Chờ...

Điện lực TPHCM hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số vào năm 2022

(VOH) - Tổng công ty Điện lực TPHCM và Tập đoàn FPT đã ký kết “Hợp đồng tư vấn xây dựng lộ trình Chuyển đổi số cho Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh”.

Theo hợp đồng tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, Tập đoàn FPT sẽ là đối tác chiến lược, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho Tổng công ty Điện lực TPHCM trong thời gian tới, góp phần giúp đơn vị nắm bắt xu hướng công nghệ, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số.

 lễ ký kết hợp đồng tư vấn chuyển đổi số

Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, ông Nguyễn Văn Thanh (bên trái) và Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT, ông Nguyễn Văn Khoa (bên phải) tại lễ ký kết hợp đồng tư vấn chuyển đổi số. (Ảnh – Chi Lan)

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết đồng hành trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM, Tổng công ty xác định xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định trong chiến lược phát triển của đơn vị từ nay đến 2030.

Một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Toàn thể lãnh đạo, công nhân viên chức, người lao động của tổng công ty cần hiểu rõ về chuyển đổi số… Đặc biệt, việc cập nhật các xu hướng công nghệ mới, tham vấn các đơn vị chuyên trách, các chuyên gia để đảm bảo thực hiện đúng định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và mục tiêu của Tổng công ty là hết sức cần thiết. Do đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM và Tập đoàn FPT đã thống nhất thiết lập mối quan hệ cộng tác lâu dài giữa hai đơn vị trong quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho Tổng công ty. Việc thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.

Được biết, trong những năm gần đây, ngành điện thành phố đã có những kết quả nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành hệ thống điện và kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản trị văn phòng….

Con số gần 99% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt là kết quả tích cực cho những nỗ lực của ngành điện TP trong chặng đường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp và dịch vụ ngành điện. Đến hết quý III năm 2020, Tổng công ty đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ; trang bị hệ thống SCADA/DMS hiện đại tạo nền tảng của lưới điện thông minh... Năm 2020, Tổng công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu (Data Center) hiện đại, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số.

Tổng công ty Điện lực TPHCM đã hoàn thành số hóa lưới điện trên nền bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GIS), hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (Mini-SCADA) cho 100% tuyến dây lưới điện trung thế. Đồng thời, đơn vị đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống lưới điện vận hành tự động hóa hoàn toàn cho khoảng 180 tuyến dây công cộng. Bên cạnh đó, 100% các trạm biến áp 110/220 kV đã được chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực, điều khiển từ xa. Mức độ hài lòng của khách hàng đối với ngành điện thành phố năm 2019 là 8,66/10, tăng 0,33 điểm so với năm 2018 và là một trong số ít các đơn vị đạt 8/8 điểm kỹ thuật.

Hiện Tổng công ty Điện lực TPHCM đang xây dựng kế hoạch với mục tiêu hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số vào cuối năm 2022. Theo đó, kế hoạch chuyển đổi số được xây dựng xung quanh 5 trụ cột (văn hóa và chiến lược số, gắn kết khách hàng, quy trình và cải tiến, công nghệ, phân tích và quản lý dữ liệu), 4 trung tâm (khách hàng, tài sản, người lao động, dữ liệu), và 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, đây là hợp đồng tư vấn đầu tiên về chuyển đổi số cho ngành điện lực Việt Nam nói chung và Tổng công ty Điện lực TPHCM nói riêng với kỳ vọng 2023 khi bắt đầu cạnh tranh hóa thị trường điện Việt Nam, thì ngành Điện lực thành phố đã sẵn sàng trong cuộc cạnh tranh đó và đây cũng là đơn vị tốt nhất, hiệu quả nhất trong ngành điện cả nước. Ngay sau lễ ký kết là 100 ngày tư vấn, xác định thực trạng của hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty, qua đó sẽ xác định được khoảng trống mà 2 bên cần phải làm. Sau đó FPT sẽ có kế hoạch triển khai và quan trong nhất phải lập được dự liệu tập trung của ngành điện để phục vụ tốt nhất trong quá trình sản xuất, chuyển tải, phân phối và tiêu dùng.

Bình luận