Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 13/12: Có thể tra cứu thông tin nhà ở TPHCM qua ứng dụng di động

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 13/12 có những nội dung nổi bật sau: Bất động sản vùng ven lấn lướt TPHCM; Đà Nẵng dự kiến giá đất tăng đến 33%...

Bất động sản vùng ven lấn lướt TP HCM

Trong khi lượng nhà ở TP HCM sụt giảm mạnh nhất 5 năm, các tỉnh lân cận trỗi dậy với hàng loạt dự án quy mô lớn.

Phó giám đốc CBRE, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết trong 3 quý đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP HCM gặp khá nhiều khó khăn về nguồn cung, khan hiếm sản phẩm. Ở phân khúc hạng sang, giá nhà tăng 40% sau 3 năm, trong khi giá nhà các phân khúc khác cũng leo thang. Giá bán nhà tại khu vực trung tâm tăng cao, thách thức về áp lực lãi vay, đầu tư cho thuê không còn hấp dẫn vì hiệu suất sinh lời giảm mạnh giai đoạn 2018 - 2019. Với giá nhà tại Sài Gòn hiện nay, nhiều nhà đầu tư khó chen chân nên đổ xô về vùng ven mua bất động sản.

Đồng Nai, Bình Dương hay Long An thậm chí là Bình Phước đang trở thành những thị trường quyết định nguồn cung lớn năm 2019 cho vùng TP HCM và xu hướng này còn tiếp diễn trong năm 2020. Trong đó, sản phẩm nhà phố sẽ được ưa chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng.

Ông Kiệt cũng cho rằng, thị trường vùng ven năm qua cũng chịu tác động lớn từ hệ luỵ của những dự án ma. Nhiều nhà đầu tư lo ngại về dự án ảo, pháp lý không thể triển khai được cùng nhiều yếu tố khác."Trước đây, việc lựa chọn sản phẩm dựa vào vị trí và hạ tầng. Hiện nay xu hướng có thay đổi. Vị trí, pháp lý và uy tín là yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư", ông Kiệt nói.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cũng xác nhận từ cuối năm 2019 đến quý III/2019, thị trường bất động sản Sài Gòn sụt giảm nguồn cung so với năm 2018 vì rà soát thủ tục đất đai. Đến quý IV/2019, nguồn cung dự án nhà ở tại TP HCM mới có tín hiệu cải thiện trở lại khi chính quyền thành phố chủ động công bố danh sách dự án được chấp thuận chủ trương và đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận, rất khó để đưa ra thời điểm cụ thể mà thị trường địa ốc Sài Gòn hồi phục nguồn cung. Trong bối cảnh đó, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường vùng TP HCM.

Đồng Nai duyệt quy hoạch một phần Phân khu C2 546 ha tại Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 một phần Phân khu C2 với diện tích khoảng 546 ha tại phường An Hòa theo quy hoạch chung xây dựng TP. Biên Hòa...

Theo quy hoạch được duyệt, một phần Phân khu C2 (có phía Bắc giáp phân khu A1 tại phường Long Bình Tân; Phía Nam giáp phân khu C3 tại phường Phước Tân và phân khu C4 tại xã Long Hưng; Phía Đông giáp phân khu C3 tại phường Phước Tân; Phía Tây giáp một phần phân khu C2 tại phường Long Bình Tân và phân khu C4 tại xã Long Hưng) gồm 502 ha đất xây dựng đô thị và 44,27 đất sông suối - hồ điều hòa.

Đà Nẵng: Dự kiến giá đất tăng đến 33%

Bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.Đà Nẵng trong 5 năm tới có tỷ lệ tăng bình quân so với bảng giá đất hiện hành từ 12 – 33%.

UBND TP.Đà Nẵng vừa có Tờ trình gửi HĐND TP về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020-2024.

Theo đó, bảng giá các loại đất trên địa bàn trong 5 năm tới có tỷ lệ tăng bình quân so với bảng giá đất hiện hành từ 12 – 33% (tùy theo quận và vị trí lô đất).

Cụ thể, tại quận Hải Châu, giá đất tại vị trí 1 sẽ tăng khoảng 23% so với giá hiện hành; Quận Thanh Khê cũng vị trí thứ 1 giá đất sẽ tăng 25%; Quận Sơn Trà tăng 19%... Riêng huyện Hòa Vang, giá đất tại vị trí thứ 4 sẽ tăng cao nhất 33%.

Theo bảng giá đất này, tuyến đường có giá đất cao nhất là Bạch Đằng (đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh) hơn 196 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với giá đất đoạn đường này năm 2019 chỉ gần 99 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, một số tuyến đường chính nằm trung tâm nội thành Đà Nẵng có giá đất tăng cao như đường 2-9 (đoạn từ Bảo tàng Chàm đến Nguyễn Văn Trỗi) là 148 triệu đồng/m2, đoạn còn lại từ 58-120 triệu đồng/m2; đường Hồ Nghinh (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Morrision) có giá đất 156,4 triệu đồng/m2; đường Hùng Vương trung tâm TP có giá đất từ 161-169 triệu đồng/m2; đường Lê Duẩn từ 120-171 triệu đồng/m2; đường Trần Phú giá đất từ từ 153-196 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Văn Linh giá đất từ 111-185 triệu đồng/ m2; đường Phạm Văn Đồng nối cầu sông Hàn chạy ra biển có giá đất 162,8 triệu đồng/m2 …

Theo kế hoạch, dự thảo về việc tăng giá đất này sẽ được HĐND TP.Đà Nẵng xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 12 diễn ra trong 3 ngày 10-12/12.

Thông tin lên thành phố, đất nền Phú Quốc được nhà đầu tư tìm kiếm tăng gấp 3 lần

Sau một thời gian dài chững lại do hoãn thông qua luật Đặc khu, khi có thông tin về chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, lượt truy cập từ mức 10.000 lượt tìm kiếm tháng 1/2019, tăng vọt lên mức 30.000 lượt tháng 4/2019.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết tại hội nghị Bất động sản Việt Nam 2019.

Theo ông Anh, đất nền vẫn là loại hình bất động sản được quan tâm nhất trên cả nước và đất nền vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, khó khăn mà thị trường bất động sản phải đối mặt là việc chính phủ siết chặt việc cấp phép cho các dự án mới và việc điều chỉnh hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản. Số lượng dự án hoàn thành giảm mạnh trong năm 2019.

Song thị trường bất động sản vẫn hấp lực mạnh mẽ mối quan tâm của người tiêu dùng. Bằng chứng là lượng tin đăng các loại hình bất động sản trong năm 2019 trên trang của đơn vị ông vẫn tăng 42%, mức độ quan tâm của người mua với bất động sản tăng 2,8% so với cùng kì năm ngoái.

Đất nền cũng là phân khúc tạo sóng mạnh mẽ nhất trên thị trường, từ đầu năm 2019 đến nay, sốt đất cục bộ đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, như ở Đà Nẵng thời điểm tháng 1/2019; tại Vân Đồn thời điểm tháng 2 và tháng 3; một loạt địa phương khác diễn ra sốt đất như Bình Thuận (dự kiến triển khai sân bay Phan Thiết); Phú Quốc xin chủ trương thành lập thành phố hay một số huyện ngoại thành Hà Nội có thông tin lên quận....

Theo ông Quốc Anh, lượt truy cập tại các địa phương có sốt đất trên Batdongsan.com.vn luôn tăng cao đột biến. Đơn cử, tại Phú Quốc, sau một thời gian dài chững lại do hoãn thông qua luật Đặc khu, khi có thông tin về chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, lượt truy cập từ mức 10.000 lượt tìm kiếm tháng 1/2019, tăng vọt lên mức 30.000 lượt tháng 4/2019.

Có thể tra cứu thông tin nhà ở thương mại TPHCM qua ứng dụng di động

Sở Xây dựng TP.HCM vừa ra mắt ứng dụng SXD247 cho phép người dân tra cứu thông tin chính thống dự án nhà ở thương mại từ cơ quan nhà nước, chủ đầu tư dự án và phản ánh góp ý nhanh chóng về cho Sở.

Với ứng dụng này, sau cài đặt, người dùng chỉ mất vài giây để tra cứu đầy đủ thông tin dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố bao gồm: tên chủ đầu tư, địa chỉ chủ đầu tư, quy mô đầu tư, thông tin về diện tích dự án, pháp lý dự án, tiến độ dự án và hình ảnh thực tế.

Ngoài ra, ứng dụng SXD247 còn tra cứu được hàng loạt thông tin hữu ích như: tình trạng giải quyết các hồ sơ, giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng.

Ứng dụng này có tổng cộng 13 phân hệ, trong đó hoàn thiện được 9 phân hệ chính: dự án nhà ở thương mại, tra cứu huy hoạch, phản ánh góp ý, trưng cầu đánh giá, tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính, tra cứu chứng chỉ, giấy phép xây dựng, hướng dẫn sử dụng. Các phân hệ còn lại sẽ được hoàn thiện bổ sung trong giai đoạn 2 gồm có: phản ánh hạ tầng, nhà ở xã hội, phương án tái định cư, đào tạo trực tuyến.

Bắc Ninh sắp đầu tư Khu đô thị 300 ha tại huyện Quế Võ

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu đô thị tại huyện Quế Võ với diện tích khoảng 300 ha cũng dân số khoảng  25.000 – 45.000 người.

Việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch được xác định nhằm thúc đẩy phát triển đô thị, nhà ở, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của khu đô thị, các khu nhà ở.

Đồng thời, xây dựng khu đô thị hiện đại, có điểm nhấn, có sức hút cư dân và các nhà đầu tư và có bản sắc riêng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, kết nối với các dự án đầu tư, khu dân cư lân cận đảm bảo phát triển bền vững. Khai thác hiệu quả sử dụng đất; cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Được biết trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu đô thị tại xã Bằng An và xã Việt Hùng, huyện Quế Võ với tổng diện tích lập quy hoạch rộng khoảng 49 ha, dân số khoảng 9.000 người.

Việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu đô thị tại xã Bằng An và Việt Hùng được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xác định nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị, nhà ở, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đồng thời, làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của khu đô thị, các khu nhà ở, khai thác hiệu quả sử dụng đất, cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, thể thao, thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Ai sở hữu nhà hàng tiệc cưới xây trái phép ở Sài Gòn?

Trung tâm hội nghị - Tiệc cưới – Nhà hàng Riverside Palace (số 360 – 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP. HCM) được xây dựng trên khuôn viên 6.000m2, được quản lý bởi Công ty CP thương mại và dịch vụ Lâu Đài Ven Sông (Công ty Lâu Đài Ven Sông). Nhà hàng thiết kế theo lối kiến trúc châu Âu và được biết đến là một trong những trung tâm tiệc cưới quy mô lớn tại TP. HCM.

Tuy vậy, khi nhà hàng tiệc cưới này đi vào hoạt động, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Lâu Đài Ven Sông đã xây dựng không phép công trình vách kính, mái kính và tôn, với tổng diện tích vi phạm hơn 261 m2.

Ngày 29/8/2019, UBND quận 4 đã ra Quyết định số 2139/QĐ-UBND-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Lâu Đài Ven Sông tại khu đất 360 – 360D Bến Vân Đồn, phường 1.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Lâu Đài Ven Sông là ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, ngụ quận 3, TP. HCM). Đáng nói, vị đại gia này hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings), tiền thân là Công ty CP Đầu tư địa ốc Bến Thành (Ben Thanh Land).

Từ ngày 1/1/2020, giá nhiều loại đất tại Nghệ An tăng

Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, đã thông qua Nghị quyết về bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2024.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2020-31/12/2024. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, tại Nghệ An, từ ngày 1/1/2020, giá các loại đất sẽ tăng lên nhiều so với trước. Đơn cử, đất ở tại thành phố Vinh, mức giá cao nhất là 65 triệu đồng/m2 (tăng 27,5% so với bảng giá đất giai đoạn 2015-2019).

Tại các huyện, mức giá cao nhất là 15 triệu đồng/m2 (tăng 87,5% so với bảng giá đất giai đoạn 2015-2019).

Riêng đối với đất ở, tại thành phố Vinh, khung giá Chính phủ quy định tối đa là 65 triệu đồng/m2, tối thiểu 300 ngàn đồng/m2.

Tại thị xã Cửa Lò, khung giá Chính phủ quy định tối đa 32 triệu đồng/m2, tối thiểu 160 ngàn đồng/m2.

Tại thị trấn các huyện, khung giá Chính phủ quy định tối đa 15 triệu đồng/m2, tối thiểu 40 ngàn đồng/m2.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong quá trình thực hiện xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, việc điều tra giá đất thị trường, đánh giá mức độ biến động giá đất ở các khu vực và dự báo trong giai đoạn tới đã được đơn vị tư vấn, cơ quan chuyên môn triển khai nghiêm túc.

Rủi ro từ thế chấp sổ đỏ: Cấp rồi thu hồi, nhà băng "lạnh gáy"

Tình trạng sổ đỏ giả, hay sổ thật bị hủy giá trị pháp lý cũng khiến các nhà băng chẳng may nhận làm tài sản thế chấp cho vay chịu nhiều rủi ro.

Thời gian gần đây, các ngân hàng (NH) liên tục cảnh báo những trường hợp cơ quan chức năng hủy sổ đỏ của cá nhân, doanh nghiệp. Đơn cử Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Bắc Ninh thông báo hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Công ty TNHH Jungbu Eschem Việt Nam. Theo đó, diện tích hơn 13.733 m2 tại khu công nghiệp Quế Võ 2, thời gian sử dụng đến 30/7/2057, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đến nay không còn giá trị pháp lý để thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Hay thông báo của Sở TN-MT Kon Tum mới đây mất 4 phôi sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có sêri: CQ 919133, CQ 853101, CQ 853856, CQ 919129. Đơn vị này thông tin để ngăn chặn và phòng ngừa việc làm sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả.

Thủ Đức, quận 9 đứng đầu về nạn xây dựng không phép, sai phép

Quận Thủ Đức đang đứng đầu TP.HCM về số vụ vi phạm trật tự xây dựng, riêng phường Hiệp Bình Chánh đã có 129 vụ. Đứng sau quận Thủ Đức là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ.

Thông tin này được Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết tại hội nghị sơ kết việc thực hiện chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Hòa Bình, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện chỉ thị số 23 và kế hoạch số 3333, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi thực hiện chỉ thị số 23 là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (8,5 vụ/ngày), thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%.

Tuy nhiên, hiện chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm còn tồn đọng từ trước, tỷ lệ thực hiện chưa cao. Đáng chú ý, có 5 địa phương gia tăng tình trạng xây dựng sai phép, không phép là các quận: 1, 4, 11 và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

Địa phương có số vụ vi phạm trật tự xây dựng cao nhất là quận Thủ Đức với 144 vụ, tiếp theo là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ, quận 2 có 59 vụ… Báo cáo của UBND quận Thủ Đức cho thấy, các công trình vi phạm tập trung ở phường Hiệp Bình Chánh gồm 82 công trình không phép và 47 công trình sai phép.

Ông Bình cho biết hiện nay, lực lượng tham mưu cho UBND quận huyện thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng chưa được quy định cụ thể nên còn nhiều khó khăn về nhân sự và chỉ đạo điều hành. Việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc khó thực hiện.

Đặc biệt, việc không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm...

Trước tình trạng này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện có số vụ xây dựng sai phép, trái phép tăng hoặc không giảm, sau hội nghị cần có sự thảo luận sâu hơn.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á -Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Novaland Expo gây ấn tượng mạnh với khách hàng, nhà đầu tư  - Chiều ngày 8/12, Novaland Expo đã chính thức khép lại chuỗi hoạt động 5 ngày sôi nổi, thu hút được gần 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Bình luận