Chờ...

Vì sao các cầu thủ thường súc miệng ngay trên sân cỏ?

(VOH) - Đằng sau thói quen súc miệng và khạc nhổ tưởng chừng ‘mất lịch sự’ của các cầu thủ trên sân cỏ là lý do sức khỏe được các chuyên gia lý giải.

World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar khiến người hâm mộ sục sôi. Nếu đã xem qua vài trận đấu, chắn hẳn bạn thường xuyên nhìn thấy hình ảnh các cầu thủ súc miệng hoặc khạc nhổ trên sân ngay khi họ đang thi đấu. Vậy tại sao các cầu thủ lại làm điều đó? Theo các nghiên cứu và chuyên gia, thói quen này xuất phát từ một số yếu tố y tế.

1. Nước bọt đặc lại khi các cầu thủ thi đấu

Tiến sĩ Udit Kapoor, chuyên gia tư vấn cấp cao, Bệnh viện Châu Á, Faridabad (Ấn Độ) cho biết, khi một người tham gia các hoạt động thể chất đòi hỏi thể lực cao như bóng đá, bóng bầu dục... sẽ làm tăng lượng protein tiết vào nước bọt, khiến nước bọt đặc lại và khó nuốt. “Đặc biệt có một loại chất nhầy gọi là MUC5B làm cho nước bọt đặc hơn và do đó khó nuốt hơn. Vì vậy, tốt nhất là nên nhổ đi”, tiến sĩ Kapoor cho hay.

Vì sao các cầu thủ thường súc miệng ngay trên sân cỏ? 1
Cầu thủ Ronaldo của đội tuyển Bồ Đào Nha - Nguồn ảnh: VietNamNet

Chia sẻ với Indianexpress, tiến sĩ Nandlal Pathak, bác sĩ chỉnh hình và vật lý trị liệu thể thao giải thích, nước bọt đặc lại “ngay sau bất kỳ bài tập thể dục hoặc hoạt động thể chất nào”.

Protein trong nước bọt có thể là amylase, lysozyme, lactoferrin, chromogranin A hoặc MUC5B, được hệ thần kinh tự chủ và hệ miễn dịch điều chỉnh. 

Bên cạnh đó, tiến sĩ Pathak cũng đề cập thêm một lý do khác cho thói quen này là mất nước, xảy ra khi cầu thủ thở bằng miệng. “Mất nước khiến nước bốc hơi. Mồ hôi cũng gây mất nước dẫn đến nước bọt đặc lại, do đó, cầu thủ phải khạc nhổ nhiều hơn”. 

Mặc dù, các vận động viên có thể nuốt nước bọt nhưng họ thường nhổ ra nếu số lượng quá nhiều.

2. Thói quen súc miệng ngay trên sân

Ngoài thói quen nhổ nước bọt, các vận động viên thể thao liên tục súc miệng. Phương pháp này được gọi là súc miệng bằng nước carbohydrate. Họ sẽ súc miệng bằng dung dịch carbohydrate và nhổ ra thay vì sử dụng nước. 

Theo các nghiên cứu, hành động này giúp tăng hiệu suất thể thao thay vì nhấm nháp nước có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa như đầy hơi. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Thể thao châu Âu năm 2017 ghi nhận, việc súc miệng bằng carbohydrate giúp tăng hiệu suất trong vận động. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 12 người đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi 20 sau khi súc miệng bằng carbohydrate. Kết quả cho thấy, họ có thể nhảy cao hơn, thực hiện nhiều bài squat, chạy nước rút nhanh và tỉnh táo hơn. 

Vì sao các cầu thủ thường súc miệng ngay trên sân cỏ? 2
Các cầu thủ thường xuyên súc miệng mỗi khi giải lao - Nguồn ảnh: VietNamNet

Một phân tích tương tự khác cũng được đăng tải trên tạp chí Quốc tế về Dinh dưỡng Thể thao và Chuyển hóa vận động. Trong đó, 12 vận động viên nam ít mệt mỏi hơn sau khi súc miệng bằng carbohydrate.

Song, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Thể thao lại khẳng định, không có sự khác biệt đáng kể về hiệu suất đối với những người tham gia các hoạt động cần sức bền. Dữ liệu của nghiên cứu này được lấy từ 15 vận động viên nữ đã chạy trong 60 phút, một lần có súc miệng bằng carbohydrate và một lần không. Theo đó, giải pháp carbohydrate dường như không có hiệu quả. Như vậy, việc súc miệng bằng carbohydrate có tác động nhiều đến các hoạt động nhanh, tức thì như chạy nước rút hơn là các hoạt động đường dài, cần sức bền.

Tiến sĩ Pathak giải thích: “Súc miệng bằng carbohydrate chủ yếu được sử dụng để nâng cao hiệu suất trong các hoạt động yêu cầu chạy nước rút. Ngoài ra, phương pháp này không có bất kỳ tác dụng nào trong việc giảm nồng độ protein trong miệng, nguyên nhân chính dẫn đến nước bọt đặc”.

Bình luận