Vốn là nhu cầu cơ bản và thiết yếu của con người nhưng ‘nhà vệ sinh’ vẫn còn là một điều xa xỉ đối với hàng tỷ dân trên thế giới.
Xuyên suốt lịch sử nhân loại, vấn đề nhà vệ sinh có lẽ chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh cơ bản không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu
Hiện nay, có 3,5 tỷ người sống mà không có nhà vệ sinh sạch và an toàn, 419 triệu người vẫn ‘giải quyết nhu cầu’ lộ thiên. Theo đó, chất thải do bài tiết không được xử lý là nguồn gốc lây lan nhiều loại dịch bệnh như dịch tả, thương hàn...
Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 1.000 trẻ em chết mỗi ngày do tiêu chảy cấp tính liên quan đến vệ sinh kém và tiêu thụ nước bị ô nhiễm. Ít nhất 2 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm phân, gần một nửa số trường học trên thế giới không có thiết bị rửa tay bằng xà phòng và nước.
Đối tượng bị ảnh hưởng hơn cả trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này là phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm người “dễ bị tổn thương” khác.

Tình trạng không có nhà vệ sinh buộc phụ nữ phải ra ngoài khi có nhu cầu, nhất là vào trời tối - là nguyên nhân của nạn tấn công tình dục phụ nữ, điển hình tại Ấn Độ.
Sự kiện lịch sử dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận thế giới có thể kể đến vụ việc 2 chị em Murti, Pushpa ở miền Bắc Ấn Độ do không có nhà vệ sinh riêng nên phải ra một cánh đồng cách xa nhà để rồi bị cưỡng hiếp đến chết năm 2014.
Cảnh sát ở Ấn Độ chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa việc thiếu nhà vệ sinh với tội phạm cưỡng hiếp: "Hơn 60% các vụ cưỡng hiếp tại Ấn Độ xảy ra khi nạn nhân vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh".
Ashish Gupta, cảnh sát ở bang New Delhi thừa nhận: "Rất khó để bảo vệ cho mỗi người phụ nữ Ấn Độ khi họ ra ngoài đi vệ sinh".
Theo một số nghiên cứu quốc tế, tình trạng không có nhà vệ sinh đặc biệt nghiêm trọng tại vùng châu Phi phía nam sa mạc Sahara, tại Pakistan hay Ấn Độ.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới tại các khu vực miền Đông và miền Nam châu Phi, bà Victoria Kwakwa cho biết, các khu vực này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn về nước và vệ sinh, với 95% trong số 247 triệu người không được tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản.
Riêng tại Ấn Độ, khoảng 600 triệu cư dân không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh.
Gần đây, vấn đề nhà vệ sinh nơi công cộng tại Việt Nam cũng được chú ý. Đầu tháng 2/2023, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Ấn Độ là quốc gia có nỗ lực nổi bật để khắc phục tình trạng này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khởi động dự án Swachh Bharat (Ấn Độ sạch sẽ) từ năm 2014, với tổng trị giá 30 tỷ USD, mục tiêu xây dựng 100 triệu nhà vệ sinh trong 7 năm tiếp theo, nhằm nỗ lực cải thiện điều kiện vệ sinh trên khắp đất nước.
Năm 2020, Thủ tướng Modi tuyên bố về kết quả dự án: "Thế giới sẽ phải choáng ngợp vì 100 triệu nhà vệ sinh đã được cung cấp cho hơn 600 triệu người trong 60 tháng. Trước đó, không ai tin rằng sẽ có một ngày Ấn Độ giải quyết tình trạng đi vệ sinh lộ thiên này nhanh chóng như vậy. Thế nhưng giờ đây, chúng tôi đã làm được điều đó".
Tuy nhiên, dấu chấm hỏi về độ xác thực của số liệu thống kê và lời tuyên bố chấm dứt triệt để tình trạng đi vệ sinh lộ thiên ở Ấn Độ vẫn còn đó khi trên thực tế, vấn đề này còn thuộc về khía cạnh văn hóa, khi những tập tục dân dã đã ăn sâu vào máu của người dân nơi đây.

Trong các nỗ lực cách tân nhà vệ sinh trên quy mô toàn cầu, không thể không nói đến dự án “Thách thức tái sáng tạo nhà vệ sinh” của Quỹ vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates, khởi sự từ năm 2011.
Mục tiêu dự án là huy động các công nghệ tiên tiến nhằm chế tạo nhà vệ sinh có thể hoạt động độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào các hệ thống nước, điện hay cống ngầm, để có thể lắp đặt ở mọi nơi. Các chất phế thải được xử lý tại chỗ.
Gần đây nhất, Samsung vừa thông báo họ đã hoàn thành công việc xây dựng một nguyên mẫu nhà vệ sinh với Quỹ Bill & Melinda Gates như một phần của chương trình “Thách thức tái sáng tạo nhà vệ sinh”.
Nguyên mẫu được thiết kế để sử dụng trong gia đình, sử dụng xử lý nhiệt và xử lý sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong chất thải của con người.
Không rõ Samsung có tự sản xuất nhà vệ sinh hay không, nhưng nhìn chung, công ty và Quỹ Bill & Melisa Gates sẽ cấp phép miễn phí các bằng sáng chế liên quan đến thiết kế cho các nước đang phát triển.

Ngày Toilet Thế giới 2023
Sáng kiến tổ chức Ngày Toilet Thế giới (19/11) do một hiệp hội tại Singapore đề xuất năm 2001, đã được Liên Hiệp Quốc công nhận vào năm 2013.
Nước sạch và hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh nằm trong mục tiêu thứ 6 trong số 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015.
Mục tiêu của Liên Hợp Quốc là toàn nhân loại đều được hưởng quyền sử dụng nhà vệ sinh sạch hàng ngày vào năm 2030.
Đếm ngược chỉ còn 7 năm nữa để đạt được dấu mốc nhưng tình hình thế giới đang đi chệch hướng nghiêm trọng, vậy nên chủ đề của Ngày Toilet Thế giới 2023 được công bố là “Thúc đẩy sự thay đổi” (Accelerating Change), khuyến khích đẩy nhanh tiến độ gấp 5 lần để đảm bảo vấn đề về nhà vệ sinh được giải quyết kịp thời.
Chiến dịch truyền thông Ngày Toilet Thế giới 2023 sử dụng câu chuyện cổ tích về loài chim Ruồi đã mang từng giọt nước nhỏ để giúp lửa đám cháy trong khu rừng. Câu chuyện truyền tải thông điệp những hành động bạn làm, dù nhỏ đến đâu, cũng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lớn.