỳ 2022 - 2024 và Mỹ đã được bầu trở lại vào cơ quan này dù trước đó chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút tên khỏi UNHCR vào năm 2018 với lý do cơ quan này có thành kiến với Israel và chưa thật sự bảo vệ nhân quyền.

UNHCR được thành lập vào năm 2006, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và hiện có 47 quốc gia thành viên.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush trước đây từng phản đối việc gia nhập UNHCR, mãi đến năm 2009 Mỹ mới tham gia vào cơ quan này.

Tháng 6/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi UNHCR.

 Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Alamy)

 Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Alamy) 

Trong cuộc bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên vào ngày 14/10, Mỹ đã giành được 168 phiếu và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới kể từ ngày 1/1/2022.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó là ông Joe Biden từng cam kết rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại UNHCR nếu ông đắc cử tổng thống.

Trong một tuyên bố, đương kim Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói: "Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ mà nước này có thể sử dụng, từ việc đề xuất các nghị quyết và tu chính án, cho đến việc bỏ phiếu khi cần thiết… Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: sát cánh cùng những người bảo vệ nhân quyền và phản đối các hành vi vi phạm và chà đạp nhân quyền".

Bà Linda Thomas-Greenfield cũng hứa rằng Mỹ sẽ phản đối "sự quan tâm quá mức đối với Israel" của UNHCR, và phản đối việc bầu chọn các quốc gia có thành tích nhân quyền xấu, đồng thời khuyến khích các quốc gia nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại nước mình và nước ngoài trở thành thành viên của UNHCR.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Biden đưa Mỹ trở lại UNHCR, một "thể chế khiếm khuyết".

Trong một tuyên bố, ông Jim Risch nói Mỹ không nên trao tính hợp pháp cho một thể chế mà các thành viên của nó bao gồm các quốc gia "có vấn đề" về nhân quyền như Venezuela, Nga và một số nước khác…

Trong một phát biểu trên Fox News, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã chỉ trích việc Mỹ trở lại UNHCR. Bà nói: "Nếu Tổng thống Biden thực sự quan tâm đến nhân quyền, ông ấy sẽ đưa chúng ta tránh xa hố nước bẩn của UNHCR".

Trong thông báo đưa ra vào ngày 19/6/2018 về việc Mỹ rút khỏi UNHCR, bà Haley từng chỉ trích tổ chức nói trên của Liên hợp quốc là "đạo đức giả" và "thiên vị chính trị".

Trong số 18 thành viên được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ mới, ngoài Mỹ còn có Kazakhstan, Gambia, Benin, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Malaysia, Paraguay, Honduras, Luxembourg, Phần Lan, Montenegro và Lithuania.

Các nước khác như Cameroon, Eritrea, Somalia, Ấn Độ và Argentina đã tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu trên.

Bình luận