Chờ...

Không còn hộ nghèo không đồng nghĩa với kết thúc công tác giảm nghèo

(VOH) - TPHCM luôn dùng mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo đặc biệt khó khăn cũng như đối tượng chính sách có công.

TPHCM trên chặng đường phát triển bền vững:

Bài 2: Không còn hộ nghèo không đồng nghĩa với kết thúc công tác giảm nghèo

Xuyên suốt chặng đường phát triển của TPHCM qua nhiều giai đoạn luôn có sự đóng góp một phần quan trọng từ công tác giảm nghèo. Nói cách khác thì Thành phố mang tên Bác chính là nơi khởi xướng phong trào xóa đói giảm nghèo từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước và vẫn đang tiếp tục làm ngọn cờ đầu cả nước về công tác giảm nghèo bền vững hiện nay.

Không còn hộ nghèo không có nghĩa kết thúc công tác giảm nghèo do tốc độ trượt giá cùng quá trình phát triển kinh tế – xã hội liên tục sẽ đẩy đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo xuống thấp hơn mức sống cơ bản. Do vậy sau nhiều giai đoạn liên tục nâng cao tiêu chí thu nhập hộ nghèo,  giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM đã một lần nữa tổ chức khảo sát và lập danh sách hơn 67.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 3,3% tổng hộ dân Thành phố và trên 48.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 2,4% tổng hộ dân Thành phố với các tiêu chí giảm nghèo cao hơn.

Ảnh minh họa
 

Qua 03 năm, từ 2016 – 2018, Thành phố đã giảm xuống còn dưới 3.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ chưa đến 0,2% tổng hộ dân Thành phố và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 1% tổng hộ dân Thành phố. Qua đó, thành phố hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM giai đoạn 2016 – 2020 trước thời hạn 02 năm. Ngay sau đó UBND Thành phố điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2019 - 2020. Với mức chuẩn này, thành phố đã tổ chức khảo sát, rà soát lập danh sách được gần 27.500 hộ nghèo và hơn 32.000 hộ cận nghèo.

Chỉ qua một năm, đến cuối năm 2019, Thành phố còn dưới 9.700 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 0,4% tổng hộ dân thành phố. Một lần nữa, Thành phố tiếp tục hoàn thành trước thời hạn 01 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM giai đoạn 2019 - 2020 và đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần X đề ra.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban thường trực Ban Giảm nghèo Bền vững quận Gò Vấp – nêu cách làm cụ thể tại địa phương hỗ trợ bà con vượt khó: “Việc tặng xe nước mía, xe bánh mì cho hộ dân thì vô hình chung lại lấn chiếm lòng lề đường. Do vậy Quận vận động các hộ có điều kiện, có sân hoặc trong hẻm không ảnh hưởng đến giao thông thì quận sẽ bố trí, hỗ trợ, vận động mạnh thường quân tặng xe bánh mì, xe nước mía cho hộ dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động mạnh thường quân tặng xe máy, máy may cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu để giải quyết việc làm.”

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố cùng các đơn vị, chính quyền cơ sở chủ trương áp dụng chung mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, không phân biệt khu vực theo đặc điểm dân cư, địa lý. Trên cơ sở này, Thành phố đã ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo áp dụng cho tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cách làm như vậy đã đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và người dễ bị tổn thương, có quyền bình đẳng đối với các nguồn lực kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ – nhấn mạnh các gia đình khó khăn luôn được địa phương quan tâm hỗ trợ: "Địa phương ngoài chuyện nhà ở thì còn tạo công ăn việc làm, giới thiệu học nghề. Đặc biệt làm tạo công ăn việc làm, ví vụ như đi làm ở các khu chế xuất. Còn nếu như ở đây thì giới thiệu đi may gia công quần áo, giày da tại chỗ để các hộ có thêm việc làm."

Để kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt của hộ, Thành phố thực hiện các giải pháp cụ thể để tác động. Theo đó, trên 280.000 lượt học sinh được hỗ trợ với kinh phí gần 175 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề sơ cấp đã hỗ trợ cho hơn 300.000 lượt người, kéo giảm bình quân 15%/năm tỷ lệ hộ thiếu hụt chiều giáo dục - đào tạo. Thực hiện giải quyết việc làm, hỗ trợ mức đóng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã hỗ trợ việc làm cho hơn 46.000 lượt người, kéo giảm bình quân 10%/năm tỷ lệ hộ thiếu hụt chiều việc làm và Bảo hiểm xã hội. Chương trình hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em và hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh đã hỗ trợ cho hơn 1,7 triệu lượt, góp phần kéo giảm trên 90% tỷ lệ hộ thiếu hụt chiều y tế.

Không chỉ vậy, TPHCM trong 5 năm qua còn kéo giảm bình quân 16%/năm tỷ lệ hộ thiếu hụt chiều điều kiện sống thông qua việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước cho hơn 4.500 lượt hộ. Đồng thời hỗ trợ cho hơn 15.000 lượt hộ thực hiện hỗ trợ tài sản tiếp cận thông tin như tivi, điện thoại, máy vi tính, lắp đặt truyền hình cáp. Qua đó, kéo giảm trên 90% hộ thiếu hụt chiều tiếp cận thông tin.

Ông Trần Phi Long – Chủ tịch UBND quận 11 – chia sẻ thực tế tại địa bàn quận: "Chiều nhà ở bình quân 6m2 trên một đầu người khó khăn trên địa bàn quận. Với hiện trạng nhà ở tại quận 11 rất là nhỏ, như vậy thì các hộ dân ở nhà để đảm bảo diện tích 6m2 một đầu người cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm của quận thì dù cho không đảm bảo về diện tích 6m2 trên đầu người nhưng mà về điều kiện sống, cơ sở vật chất phải khang trang, sạch sẽ và đảm bảo cuộc sống người dân được tốt nhất."

Thành phố thực hiện mô hình tổ tự quản giảm nghèo với trên 3.000 tổ thuộc  địa bàn 322 phường - xã, góp phần theo dõi quản lý 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát mức chuẩn cận nghèo. Lực lượng này đồng thời tham gia hiệu quả vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo để chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo phù hợp, tự vươn lên thoát nghèo. Qua đó, có thể tránh được tình trạng người dân thụ động trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng nhằm đảm bảo giảm nghèo toàn diện và bền vững.

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố – nhấn mạnh: "Tác động sâu vào mặt tư tưởng, tình cảm của hộ nghèo, hộ cận nghèo để bà con thấy được trách nhiệm của mình, cùng với chính quyền các cấp, các tổ giảm nghèo phường xã nỗ lực vươn lên. Cũng như bà con trong hộ nghèo, hộ cận nghèo cần có sự đoàn kết, thống nhất, hướng dẫn cách thức làm ăn với nhau, nương tựa lẫn nhau để cùng phát triển."

Có thể thấy, TPHCM luôn dùng mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo đặc biệt khó khăn cũng như đối tượng chính sách có công. Theo đó, chủ trương của Thành phố là không để một hộ dân nào bị bỏ rơi lại phía sau. Mặt khác, với những gia đình vẫn còn đầy đủ sức lao động thì phải làm sao để người dân ý thức tự lực vươn lên. Đây chính là giá trị cốt lõi cho Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cũng như cho giai đoạn tiếp theo trên địa bàn Thành phố.

Minh Phước

TPHCM lùi ngày khánh thành phà biển từ Cần Giờ đi Vũng Tàu - Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ lùi thời gian khánh thành tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu do dịch bệnh Covid-19.
Lễ Quốc khánh 2/9, ngưng thi công nhiều công trình công cộng – Sở Giao thông vận tải TPHCM thông báo tạm ngưng thi công các công trình có tổ chức đào đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM từ ngày 
Bình luận