Chờ...

Thẩm định đề án các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo đề án chính quyền đô thị TPHCM

(VOH) - Chiều nay 5/11, tại Hà Nội, Bộ Nội Vụ đã tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019- 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Thành Phong -  Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 do Ủy ban nhân dân TPHCM xây dựng sẽ sắp xếp 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận là 2, 9 và Thủ Đức.

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp, TPHCM không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tinh giảm 02 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, còn 312 đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Nhân cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở; tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn; Là điều kiện thuận lợi để tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao đời sống nhân dân; sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đáp ứng tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM nói chung và nhân dân Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức nói riêng.

Sau khi tích hợp 3 quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ tạo thành một vùng động lực rộng 21.000ha.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết nội dung trọng tâm của đề án là sắp xếp 19 phường chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, đồng thời thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2 quận 9 và quậnThủ Đức theo tiêu chí đô thị loại một. Việc xây dựng đề án được thực hiện theo tinh thần đồng bộ với Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 16/11:

“Quá trình xây dựng đề án đã được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng tiến hành khảo sát, đánh giá nhiều chiều tổ chức nhiều cuộc họp và đã tiếp thu đầy đủ, góp ý và phản biện của các cơ quan Trung ương, các sở, ngành, quận, huyện, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP và các chuyên gia nhà khoa học cũng đã tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến cử tri tại 51 phường thuộc 8 quận liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp trong đề án và kết quả hầu hết cử tri đều đồng thuận cao với chủ trương của thành phố về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đặt tên cho đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức”.

Ông Nguyễn Thành Phong mong muốn các bộ, ngành Trung ương thông qua Đề án để trình Chính phủ và Ủy ban thường vụ quốc hội vào tháng 11.

Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ cho biết, trong Đề án cũng đã có lộ trình, phương án cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn từ nay đến năm 2024. Góp ý hoàn thiện đề án, ông Phan Văn Hùng đề nghị TPHCM rà soát toàn bộ lại số liệu, dữ liệu, bảng biểu, bản đồ kèm theo đề án để chuẩn chỉ một lần nữa và các số liệu cung cấp đều phải có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Thêm vào đó, cần chuẩn bị thật tốt để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, bộ máy mới sắp xếp đi vào ổn định và trơn tru ngay từ đầu đồng thời phải quản lý thật tốt quy hoạch, sớm triển khai để được phê duyệt quy hoạch; Phải chú trọng khi phát triển thành phố thông minh gắn với phát triển bền vững, xanh sạch, hiện đại, đẹp; Chú trọng đặc biệt đến đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thành phố mới.

Bình luận