Thách thức của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực- bài 1: Nguy cho vựa lúa đồng bằng
(VOH) - Biến đổi khí hậu hiện nay đang là đề tài thời sự nóng bỏng của nhiều quốc gia trên Thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định vùng ĐBSCL ở nước ta sẽ là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề, và sản xuất lúa là loại hình nông nghiệp bị tác động mạnh nhất. Để tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai đến sản xuất lúa, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, mời quý vị cùng nghe loạt bài: “Thách thức của biến đổi khí hậu với an ninh lương thực” của phóng viên Trường Duy. Và trong chương trình Thời sự hôm nay phần đầu sẽ có nội dung: “Nguy cho vựa lúa đồng bằng”.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, cây lúa luôn là niềm tự hào cho người dân cả nước nói chung và nông dân ĐBSCL nói riêng. Từ 1 quốc gia còn đói nghèo sau chiến tranh, VN đã vươn lên trở thành thành nước thứ 2 Thế giới về xuất khẩu gạo, với lượng gạo xuất khẩu hàng năm gần 5 triệu tấn, đem về kim ngạch hơn 2 tỉ USD. Đồng thời, VN còn được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá là quốc gia điển hình trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, gần đây trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu như: hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn ngày 1 sâu, cũng như nước biển dâng cao thì vấn đề an ninh lương thực quốc gia lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra cảnh báo, nếu không sớm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu thì nhiệt độ trung bình tại khu vực Ðông - Nam Á vào năm 2100 sẽ tăng thêm 4,8 độ C so với năm 1990, khiến mực nước biển dâng cao thêm khoảng 1m và hậu quả là sản lượng lúa gạo của bốn nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể giảm tới 50%. Cụ thể TS Lê Anh Tuấn-Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho biết:
Thế nhưng đây chỉ mới là những kịch bản của việc ảnh hưởng nước biển dâng. Nếu gộp luôn cả xâm nhập mặn thì thiệt hại về sản lượng lúa sẽ còn cao hơn nữa. Đặc biệt là ở những vùng sản xuất lúa vụ 3. Vì ngoài tác động khách quan từ thiên nhiên, sắp tới khi các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Kông bắt tay xây dựng những công trình thủy điện và đập trữ nước, dòng chảy sông Mê Kông bị thay đổi. Khi đó, nếu mặn xâm nhập sâu vào đất liền, và nước ngọt lại chập chờn “lúc dư, lúc thiếu”, nông dân trồng lúa ĐBSCL sẽ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. TS Lê Mạnh Hùng-Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo:
Thực tế thời gian qua, tình hình thời tiết dù chưa tạo ra những ảnh hưởng lớn cho người trồng lúa nhưng những thiệt hại từ nó đem lại cho cây lúa đồng bằng cũng không phải ít. Chẳng hạn những cơn mưa trái mùa hồi tháng 1 vừa qua đã làm cho hàng chục ngàn hecta lúa Đông xuân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, và Long An bị ngập úng, phải tiến hành gieo sạ lại. Hay việc mặn trong mùa khô năm 2009 xâm nhập sâu vào đất liền cao hơn cùng kỳ năm 2008 là 60 cây số, gây ra những mất mát đáng kể cho một số trà lúa Hè thu ở các tỉnh như: Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, và Tiền Giang. Thế nhưng đó cũng mới chỉ là những điều “mắt thấy, tai nghe”, vì theo PGS-TS Mai Thành Phụng-Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia thì biến đổi khí hậu gần đây còn gây ra những tác hại tiềm ẩn khác:
Còn Ths Hồ Văn Chiến-GĐ Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam thì cho biết:
Theo Giáo sư Đỗ Kim Chung-Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, lượng lúa tiêu thụ hàng năm của Việt Nam hiện vào khoảng 30 triệu tấn, trong đó phần dành cho người ăn và dự trữ gần 22 triệu tấn, dùng chăn nuôi hơn 6 triệu tấn, còn lại để làm giống và chế biến. Ngoài ra, cũng theo dự báo, trong vài thập niên tới dân số Việt Nam tiếp tục tăng bình quân 1 đến 1,2%/năm, trong khi diện tích lúa giảm dần và năng suất lại khó tăng thêm. Do đó, trước những mối nguy của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa, thì vấn đề an ninh lương thực trong tương lai cần phải được quan tâm đặc biệt. Vậy đâu là giải pháp thích hợp cho đảm bảo an ninh lương thực trước biến đổi khí hậu? Câu trả lời sẽ được phát ở chương trình thời sự ngày mai, quý vị nhớ đón nghe.
Trường Duy