‘Ăn Tết’ sao cho khỏe?

(VOH) - Ai cũng biết món ăn truyền thống ngày Tết là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, nếu nói về mặt giá trị dinh dưỡng của những món ăn này thì không phải ai cũng biết.

Để hiểu rõ hơn về những món ăn ngày Tết của 3 miền cũng như các giá trị về mặt dinh dưỡng của nó, đồng thời “ăn Tết” sao cho cân bằng sức khỏe thì hãy theo dõi những thông tin dưới đây qua chia sẻ của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM).

1. Ăn Tết sao cho khoa học và lành mạnh?

Mặc dù Tết mang lại nhiều niềm vui, giúp bạn thư giãn, sum vầy bên gia đình, gặp gỡ bạn bè,…tuy nhiên đừng vì vậy mà làm tổn hại đến sức khỏe qua những bữa tiệc giàu năng lượng, những ly bia, ly rượu, những lon nước ngọt không tốt cho sức khỏe. Hãy ăn uống và sinh hoạt thật khoa học để giữ gìn sức khỏe trong dịp đầu năm. 

Để khỏe mạnh, không tăng cân hay sụt cân sau Tết, bạn nên chú ý những điều sau đây:

an-tet-sao-cho-khoe-voh

Ăn Tết sao cho khỏe? (Nguồn: Internet) 

  • Cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn. Nếu thức ăn có nhiều đạm, mỡ thì hãy ăn thêm rau xanh, trái cây để không bị dư năng lượng.
  • Hạn chế bia rượu, nước ngọt có gas.
  • Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng, hấp thu dưỡng chất tốt, từ đó giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Ăn uống đúng bữa, không nên vui chơi quên cả giờ ăn.
  • Những ngày Tết thường sẽ không có thời gian tập luyện, vận động nhưng bù lại bạn hãy ngủ đủ giấc, uống đủ nước để giúp quá trình chuyển hóa các chất được tốt hơn.
  • Với những người có bệnh mãn tính thì nên ăn uống khoa học và kiêng khem đúng cách.
  • Thức ăn trong ngày Tết rất đa dạng, do đó khó tránh khỏi việc ăn uống cùng lúc nhiều loại thức ăn, điều này có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, hãy thủ sẵn trong nhà các thực phẩm như gừng, nghệ, lá bạc hà, chanh,…để có thể giải quyết kịp thời các vấn đề của sự rối loạn.

2. Những món ăn truyền thống ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam

Ẩm thực ngày Tết rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, ở mỗi vùng miền của nước ta sẽ có một món ăn đặc trưng riêng. Trong đó miền Bắc có món thịt đông, miền Trung có món chân giò nấu hon và miền Nam quen thuộc với món thịt tàu (hay còn gọi là thịt kho hột vịt).

2.1 Thịt đông – món ăn ngày Tết miền Bắc

Bác sĩ Bay cho biết, món thịt đông của miền Bắc là món ăn rất giàu chất đạm nhưng khi ăn thì không có cảm giác ngán ngấy. 

an-tet-sao-cho-khoe-voh

Thịt đông (Nguồn: Internet)

  1. Về nguyên liệu 

Món thịt đông thường có những nguyên liệu cơ bản sau đây:

  • Thịt chân giò, tai heo.
  • Nấm hương, mộc nhĩ.
  • Gia vị: Hành tím, tiêu, gừng, tỏi, muối, giấm.
  1. Về cách nấu

Cách nấu món thịt đông khá phức tạp, sau quá trình nấu chín thịt, người ta sẽ bỏ chúng vào tủ đông khoảng 4 – 6 tiếng để cho thịt đông lại. Sau đó mới lấy ra sử dụng.

  1. Về mặt dinh dưỡng và sức khỏe

Thịt đông là món ăn giàu đạm, nhiều thịt và mỡ. Tuy nhiên, nếu chế biến đúng cách thì có thể giảm được những tác hại của thịt và mỡ. Để làm điều này, người miền Bắc thường rửa và khử mùi thịt chân giò bằng muối và giấm. Bên cạnh đó, họ sẽ ướp thịt với hành tím, gừng và tỏi đập dập. Khi ướp thịt với các nguyên liệu này nó sẽ giúp tạo mùi thơm, đồng thời tinh dầu trong gừng và hành sẽ giúp giảm đi các tác hại của thịt và mỡ.

Người miền Bắc thường dùng món thịt đông với các loại cải chua, dưa giá, củ kiệu, các loại rau xanh,…với mục đích giảm hàm lượng calo của món ăn này. 

2.2 Chân giò nấu hon – món ăn ngày Tết miền Trung

So với món thịt đông và thịt kho tàu thì món chân giò nấu hon có tính khoa học hơn. Bởi nguyên liệu của món ăn này hầu hết đều có những lợi ích cho sức khỏe. 

an-tet-sao-cho-khoe-voh

Chân giò nấu non (Nguồn: Internet)

Một số nguyên liệu có thể kể như: Nghệ tươi, lá nghệ tươi, bột nghệ, móng giò heo, bột ngũ vị hương, nấm, đậu phộng, rượu trắng, hạt nêm, bột ngọt, đường, nước mắm, muối, tiêu và sả. Trong đó, nghệ vừa có tinh dầu, vừa có thành phần cucumin,…những chất này đều có tác dụng chữa đau dạ dày, chống co thắt, trung hòa axit dịch vụ, hoạt huyết,…Bên cạnh đó, ướp giò heo với rượu là một lợi ích cho sức khỏe, bởi vì rượu là chất dẫn, giúp hấp thu một số thành phần nhất định. Ngoài ra, gừng, sả và nghệ sẽ là nguyên liệu giúp trung hòa thịt mỡ và sụn có trong chân giò.

Món chân giò nấu hon cũng thường được ăn cùng với dưa chua và củ kiệu. 

2.3 Thịt kho tàu – món ăn ngày Tết miền Nam

Thịt kho tàu là một món ăn ngon trong ngày Tết của người miền Nam. Nguyên liệu chủ yếu của món ăn thường là thịt heo (thịt ba rọi, thịt đùi hoặc thịt xương sườn), trứng (trứng vịt hoặc trứng gà), nước dừa, gia vị nêm, hành tỏi…

an-tet-sao-cho-khoe-voh

Thịt kho tàu (Nguồn: Internet)

Thông thường, người miền Nam sẽ dùng nước dừa già kho thịt để nước thịt kho có vị ngọt tự nhiên và ngon hơn. Tuy nhiên, nước dừa khi đun nấu có thể có thêm chất đạm cho món ăn, chính vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường phải thận trọng với món ăn này.
Bên cạnh đó, thịt kho tàu thường được ăn cùng với bánh tét nên nó sẽ góp phần tạo ra nhiều năng lượng cho cơ thể cùng lúc. Điều này với những người bình thường có thể sẽ không sao, nhưng những người có bệnh mãn tính trong người thì cần phải chú ý.

Nói như vậy không có nghĩa là món ăn này không được khuyến khích trong ngày Tết. Theo bác sĩ Bay, bạn vẫn có thể ăn món thịt kho tàu trong những ngày Tết nhưng hãy ăn cùng với các loại rau xanh, dưa chua, củ kiệu,…để giúp giảm một phần năng lượng nhất định của món ăn này. 

Nhìn chung, cả 3 món ăn truyền thống ngày Tết của 3 miền đều rất giàu năng lượng. Do đó, bạn nên ăn với lượng vừa đủ, sau khi ăn bạn nên uống nước lọc, nước chanh, tránh uống nước ngọt có gas.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận