Nông dân ĐBSCL, lúa thóc đầy nhà nhưng vẫn rầu lo
(VOH) - Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL đã gần như hoàn tất việc thu hoạch hơn 1 triệu 500 ha lúa Hè Thu chính vụ. Song song đó, nhiều diện tích lúa Thu Đông sớm cũng cho thu hoạch rải rác nên lượng lúa trong dân ngày càng nhiều.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 8 vừa qua các doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa tồn đọng trong dân nên giá lúa có nhích lên từ 200 đến 500 đồng/1kg. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, tình hình thu mua lúa đã ì ạch trở lại, giá lúa lại tiếp tục giảm mạnh. Tại các địa phương như Gò Công Tây- Tiền Giang, Châu Thành-Đồng Tháp, Chợ Mới-An Giang… giá lúa đang ở mức dưới 4.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp mà nếu bán ra, xem như bà con cầm chắc phần lỗ.
Tại Chợ Mới- An Giang, hầu hết bà con đều thu hoạch xong diện tích lúa Hè Thu. Năng suất bình quân đạt hơn 5 tấn/1ha. Lúa thì nhiều, nhưng nông dân phải đỏ mắt tìm thương lái để bán. Nhiều bà con cho biết, đối với loại lúa IR 50404, bà con phải đi năn nỉ thương lái nhưng chẳng ai đến mua. Nguyên nhân các thương lái đưa ra là lúa IR 50404 khó xuất khẩu. Anh Trần Bình Thạnh ở xã An Thạnh Trung-Chợ Mới- An Giang có tất cả 9 ha đất trồng lúa vừa thu hoạch xong vụ Hè Thu, cộng với lượng lúa tồn đọng từ vụ trước, hiện nhà anh Thạnh còn hơn 30 tấn lúa. Lúa thóc thì chất đầy bồ nhưng không tiêu thụ được. Anh Thạnh cho biết:
Hầu hết nông dân ở Chợ Mới-An Giang đều rơi vào tình trạng tương tự. Lúa thóc bao la nhưng thương lái thu mua với mức giá khá bèo. Một số bà con nông dân cho biết thêm:
Hiện nay, để sản xuất lúa có lời, mức giá thấp nhất cũng phải từ 4.500 đến 5.000 đồng/1kg. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi thương lái chỉ mua khoảng 3.400 đến 3.800 đồng/1kg-điều này khiến bà con nông dân ngao ngán vì làm lúa cực khổ nhưng không có lãi. Trong khi đó, do khó khăn về vốn, hầu hết nông dân đều vay trước trả sau, nên ai cũng tranh thủ bán lúa để giải quyết nợ ngân hàng và làm hồ sơ vay tiếp tái đầu tư cho vụ lúa kế. Nhưng giá lúa thì thấp lại khó bán, làm cho bà con tiến thoái lưỡng nan.
Anh Nguyễn Văn Tư ở Châu Thành- Đồng Tháp và anh Nguyễn Văn Giàu ở huyện Chợ Gạo- Tiền Giang lo lắng:Thời vật giá leo thang nên công thu hoạch lúa cũng tăng từ 20 đến 30% so với trước, khiến tổng chi phí đầu tư vào đồng ruộng ngày càng cao. Chẳng hạn, trước đây công cắt lúa chỉ khoảng 80.000 đồng người/ngày nhưng nay đã tăng lên 160.000 đồng. Nhiều nơi, công phóng lúa cũng tăng lên đến 80.000 đến 90.000 đồng/người và công vận chuyển là 70.000 đồng/người. Đã vậy, dịch rầy nâu – bệnh vàng lùn lùn xoắn lá tấn công liên miên, chi phí phân thuốc đầu tư ngày càng nhiều nhưng khi bán lúa lại bị thương lái ép giá khiến bà con nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Nông dân Nguyễn Văn Bé ở Đức Hòa- Long An và anh Lưu Văn Chiều ở Chợ Mới - An Giang cho biết:
Trước đây, nhiều nông dân nuôi tôm, trồng tràm, trồng mía và nhiều loại cây ăn trái khác đua nhau phá vườn để chạy theo lúa, nhưng nay gặp cảnh lúa rớt giá, họ phải đành méo mặt.
Hiện nay có nhiều địa phương triển khai mua lúa với giá 5.000 đồng/1kg theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng do các Công ty lương thực, hay doanh nghiệp lớn không mua trực tiếp từ nông dân mà chỉ thông qua khâu trung gian và các nhà máy xay xát địa phương nên giá thu mua lúa luôn ở mức thấp. Qua khâu trung gian này, lợi nhuận cứ chảy vào túi thương lái còn người nông dân thì khổ vẫn hoàn khổ.
Huỳnh Sang