Chờ...

UNICEF cảnh báo các nước giàu

(VOH) - 39 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá không thể cung cấp một môi trường sống lành mạnh cho trẻ em.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Innocenti trực thuộc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa công bố hôm 24/5 rằng, các quốc gia giàu có đang tạo ra điều kiện sống không an toàn cho trẻ em trên khắp thế giới, đồng thời kêu gọi các nước này giảm thiểu phát sinh chất thải cũng như ô nhiễm không khí và nước. Trung tâm này đã phân tích 39 quốc gia thành viên OECD và EU, theo các tiêu chí khác nhau như thuốc trừ sâu, độ ẩm trong nhà, ô nhiễm chì và khả năng tiếp cận ánh sáng, chất thải,…

UNICEF cảnh báo các nước giàu đang đặt trẻ em trên toàn thế giới vào tình trạng nguy hiểm 1
Ảnh minh họa. Nguồn: jatocreate / Pixabay

Báo cáo cho thấy, ngoại trừ Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha là những quốc gia có thành tích tốt, còn lại không quốc gia nào được nghiên cứu cung cấp môi trường lành mạnh cho trẻ em. Ngay cả Úc, Bỉ, Canada hoặc Mỹ cũng không đảm bảo điều đó cho trẻ em sống ở đất nước của họ, trong khi các quốc gia ít giàu hơn ở khu vực Mỹ Latinh và Châu Âu, lại có tác động ít rõ rệt hơn đến tình trạng chung của toàn cầu.

Giám đốc của Innocenti, bà Gunilla Olsson cho biết "Hầu hết các nước giàu không chỉ tạo ra môi trường sống không lành mạnh cho trẻ em trên chính đất nước của mình mà còn góp phần hủy hoại môi trường sống của những đứa trẻ khác trên thế giới". Cũng theo báo cáo, trong 39 quốc gia được nghiên cứu, có tới hơn 20 triệu trẻ em có nồng độ chì trong máu cao.

Mặc dù Phần Lan, Iceland và Na Uy là các nước dẫn đầu về việc tạo ra môi trường sống lành mạnh cho những người trẻ tuổi trong nước, nhưng lại xếp ở vị trí cuối cùng về tác động môi trường của mình đối với toàn cầu về tỷ lệ phát thải, khối lượng rác thải điện tử và mức độ tiêu dùng.

Ở Iceland, Latvia, Bồ Đào Nha và Anh, số trẻ tiếp xúc với ẩm ướt và nấm mốc trong nhà chiếm tỷ lệ 1/5, trong khi ở Cộng hòa Cyprus, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ 1 trong số 4 trẻ em phải chịu tình trạng này.

Báo cáo lưu ý thêm rằng trẻ em ở Mexico đang phải hít thở không khí độc hại ở cả trong nhà và ngoài trời, trái ngược với Phần Lan và Nhật Bản.

Ngoài ra, tại Bỉ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ, cứ 12 trẻ em thì có hơn 1 trẻ tiếp xúc với ô nhiễm thuốc trừ sâu ở mức độ cao.

Bình luận