Chờ...

Háo hức chờ ngày metro số 1 về đích

(VOH) - Theo kế hoạch dự kiến, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm nay.

Nghĩa là sau khi đón Tết Tân Sửu, cột mốc này đã và đang rất gần.

Từ sự quan tâm của các cấp các ngành, chủ đầu tư Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thầu thi công cùng các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để bù lại giai đoạn thực hiện chậm trước đó. Khi ngày metro số 1 về đích càng gần, người dân càng thêm háo hức chờ ngày tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố đi vào hoạt động, góp phần giải quyết bài toán giao thông. Đồng thời, đánh dấu một bước tiến lớn đối với ngành giao thông thành phố, là bệ phóng góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.

hao-huc-cho-ngay-metro-so-1-ve-dich-voh.com.vn-anh1
Toa tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vận chuyển bằng đường biển từ Nhật Bản đã cập cảng Khánh Hội, Quận 4 vào sáng 8/10/2020. Ảnh: hcmcpv

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài khoảng gần 20 km, trong đó có 2,6km đi ngầm và khoảng 17km đi trên cao, với 14 nhà ga. Tính đến cuối năm 2020, công trình đã đạt 82% tổng khối lượng, đã và đang dần hình thành, hoàn thiện. Trong tương lai, metro số 1 định hướng kéo dài từ ga Suối Tiên đến Bình Dương và đến Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Các chuyên gia giao thông khẳng định, trên thế giới, có lẽ không có thành phố nào 10 triệu dân trở lên mà không có giao thông công cộng phát triển. Xương sống của giao thông công cộng là metro, kết hợp với mạng lưới xe buýt. Và ứng dụng công nghệ, để việc sử dụng giao thông công cộng của người dân thêm thông suốt, thuận lợi.

Theo quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 8 tuyến metro. Tuyến đầu tiên là metro số 1 khi hoạt động sẽ tạo sự kết nối và trung chuyển lượng khách rất lớn từ thành phố Thủ Đức vào khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, góp phần giảm ùn tắc. Đây được xem là dấu mốc lớn trong phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch giao thông của thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Thành phố nhiều lần khẳng định, dự án metro số 1 mang tính biểu tượng là công trình đánh dấu sự chuyển mình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay và tương lai. Chính vì thế, kỳ vọng công trình này sớm hoàn thành là niềm mong mỏi bấy lâu của chính quyền và nhân dân thành phố.

Nhân viên văn phòng Vũ Nhật Đăng, làm việc tại Quận 1 cho biết, từ nhiều năm trước, mỗi ngày đi qua xa lộ Hà Nội và nhìn đường ray metro chạy dọc tuyến này, anh càng mong dự án nhanh chóng về đích: "Tuyến metro này, tôi mong từ những năm 2016, 2017 rồi. Nếu cuối năm nay được đưa vào hoạt động như kế hoạch thì mang lợi ích rất lớn cho người dân khi lưu thông từ thành phố Thủ Đức vào trung tâm Quận 1. Thông thường đi xe máy hoặc xe buýt thì cũng phải từ 45 phút đến một giờ đồng hồ, nếu có tuyến metro sẽ rút ngắn thời gian rất nhiều, tiết kiệm thời gian khi đi làm vô trung tâm, đi lại thuận tiện".

Có lẽ không quá lời khi nhận định, metro là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Giảng viên Huỳnh Thùy Trinh, trường Đại học Hoa Sen cho rằng, không chỉ giúp việc đi lại thêm thuận tiện, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên còn tạo đà phát triển hơn nữa cho Thành phố trong tương lai: "Mức độ xe dày đặc nên việc di chuyển xe máy vừa chậm vừa mất nhiều thời gian. Nhà tôi cũng ở khu vực này, làm thì ở trung tâm nên tuyến metro này khi vận hành, thật sự tôi rất háo hức chờ đợi, chắc thời gian của mình sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Tôi hy vọng là tuyến metro này cũng sẽ mở đà phát triển cho kinh tế thành phố ngày càng tốt hơn, đưa thành phố phát triển đi lên hơn".

hao-huc-cho-ngay-metro-so-1-ve-dich-voh.com.vn-anh2
Nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên kết nối với xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách. Ảnh: SGGP

Năm qua, tiến độ của tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc xin nhập cảnh cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài, rồi nhập khẩu vật liệu, trang thiết bị bị gián đoạn, phải dời thời điểm so với dự kiến. Đối mặt nhiều khó khăn, từ chủ đầu tư đến nhà thầu, công nhân thi công thêm phần nỗ lực để bù lại tiến độ.

Công tác chuẩn bị cho việc vận hành, khai thác tuyến metro số 1 cũng đã được lên kế hoạch, triển khai thực hiện song song, từ những nhóm công việc liên quan đến đầu tư xây dựng, thông tin tuyên truyền, đến việc đào tạo lái tàu, đội ngũ phục vụ để phát huy hiệu quả tuyến metro số 1. Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với đào tạo lái tàu, công ty đã tuyển chọn, phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị chuyển cho NJPT, cơ quan đào tạo của dự án 58 kỹ thuật viên lái tàu. Tính đến cuối năm 2020, các học viên này đã hoàn thành 9/19 môn. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp tục tuyển chọn thêm 19 kỹ thuật viên điều độ và hơn 300 nhân viên nhà ga, và sẽ được đào tạo trong năm nay".

Cũng theo ông Lê Minh Triết, thành phố cũng có kế hoạch sẽ tổ chức cho người dân đến tham quan các khu vực đã hoàn thành. Trước mắt có thể là lễ 30/4 sắp tới, sẽ tổ chức người dân tham quan các tầng ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son, đường hầm kết nối giữa hai nhà ga này. Qua đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và chia sẻ thêm với thành phố trong nỗ lực thực hiện dự án.

Trước đó, sau thời gian tham quan, góp ý, chủ đầu tư đã nhận được nhiều góp ý hữu ích từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân để tổng hợp, hoàn thiện thiết kế nội thất, ngoại thất của đoàn tàu metro. Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay: "Thiết kế ban đầu là của nhà thiết kế đưa ra, và được sự đóng góp của nhân dân thành phố, các sở ban ngành, lãnh đạo thành phố, và đã được hoàn chỉnh. Đoàn tàu này mang ý nghĩa là trong các thiết kế của nhà sản xuất, đã được điều chỉnh, hoàn thiện, phù hợp với những ý kiến đóng góp của nhân dân thành phố".

Hồi đầu tháng 10/2020, những toa tàu đầu tiên cập cảng Quận 4 và được đưa về depot Long Bình để lắp trên đường ray và tiến hành chạy thử. Đây được xem là một trong các dấu mốc rất quan trọng của dự án, đánh dấu việc chính thức chuyển giai đoạn của dự án từ tập trung thi công xây lắp sang giai đoạn tiến hành thử nghiệm - vận hành. Tại buổi lễ đánh dấu cột mốc đáng nhớ này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Đây là dự án tiên phong của thành phố về đường sắt đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán về hạ tầng giao thông đô thị, đến nay dự án cơ bản hoàn tất thi công. Việc đón đoàn tàu đầu tiên sẽ đánh dấu cột mốc thành phố chuẩn bị đưa dự án vào vận hành khai thác vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, tôi hoan nghênh nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, các chuyên gia, công nhân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám sát mục tiêu, đảm bảo mục tiêu đưa dự án vào vận hành cuối năm 2021".

Hiện tại, chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn, thi công và các bên liên quan triển khai các giải pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng do Covid-19, lấy lại tiến độ dự án. Nhiều cán bộ, công nhân cũng chia sẻ, được góp một phần sức lực vào xây dựng công trình có ý nghĩa lớn với thành phố như metro số 1, với họ cũng là niềm tự hào. Trong niềm phấn khởi chào đón Xuân Tân Sửu 2021, người dân thành phố cũng háo hức chờ ngày metro số 1 về đích. Ngày đó đang đến gần, để thỏa giấc mơ chờ đợi cả thập kỷ của người dân là có thể vi vu đi lại bằng metro.

Bình luận