Khi về già họ thể hiện là "Cây cao bóng cả", là trụ cột trong gia đình, tích cực dạy dỗ con cháu xây dựng gia đình hạnh phúc, đẩy mạnh các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... do vậy người cao tuổi sống lâu, sống khỏe là một điều rất mừng cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, để người cao tuổi được “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” lại là một việc không hề đơn giản, ngoài sự quan tâm của nhà nước, của xã hội còn cần đến sự nỗ lực rất lớn của mỗi gia đình và của chính bản thân người cao tuổi.
Niềm vui của người cao tuổi là được vui vầy bên con cháu (Ảnh: HL)
Vẫn biết rằng, nuôi dạy con cái thành đạt là niềm mong mỏi suốt cuộc đời phấn đấu của các ông bố bà mẹ, nhưng về già đòi hỏi về vật chất giảm dần hoặc không phải bận tâm nữa thì thiếu tinh thần lại khiến họ chết dần, chết mòn trong sự cô đơn.
Khi được hỏi hoàn cảnh của mình, hầu như người cao tuổi nào cũng có chung một tâm sự: Nhớ con cháu lắm, ở thành phố thì ồn ào, rồi ở nhà ngột ngạt, cháu đi học suốt ngày tối về lại xem ti vi, chơi trò chơi chứ không thích chơi với ông, bà nên ông, bà cũng chán. Con cái thì mua thức ăn bỏ đầy vào tủ, dặn ông bà chịu khó ăn uống, giữ sức khỏe, chứ đâu có hiểu người cao tuổi lấy vui làm chính chứ ăn uống được bao nhiêu.
Theo Bác sỹ Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hạnh Phúc: Tuổi càng cao thì hệ miễn dịch sẽ càng suy giảm và sức khỏe thường giảm sút do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khả năng miễn dịch kém là nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh, đau ốm, thậm chí mắc đồng thời nhiều bệnh.
Một tinh thần lạc quan, một lối sống hài hòa, phù hợp sẽ giúp người cao tuổi đẩy lùi, hạn chế bệnh tật, đặc biệt là chế độ ăn uống phải đủ thịt, cá rau trong tuần.
Bác sĩ Thủy cho biết: “Người cao tuổi cần tăng cường lượng rau xanh, bí bầu luộc thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn, giúp chống táo bón, kiểm soát đường huyết, cân nặng và chống lão hóa. Bữa ăn chế biến các món rau cho mềm, để người cao tuổicó thể ăn được một chén rau, tương đương 100 gr.
Mỗi ngày ăn 2 loại trái cây tươi khác nhau để tăng cường chất xơ và vitamin C cho người cao tuổi. Đặc biệt là nên uống sữa hàng ngày để phòng chống loãng xương, có thể uống sữa không béo không đường. Giảm lượng đường và muối trong bữa ăn”.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, theo chuyên gia tâm lý Lê Minh Nga, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý, giáo dục tình yêu - hôn nhân và gia đình thì để không cảm thấy cô đơn, người cao tuổi phải tự điều chỉnh cuộc sống của mình, phải đi ra ngoài giao tiếp với những người bạn già và tham gia các hoạt động xã hội và điều quan trọng là “những người thân trong gia đình, phải hiểu tâm lý, phải chia sẻ, thông cảm với người cao tuổi, cố gắng chăm sóc quan tâm, tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp xúc với các hoạt động bên ngoài. Đó là cái tốt nhất đối với người cao tuổi hiện nay.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Trong tổng số hơn 11 triệu người cao tuổi thì số còn khó khăn chiếm tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và một số nhỏ ở đô thị. Khó khăn của phần đông người cao tuổi nhất là ở vùng nông thôn là không có sự chuẩn bị cho tuổi già và sống phụ thuộc vào con cháu. Cho nên mức hỗ trợ của nhà nước cho những người cao tuổi ở độ tuổi 80 trở lên hiện nay là 270.000 đồng/tháng, mức đó là thấp so với sinh hoạt tối thiểu của người cao tuổi quá khó khăn.
Nhiều người cao tuổi cuộc sống khó khăn, vẫn phải mưu sinh vất vả (Ảnh: HL)
Bà Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: “Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi lên cũng như nâng tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Thứ hai là người cao tuổi rất cần có môi trường để hoạt động ví dụ như là vào sinh hoạt ở các CLB văn hóa, thể thao, dưỡng sinh. Nhất là ở các TP thì nên dành quỹ đất hoặc những khu đông dân cư, nhà cao tầng thì nên dành những trung tâm để cho người cao tuổi có môi trường hoạt động trong khi con cái đi làm. Nếu các cụ phải ngồi trong nhà, thậm chí là trong căn hộ cao mười mấy tầng đó thì rất ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe”.
Với phương châm "sống vui - sống khỏe - sống có ích", bằng các phong trào “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học”, “Xây dựng xã hội học tập”… người cao tuổi đã có nhiều hoạt động hữu ích, góp phần xây dựng gia đình và địa phương.
Bà Phạm Thị Sơn, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định “Chăm sóc, phụng dưỡng ở đây gồm cả tinh thần và vật chất. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, quyết định 1533 để xây dựng CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Đây là nhiệm vụ mà bước đầu thấy cũng khó nhưng, nếu thực hiện được thì đây là điều kiện để chúng ta trực tiếp chăm sóc người cao tuổi và vận động xã hội hóa để chăm sóc người khó khăn, người nghèo, người cô đơn và tàn tật”.
Để người cao tuổi được “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” là nghĩa cử thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa "uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ người trồng cây” của thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước; thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và cộng đồng. Bên cạnh đó mỗi chúng ta cần có sự chuẩn bị ngay từ khi còn trẻ, khỏe. Đó là nguồn tài chính và sức khỏe ổn định.
Đối với các bậc làm cha mẹ, ngoài dành tình yêu và sự hy sinh để cho con những điều tốt đẹp nhất cũng cần quan tâm dạy dỗ con cháu lòng hiếu thảo, biết yêu thương, phụng dưỡng ông bà cha mẹ ở tuổi về chiều.
Lãnh đạo TP chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu tròn 90 tuổi - Đoàn lãnh đạo thành ủy chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu tròn 90 tuổi nhân ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6 tại Quận 3 và Quận 4.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM thăm và chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu - Đoàn đến thăm cụ bà Vũ Thị Thay tại Quận 12 và cụ bà Trần Thị Cất là Mẹ Liệt sĩ hiện đang sống tại huyện Hóc Môn.
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM thăm, chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu tròn 90 tuổi - Đoàn lãnh đạo Thành ủy TPHCM đi thăm, chúc thọ người cao tuổi tiêu biểu tròn 90 tuổi nhân ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6 tại Quận 10 và quận Tân Bình.