Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 3/6: Tiếp tục xu hướng tăng

(VOH) - Giá thép ngày 3/6 tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá nguyên liệu sản xuất thép trên sàn Đại Liên tăng theo xu hướng giá thị trường giao ngay tăng mạnh.

Giá thép hôm nay tiếp đà tăng

Giá thép ngày 3/6, giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 18 nhân dân tệ lên mức 5.079 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 3/6/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 3/6: Tiếp tục xu hướng tăng 2

Trong tháng 5/2021, nhập khẩu quặng sắt qua đường biển của Trung Quốc ước tính ở mức cao, giúp giải quyết vấn đề mà Bắc Kinh gặp phải khi cố gắng kiểm soát giá cả trong bối cảnh nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh.

Theo số liệu sơ bộ do Refinitiv tổng hợp từ dữ liệu theo dõi tàu và cảng, khoảng 89,8 triệu tấn quặng sắt đã được dỡ xuống các cảng của Trung Quốc trong tháng 5, tăng nhẹ so với mức 87,46 triệu tấn vào tháng 4.

Tuy chưa có con số chính xác nhưng số liệu cuối cùng của tháng 5 có thể cao hơn và có khả năng không khớp hoàn toàn với dữ liệu chính thức do hải quan công bố.

Nguyên nhân là do có sự khác biệt về thời điểm hàng hóa được dỡ xuống cảng, thêm vào đó là một số mặt hàng được vận chuyển từ các nước láng giềng bằng đường bộ.

Nhìn chung, nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong tháng 5 khi quốc gia này đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng đại dịch COVID-19, Reuters đưa tin.

Theo đó, các biện pháp kích thích lên nền kinh tế quốc gia đã thúc đẩy các ngành thâm dụng thép như xây dựng, cơ sở hạ tầng và sản xuất tăng trưởng mạnh.

Song, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các nhà chức trách Bắc Kinh là giá quặng sắt vẫn neo ở mức cao lịch sử bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm giảm bớt sức nóng của thị trường.

Giá sắt thép tiếp tục tăng khắp nơi trên thế giới

Tại Mỹ, các nhà máy thép đã đẩy giá thép cuộn cán nóng xuất xưởng lên 1.600 USD/tấn ngắn (khoảng 907,18474 kg), trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ.

Giá thép cuộn cán nguội (CRC) nội địa Mỹ hàng tuần được Argus báo tăng 27 USD lên 1.822 USD/tấn ngắn, trong khi thép mạ kẽm nhúng nóng tăng 43,50 USD lên 1.831 USD/tấn ngắn; giá thép tấm nội địa tăng 4 USD lên 1.482,25 USD/tấn ngắn.

Đối với các hợp đồng kỳ hạn, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 7 tăng 53 USD/tấn lên 1.648 USD/tấn ngắn, trong khi giá kỳ hạn tháng 8 tăng 45 USD lên 1.570 USD/tấn ngắn; kỳ hạn tháng 9 tăng 75 USD lên 1.505 USD/tấn ngắn, trong khi giá tháng 10 tăng 40 USD lên 1.400 USD/tấn ngắn; tháng 11 tăng 53 USD lên 1.335 USD/tấn ngắn.

Giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Houston tăng 14,25 USD USD lên 1.486,75 USD USD/tấn ngắn do giá toàn cầu tiếp tục tăng.

Tại Nga, giá thép ổn định ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Tại Ấn Độ, các công ty thép trong nước đang có kế hoạch tăng giá thêm 3.250 Rs/tấn đối với thép HRC, 5.000 Rs đối với thép CRC/GP và 10.000 Rs đối với các sản phẩm thép phủ màu, có thể áp dụng ngay trong tháng 6 này.

Tại Hàn Quốc, Posco, Hyundai Steel và các nhà sản xuất thép lớn khác của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với các công ty sản xuất ô tô là Hyundai Motor Co. và Kia Corp. về việc nâng giá thép tấm dùng trong sản xuất ô tô thêm 50.000 won (44,93 USD)/tấn. Lần tăng giá gần đây nhất của các hãng này là vào nửa cuối năm 2017.

Giá thép, nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao

 Giá thép, vật liệu xây dựng và các vật tư khác tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, người dân không dám xây, sửa nhà.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân giảm thu nhập phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Chưa kể hiện nay giá thép xây dựng tăng tới 40%, giá nguyên liệu cho sản xuất da giày, giá vật tư như điện, nước... đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế này khiến cả người dân và doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn kép.

Một trong những mặt hàng có mức tăng sốc nhất từ đầu năm 2021 đến nay là thép. Theo số liệu mới nhất, giá thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý hồi tháng 12-2020 có giá khoảng 12.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 6-2021 đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg.

Giá thép thanh vằn D10 trước kia là 80.000 đồng/cây thì nay đã tăng lên hơn 120.000 đồng/cây; giá thép thanh vằn xây dựng D14 từ hơn 162.000 đồng/cây tăng lên hơn 230.000 đồng/cây. Giá thép tăng cao khiến nhiều công ty xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Hà, cho biết giá thép tăng hơn 40% khiến người dân, DN e ngại, hạn chế xây nhà, làm xưởng vào thời điểm này.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến và yêu cầu các sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường. Qua đó để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu trong các dự án đầu tư công bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách. Vì nếu không cập nhật giá thép thị trường, các nhà thầu sẽ phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước nhằm đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Bình luận