Chờ...

Tinh giản bộ máy, hệ thống cơ quan Đảng phải nêu gương, làm trước

(VOH) - Nhiều năm qua, Đảng ta đã có chủ trương tinh giản biên chế, cải cách bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả đạt được cho đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra ở Hà Nội.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII hôm 4/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý; tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ “hàm” không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều…”

Khai mạc Hội nghị Trung ương 6 tại Hà Nội - Ảnh: LĐO

Câu chuyện tinh giản biên chế, giảm bớt đầu mối, cải cách bộ máy tinh gọn, hiệu quả được Đảng ta đặt ra từ nhiều năm qua. Thế nhưng, sự chuyển động rất chậm, chưa như kỳ vọng. Theo Ban Tổ chức Trung ương, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người.

Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả, chủ yếu áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi. Việc tinh giản vẫn hết sức cơ học theo chỉ tiêu 10%, chưa cơ cấu, tinh lọc được đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Cho nên vẫn còn tình trạng làm việc qua loa, đại khái, “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, làm cho bộ máy trì trệ, ì ạch.

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, dư thừa cán bộ cũng đang làm gánh nặng cho nguồn ngân sách hiện nay. Cả nước có gần 11 triệu người hưởng lương và tính chất lương Nhà nước. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2016 còn cho thấy vẫn có 13 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc như Bộ Tài chính dư hơn 6.000 biên chế, Bộ Nội vụ dư gần 500 biên chế, Ngân hàng Nhà nước dư hơn 600 biên chế… Còn báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt gần 8.000 biên chế.

Tương ứng với số biên chế là số tiền phải chi trả lương và các phụ cấp kèm theo. Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website cho thấy, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị xã hội lên tới hơn 1.500 tỷ đồng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn 92 tỷ đồng, Trung ương Đoàn trên 551 tỷ đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ gần 159 tỷ đồng, Hội Nông dân gần 347 tỷ đồng, Hội Cựu Chiến binh gần 81 tỷ đồng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần 274 tỷ đồng.

Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ… Tổ chức hội ở nước ta hiện nay có các nhóm: Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế-xã hội. Trong đó tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp phổ biến nhất với hàng trăm hội.

Theo quy định, các hội hoạt động theo điều lệ, tự chủ về tài chính, nhưng thực tế hoạt động xã hội hóa của các tổ chức này đều rất yếu, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế xin-cho. Hội thảo ngày 7/7/2016 của Liên hiệp Các tổ chức khoa học kỹ thuật Việt Nam bàn về dự thảo Luật về hội đã được Chính phủ trình lên Quốc hội cho biết hiện có trên 52.000 hội đoàn, rất nhiều đang sống hoàn toàn bằng xin “bầu sữa ngân sách” hoặc sống một phần bằng tiền ngân sách. Mỗi năm chi phí xã hội cho các hội đoàn có thể tới trên 68.000 tỉ đồng. Tổng ngân sách nhà nước năm 2014 chi cho các hội - đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội khoảng 14.000 tỉ đồng.

Chức năng chồng chéo, giẫm chân giữa bộ máy chính trị-hành chính hiện nay cũng đang đòi hỏi phải nhất thể hóa. Một số cơ quan đang thực hiện chức năng tương tự nhau như: Ban Tổ chức trung ương-Bộ Nội vụ, Ban đối ngoại trung ương-Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo-Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra, Ban Kinh tế-Bộ Công thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc-Ban Dân vận, Bộ Tài chính-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng-Bộ Giao thông vận tải… Một hiện trạng 3-4 bộ ngành cùng có chức năng xử lý 1 vụ việc cũng cần tách bạch, quy về một đầu mối.

Và trên sao dưới vậy. Trên có cơ quan gì thì cấp xã cũng có... Thậm chí, việc tổ chức một số hội rất máy móc và hình thức, không phù hợp thực tế, gây lãng phí và hoạt động lúng túng, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cùng một việc giống nhau mà nhiều tổ chức tham gia và báo cáo. Hệ quả là người dân khi phải đóng góp nhiều khoản, cả bắt buộc và tự nguyện để địa phương hỗ trợ kinh phí và chi phụ cấp hỗ trợ các hội.

Tổ chức, bộ máy không thể duy trì nhiều cấp trung gian, chồng chéo, trùng lặp hay bỏ trống chức năng, nhiệm vụ. Một tổ chức, cơ quan phải làm nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính là yêu cầu khoa học, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Làm được việc này đòi hỏi phải kiên quyết gạt bỏ riêng tư, vì lợi ích chung, vì sự phát triển, thì toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương có thể sắp xếp lại để tinh gọn, đạt hiệu quả thực chất.

Bộ Chính trị cũng nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm. Sắp xếp lại cán bộ chắc chắn đụng chạm đến lợi ích của không ít tổ chức, cá nhân và không loại trừ các lực cản nên rất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có bước đi, lộ trình phù hợp.

Một lần nữa, cần soi rọi lại tác phẩm Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thêm dũng khí. Kách Mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Dư luận đang chờ sự sáng suốt, mạnh mẽ, quyết tâm và hành động mang tính đột phá của Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần này để tìm ra động lực thực sự đổi mới tổ chức, bộ máy.

Đảng lãnh đạo, do đó các cơ quan Đảng phải nêu gương làm trước, nhất thể hóa một số cơ quan có cùng chức năng, loại bỏ trung gian để hệ thống chính trị tinh gọn. Thông qua sắp xếp, Đảng lựa chọn được cán bộ tốt, loại bỏ những cán bộ suy thoái, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm, vô cảm... Trong thực hiện cũng tránh máy móc giảm theo chỉ tiêu. Trên cơ cơ sở biên chế được giao phải tính toán tinh lọc lại bộ máy, tuyển thêm nhân sự cần thiết để tăng cường sức mạnh, hoạt động hiệu quả nhưng không vượt định biên.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại quy định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với công chức, viên chức. Trong thực tế, để cho một công chức, viên chức nghỉ việc phải thực hiện rất nhiều quy trình. Trong đó, yêu cầu 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ mới được cho nghỉ việc. Chính quy định như vậy nên khó xử lý, thậm chí chẳng ai bị cho nghỉ việc nên làm bộ máy trì trệ, hoạt động kém hiệu quả, không có điều kiện tăng lương. Cơ cấu tổ chức, bộ máy, con người phải đi liền phương thức lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo tốt, hoàn thiện thì sẽ nâng hiệu lực quản lý lãnh đạo của hệ thống chính trị. 

Bình luận