Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 8/11: Đề xuất điều chỉnh giá đất Hà Nội tăng 30%

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 8/11 có những nội dung: Giá đất Việt Nam tăng vọt, nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao; Bất động sản Phú Quốc "ấm" trở lại?

Giá đất Việt Nam tăng vọt, nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao

Đại diện Indochina Capital cho rằng giá bất động sản Việt Nam dù có tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng so với các nước khác vẫn còn khá thấp. Cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn rất lớn, nhất là đối với phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản công nghiệp.

Tại Hội nghị Đầu tư 2019 với nội dung “Kinh tế Việt Nam 2020 – 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TPHCM vào ngày 5-11, ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, nhận định rằng bất động sản Việt Nam, gồm lĩnh vực căn hộ cao cấp và khu công nghiệp, vẫn hấp dẫn và còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư.

Ở phân khúc căn hộ, mặc dù tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng giá bán căn hộ cao cấp ở các thành phố lớn vẫn còn thấp hơn đáng kể so với khu vực, do đó vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, giá mỗi m2 căn hộ cao cấp ở Hà Nội khoảng 3.200 đô la Mỹ và TPHCM ở mức 3.800 đô la, trong khi ở Bangkok (Thái Lan) lên đến khoảng 4.500 đô la.

Nếu so với các thị trường phát triển khác thì giá căn hộ cao cấp ở Hà Nội và TPHCM thậm chí còn thấp hơn nhiều, như Đài Bắc (Đài Loan) khoảng 9.500 đô la, Tokyo (Nhật Bản) khoảng 15.800 đô la, Singapore là 25.600 đô la, HongKong lên đến con số 45.500 đô la.

Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành Indochina Capital còn chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao, trong đó với khoảng 70% nguồn vốn này vào lĩnh vực sản xuất là cơ hội cho các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, hậu cần.

Đề xuất điều chỉnh giá đất Hà Nội tăng 30%

Tại Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố "Về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội" áp dụng 1/1/2020 - 31/12/2024, TP Hà Nội đề xuất giá đất có thể tăng đến 30%.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường.

Theo tờ trình về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, giá các loại đất được đề xuất tăng bình quân 15%.

Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2, được áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019 là 162 triệu đồng/m2).

Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.

Đối với đất ở đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế của từng địa phương.

Đồng thời, UBND cấp tỉnh được qui định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của từng loại đất trong khung giá đất.

Trong trường hợp qui định mức giá đất cao hơn 30% thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.

Hiện nay, nghị định qui định khung giá đất mới chưa ban hành nên việc đề xuất tỉ lệ tăng 30% là phù hợp.

Theo khảo sát, bảng giá đất tại khu vực phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào hơn 800 triệu đồng/m2 nhưng trong dự thảo chỉ đưa ra giá cao nhất hơn 200 triệu/m2. Bên cạnh đó, dự thảo giá đất Chính phủ đưa ra đối với khu vực đắt nhất hơn 300 triệu đồng/m2.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ tịch HĐTV Dân chủ, Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, TP Hà Nội cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các thành phố lớn trên cả nước.

Đồng thời, việc điều chỉnh giá đất của thành phố giai đoạn 2020 - 2024, nhất là khu vực nông nghiệp, có những khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy, giá đất cần phải được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.

Theo dự kiến, tờ trình bảng giá đất áp dụng trong giai đoạn 2020 - 2024 sẽ được UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố trong kì họp cuối năm vào tháng 12/2019.

TPHCM xin hợp nhất ban quản lý 3 khu đô thị

Ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị với Thủ tướng về việc hợp nhất ban quản lý 3 khu đô thị trên toàn thành phố thành một ban duy nhất là Ban Quản lý Phát triển đô thị. Ban này sẽ hoạt động theo mô hình cơ quan hành chính dưới sự quản lý của UBND TP. HCM.

Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết sau khi thành lập, Ban Quản lý Phát triển đô thị sẽ giúp tinh giản bộ máy quản lý. Cụ thể, cơ cấu tổ chức sẽ tinh giản từ 3 ban (Ban Quản lý khu đô thị Nam thành phố, Ban Quản lý khu đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc) thành một ban.

Khi đi vào hoạt động, Ban Quản lý Phát triển đô thị sẽ thay đổi phạm vi quản lý từ 3 khu đô thị riêng lẻ thành các khu đô thị trên địa bàn thành phố.

Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, UBND TP. HCM sẽ làm tờ trình và đề án theo đúng thủ tục, quy định.

Bất động sản Phú Quốc "ấm" trở lại?

Dù hầu hết các giao dịch chỉ đến từ những dự án đã đầy đủ pháp lý song ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Phú Quốc cũng không có quá nhiều nguồn cung...

Trong quý IV/2019, Phú Quốc bắt đầu rục rịch một số dự án lớn bung hàng khiến thị trường nhộn nhịp hơn. Đơn cử như Royal Streamy Villas tại đường Búng Gội, Cửa Dương quy mô khoảng 7ha với các sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý. Hay như Tập đoàn Sun Group cũng đang “manh nha” ra thị trường Phú Quốc dự án quy mô 35ha tại thị trấn An Thới, phía Nam đảo Ngọc; Mövenpick Resort Waverly cung cấp nhiều dòng sản phẩm, trong đó có loại hình condotel; Royal Riverside Dương Đông; Khu nghỉ dưỡng Bãi Vòng...đang rục rịch bung hàng ra thị trường.

Theo ghi nhận, thị trường bất động sản Phú Quốc hiện nay dù có dấu hiệu ấm trở lại trước động thái bung hàng của một số chủ đầu tư nhưng nhìn chung những dự án có pháp lý hoàn chỉnh đa số đến từ các dự án đã được khởi công 1 năm trước.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ có ngành du lịch phát triển.

Cụ thể, Phú Quốc sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp nằm trong top 6 bãi biển đẹp nhất thế giới, theo thống kê từ 2015 đến 2018, khách du lịch tới Phú Quốc đã tăng trưởng tới 338% (từ 913.000 lên hơn 4 triệu lượt/năm). Năm 2019, chỉ sau 9 tháng, huyện đảo này đã đón xấp xỉ 4 triệu lượt khách, tăng 33,2% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế trên 541 nghìn lượt, tăng 28,3% so với cùng kỳ và doanh thu đạt trên 5.700 tỷ đồng.

Đi đôi với việc chỉ đạo quy hoạch Phú Quốc thành đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt, Chính phủ đã đầu tư và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trọng điểm bao gồm các dự án giao thông đường bộ, sân bay và cảng biển.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Phú Quốc sẽ mang đến những cơ hội cho nhà đầu tư thứ cấp khi mà các chủ đầu tư mở bán trước đó đang đẩy nhanh tiến độ từng dự án để bàn giao. Lợi nhuận thứ cấp chắc chắn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Khánh Hòa xử lý loạt dự án ở Bãi Dài xây dựng không phép, trái phép

Ngày 8/11, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, xử lý, xem xét thu hồi 31 dự án xây dựng không phép, trái phép, chậm tiến độ ở KDL Bãi Dài, huyện Cam Lâm.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND huyện Cam Lâm phối hợp rà soát, giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, đất đai, quy hoạch, xây dựng..., tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Đồng thời có biện pháp xử lý, đề xuất thu hồi dự án đối với những chủ đầu tư cố tình vi phạm, không đủ năng lực thực hiện.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Rang, đến tháng 9/2019, khu vực Bãi Dài có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 29.341 tỉ đồng. Trong số này, mới chỉ có 4 dự án hoàn thành, 4 dự án hoàn thành giai đoạn 1. Còn lại 33 dự án đều bị trễ tiến độ, trong đó có 6 dự án chưa giải phóng mặt bằng, 2 dự án đang tranh chấp.

Thi công không phép, Dự án Hồ Mây Park bị “tuýt còi”

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan và Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu về việc đào đắp, san gạt đất đá trong khu vực Dự án Hồ Mây Park, TP.Vũng Tàu.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu không thực hiện việc đào đắp để san gạt mặt bằng trong khu vực thực hiện dự án, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, yêu cầu công ty liên hệ với Sở Xây dựng, UBND TP.Vũng Tàu để hoàn tất cả thủ tục về xây dựng công trình theo đúng quy định.

Đáng chú ý, văn bản này được ban hành sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc đào đắp, san gạt đất đá trong khu vực dự án Hồ Mây Park.

Tạm đình chỉ hoạt động của chung cư Khang Gia Chánh Hưng

Ngày 8/11, thông tin từ UBND quận 8, TP. HCM cho biết, ông Trần Quang Thảo - Chủ tịch UBND quận 8 vừa ký Quyết định số 6003/QĐTĐC – UBND về việc tạm đình chỉ hoạt động chung cư Khang Gia Chánh Hưng (số 59 đường Hồ Thành Biên, phường 4, quận 8) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) làm chủ đầu tư.

Theo đó, chung cư Khang Gia Chánh Hưng bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 1 tháng, từ ngày 5/11/2019 đến ngày 4/12/2019.

Quyết định nói trên của UBND quận 8 căn cứ vào biên bản kiểm tra hoạt động an toàn phòng cháy và chữa cháy lập vào ngày 18/10/2019 của tổ công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận 8 và đề nghị của công an quận tại tờ trình ngày 28/10/2019.

Đồng Nai tính làm đường 6.600 tỷ nối sân bay Long Thành với TPHCM

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương để bàn về công tác nghiên cứu, duyệt quy hoạch dự án xây dựng tuyến đường liên vùng 4.

Theo đó, dự án đường liên vùng 4 sẽ kết nối từ đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn quận 9, TP.HCM đến quốc lộ 51 qua địa bàn huyện Long Thành, Đồng Nai, thông ra ngã tư Dầu Giây - Long Thành, quốc lộ 1 và đường liên tỉnh 769.

Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.600 tỷ đồng. Giai đoạn ban đầu tuyến đường dài khoảng 45 km và có chiều rộng mặt đường 40 m. Trên địa phận Đồng Nai, tuyến đường sẽ đi qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành.

Đường liên vùng 4 khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu giao thông từ Đồng Nai đi Tp.HCM và phục vụ cho cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Trước tình hình trên, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai sẽ sớm làm việc với các đơn vị liên quan để khảo sát, định vị cụ thể hướng tuyến. Sau khi hoàn thành hồ sơ, UBND tỉnh Đồng Nai và Tp.HCM sẽ làm việc để thống nhất cách thức thực hiện, thời gian và hình thức đầu tư… trước khi trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Được biết, ngoài tuyến đường trên, trong báo cáo khả thi của dự án sân bay Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất xây mới 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt mới để kết nối các địa phương lân cận với sân bay Long Thành.

Trong đó, tuyến số 1 dài 3,8km kết nối trục chính đầu phía Tây sân bay Long Thành với quốc lộ 51. Tuyến số 2 dài 3,5km sẽ kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến số 3 dài 8,5km kết nối trục chính đầu phía Đông sân bay Long Thành với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Cùng với đó là 2 tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm của sân bay Long Thành.

Bình Thuận đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam

Theo dự kiến, Bình Thuận sẽ hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh trong tháng 11/2019.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 2.676 hồ sơ bị ảnh hưởng, phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tính đến nay, 29/29 xã của 5 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân) đã phê duyệt bản đồ địa chính; 5/5 huyện đã phê duyệt hồ sơ giá đất và hoàn thành công tác kiểm kê.

Bên cạnh đó, có 2.668 hồ sơ được xét tính pháp lí cấp xã (99,7%); 2.657 hồ sơ xét tính pháp lí cấp huyện (99,3%); 2.589 hồ sơ đã niêm yết phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư (96,7%); 1.958 hồ sơ được phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư (73,2%).

Tỉnh đã chi trả được 1.149 hộ dân (43%) và đã bàn giao mặt bằng được 612,3 ha/1.176 ha, chiếm hơn 52% tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh trong tháng 11/2019.

Bản tin bất động sản hôm nay 7/11: Bình Dương công bố 32 DA được bán nhà hình thành trong tương lai  - Bản tin bất động sản ngày 7/11 có những nội dung: Giai đoạn 2019 - 2020, bất động sản biển và khu công nghiệp lên ngôi; BĐS dẫn đầu thu hút FDI TPHCM trong 10 tháng…
Sôi động thị trường cuối năm với Novaland Expo tháng 12/2019  - Novaland Expo 2019 sẽ chính thức khai trương vào ngày 4.12 tới đây, được giới chuyên gia, khách hàng và nhà đầu tư chờ đón và đánh giá là triển lãm BĐS quy mô lớn.
Bình luận