Chờ...

Tổ chức chính quyền đô thị phát huy hết những tiềm năng của TPHCM

(VOH) - Sáng nay (12/11) theo chương trình làm việc, cùng với nhiều nội dung khác, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này, các đại biểu cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là cần thiết. Vấn đề là bố trí con người để lãnh đạo, điều hành, quản lý các cấp chính quyền như thế nào cho tương xứng.

Chính quyền đô thị là vấn đề mà TPHCM đã chủ động chuẩn bị, nhiều năm tâm huyết. Các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM tại kỳ họp này là cần thiết và phù hợp, để có thể phát huy hết những tiềm năng của thành phố năng động này.

chính quyền đô thị
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TPHCM. (Ảnh: SGGP)

Đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Tôi ủng hộ đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ban hành Nghị quyết để chính quyền TPHCM triển khai thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị tại thành phố, để tháo gỡ những vướng mắc những khó khăn do mô hình tổ chức hiện hành không còn phù hợp với điều kiện phát triển của TPHCM”.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là tổ chức chính quyền ‘‘Thành phố trong thành phố’’. Nội dung này hướng tới việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM. Đồng thời sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Một điểm mới nữa là thành phố thuộc TPHCM sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này sẽ thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân).

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, có rất nhiều ưu điểm của mô hình chính quyền đô thị này: “Thứ nhất là điều hành giải quyết công việc cho người dân doanh nghiệp nhanh hơn. Thứ hai là tiết kiệm được biên chế và một vấn đề khác không mất đi quyền đại diện của người dân ở các cấp chính quyền. Vì vậy, theo quan điểm của tôi là chúng ta tiếp tục cho phép thành phố tổ chức thực hiện, nếu thực hiện tốt thì nên nhân rộng ra cả nước”.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, thành phố đã hơn 6 năm thí điểm không có Hội đồng nhân dân của 24 quận và huyện; 259 phường, xã, nên có kinh nghiệm để khắc phục những bất cập trên thực tế.

“Trước đây người dân sẽ phản ánh Hội đồng nhân dân quận, phường nay không có Hội đồng nhân dân quận, phường, thì họ phản ánh Hội đồng nhân dân thành phố. Như vậy, việc đầu tiên Hội đồng nhân dân thành phố phải tổ chức các điểm tiếp dân, đặc biệt là ở những nơi không có Hội đồng nhân dân quận, phường, rồi phải có những đường dây nóng và tiếp dân, nhưng phải xử lý thông tin đó, xử lý một cách hợp lý một cách khoa học chặt chẽ và nhanh chóng… Như thế sẽ đạt được một sự hài lòng của người dân” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, chính quyền đô thị theo hướng không có Hội đồng nhân dân ở quận và phường là rất đột phá. Vấn đề là bố trí con người để điều hành, quản lý các cấp chính quyền cho tương xứng. “Chúng ta hoàn toàn tin rằng sau khi nghị quyết thông qua thì TPHCM có công cụ pháp lý để điều hành. Vấn đề còn lại đó là bố trí con người lãnh đạo điều hành quản lý các cấp chính quyền như thế nào cho tương xứng. Đó chính là nhân tài bổ nhiệm và bầu những người xứng đáng để họ lãnh đạo quản lý bộ máy cho hiệu quả”, theo đại biểu Lê Thanh Vân.

Theo dự kiến, sau khi thảo luận toàn thể tại hội trường vào sáng nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vào đầu tuần tới.

Bình luận