Chờ...

 Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp đô thị

(VOH) – TPHCM trải qua nhiều giai đoạn vẫn luôn đóng vai trò đầu tàu phát triển về nhiều mặt kinh tế – xã hội của cả nước.

Trong quá trình này, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tham gia như những giá trị tạo dựng nền tảng, duy trì sự cân bằng để “đoàn tàu kinh tế” tập trung hướng về phía trước. Đặc biệt với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 không chỉ giúp khu vực nông thôn ngoại thành TPHCM tiếp tục thay đổi tích cực mà còn gắn kết chặt chẽ với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố. Trong bài 1 của loạt bài “TPHCM trên chặng đường phát triển bền vững”, cùng đến với quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 qua bài “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp đô thị”.

Tính đến hết tháng 06/2020, TPHCM đã có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được công nhận theo Bộ tiêu chí của Thành phố. Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có thể thấy, tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM thời gian quan luôn gắn liền với phát triển nông nghiệp đô thị trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đây là sự kết nối cần thiết bởi xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần tạo ra một bộ mặt làng quê khang trang hơn mà còn phải có sản xuất nông nghiệp làm đòn bẩy kinh tế thúc đẩy. Cụ thể, về mặt sản xuất thì nông sản chủ lực hầu hết được sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ dân, hoặc bản cam kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hộ dân với Hợp tác xã, tổ hợp tác. Ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè – cho biết: “Thực chất chúng ta không phải là người nông dân đơn thuần mà là công nhân làm nông nghiệp đô thị. Vì vậy mà trong các khu công nghiệp sắp tới đây, đặc biệt là khu công nghiệp Hiệp Phước ở các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ kiến nghị cần thiết phải dành một tỉ lệ đất phù hợp để phát triển công nghiệp nông nghiệp. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đem lại giá trị kinh tế không thua kém gì các hoạt động sản xuất công nghiệp khác.”

nông thôn mới, TPHCM, ngày 31 tháng 8 năm 2020
Ảnh minh họa: thanhuytphcm

Ở góc nhìn rộng hơn, Chính quyền và sở ngành nông nghiệp Thành phố đã thực sự siết chặt cũng như không ngừng đổi mới mối quan hệ sản xuất giữa nông nghiệp, nông nghiệp, nông dân. Kết quả này xuất phát từ sự chuyển biến tích cực trong thận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về “tam nông”. Ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố – cho biết: “Cơ quan đã tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố xây dựng các Văn bản khung pháp lý, hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai, kiểm tra, sơ tổng kết trong quá trình thực hiện Chương trình nông thôn mới của thành phố. Theo dõi thực hiện và định hướng nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất tại các xã nông thôn mới như phát triển hoa – cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, v.v… Thực chất xây dựng nông thôn mới là phải đảm bảo làm sao nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân”.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Thành phố được tăng cường đầu tư thời gian qua. Các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao được xã hội hoá và thu hút đông đảo người dân. Bên cạnh đó, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo, an sinh xã hội được chăm lo đang góp phần nâng cao đời sống của nhân dân khu vực nông thôn ngoại thành. Tất cả với tiến trình cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng đang cùng nhau hình thành nên một bức tranh nông thôn mới vừa truyền thống nghĩa tình, vừa văn minh hiện đại trên địa bàn Thành phố. Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – chia sẻ: “Để thực hiện chương trình nông thôn mới thì ban chỉ đạo Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo vận động nhân dân Tham gia. Kết quả cụ thể đã vận động được 648 hộ dân tham gia hiến đất làm đường với tổng diện tích là trên 82.000 m2. Vận động nhân dân doanh nghiệp các đoàn thể thực hiện bê tông hóa hơn 30 tuyến hẻm. Đến nay, 6/6 xã đã được thành phố công nhận đạt chuẩn nâng chất xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2016 - 2020.”

Có thể thấy, xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của Thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 550 triệu đồng/ha năm 2019, tăng gần 10% chỉ sau 1 năm so với năm 2018 vào khoảng 50 triệu đồng/ha. Theo đó, xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng gắn với du lịch sinh thái ngày càng đẩy mạnh. Chương trình sản phẩm nông nghiệp chủ lực và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP (ô-cốp) đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp Thành phố. Bà Hoàng Thị Mai – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Thành phố cho biết ngành nông nghiệp sẽ có những điều chỉnh để thúc đẩy nhóm sản phẩm nông nghiệp của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP trong thời gian tới: “Nâng mức hỗ trợ lãi vay đối với các đối tượng tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Thủ tục phê duyệt phương án đầu tư sẽ đơn giản hơn nữa, rút ngắn hơn nữa. Và rút ngắn hơn nữa đối với các thủ tục mà các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất để phát triển các sản phẩm OCOP.”

Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới TPHCM vừa ban hành kế hoạch số 3217 về đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2025. Qua đó, thúc đẩy thực hiện phong trào thi đua “TP chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” cho giai đoạn 2020 – 2025 tới đây. Theo đó, Thành phố sẽ phấn đấu 100% các xã trên địa bàn vùng nông thôn thành đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân đạt 6%/năm, hướng tới đạt giá trị sản xuất bình quân đạt từ 900 triệu đồng – một tỉ đồng/ha/năm. Quan trọng hơn hết, công tác tuyên truyền cùng ngành nông nghiệp phải làm sao tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, những kết quả của xây dựng nông thôn mới đối với khu vực nông thôn ngoại thành nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung.

Minh Phước

8 tháng năm 2020: Thiên tai gây thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng: Thiên tai xảy ra trong tháng 8 chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy và động đất tại một số địa phương làm 23 người chết và 20 người bị thương

Bình luận