Header-01
Đăng nhập

5 thành phố dưới mực nước biển

00:00
00:00
00:00
VOH - Với độ cao dưới mực nước biển 28m, thành phố Baku, Azerbaijan là thủ đô thấp nhất thế giới.

Theo báo cáo chi tiết về sự tàn phá của biến đổi khí hậu, Tổ chức Khí hậu Thế giới (WMO) cảnh báo mực nước biển trên toàn cầu thập niên 2013 - 2022 đang dâng nhanh trung bình 4,62mm/năm, chủ yếu do sông băng tan chảy và nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.

Điều này kéo theo mối đe dọa sự tồn tại của một số thành phố ven biển và vùng trũng thấp.

Thực tế, một số thành phố trên thế giới sau đây đã tồn tại với độ cao thấp hơn so với mực nước biển và dự báo sẽ còn lún sâu hơn nữa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố liên quan khác.

Thành phố Salton, Mỹ

Salton City ở Nam California là một thị trấn vẫn chưa hoàn thiện và bị bỏ hoang ở Bờ Tây. Tọa lạc giữa Công viên Tiểu bang Sa mạc Anza Borrego và Công viên Quốc gia Joshua Tree, Salton City nằm nép mình ngay cạnh biển hồ Salton.       

Biển hồ Salton vốn được hình thành bởi một sự cố. Năm 1905, trong thời gian mưa lớn và băng tan kéo dài, mực nước sông Colorado dâng cao đỉnh điểm dẫn đến phá vỡ con kênh do Công ty Phát triển California lắp đặt nhằm tưới tiêu cho vùng nông nghiệp ở thung lũng Imperial. Nước sông tràn vào vùng trũng và nhấn chìm thành phố Salton.

Ở vị trí thấp hơn mực nước biển tới 71m, Salton là một trong những thành phố thấp nhất trên thế giới. Mặc dù nằm trong sa mạc, với lượng mưa hàng năm ít ỏi và nhiệt độ cao, Salton có môi trường sinh học rất đa dạng.

Nhiều câu lạc bộ du thuyền triệu đô, khu nghỉ mát, khách sạn và nhà hàng mọc lên như nấm dọc ven hồ, đưa khu vực này thành một khu nghỉ mát thịnh vượng, đón 1,5 triệu du khách mỗi năm. 

saltonXem toàn màn hình
Từng là một thành phố nghỉ mát nhộn nhịp, Salton giờ gần như bỏ hoang - Ảnh: eagleviewlotsandland

Tuy nhiên, hệ sinh thái ở Salton nhanh chóng đối mặt với hàng loạt thách thức bao gồm lượng mưa thấp, nguồn nước không có sự lưu thông, nước hồ bay hơi, độ mặn tăng cao, nguồn nước nông nghiệp độc hại rò rỉ với thuốc trừ sâu và phân bón.

Tới những năm 2000, dân số khu vực hồ Salton đã giảm đáng kể. Các ngôi nhà bị bỏ hoang, và nước hồ hiện tại mặn hơn 25% so với Thái Bình Dương, làm cho quần thể cá chết dần. Những bãi cát trắng từng được du khách yêu thích đã bị bỏ lại, vắng vẻ với những tàn tích còn sót lại của một thời hoàng kim đã mất.

Nhằm ngăn ngừa thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng và động vật hoang dã, bang California gần đây đã đầu tư 383 triệu USD để bảo tồn và phát triển lại Salton.

Kế hoạch đề xuất được công bố hồi tháng 03/2017, yêu cầu lấy hơn 986.000 m3 nước từ sông Colorado đổ xuống hồ Salton vào cuối năm 2017. Theo kế hoạch, những nỗ lực để khôi phục một trong những môi trường động vật hoang dã quan trọng nhất ở California sẽ tiếp tục được thực hiện đến đầu thập niên 2020.

Baku, Azerbaijan

Baku là thủ đô và thành phố lớn nhất của Azerbaijan, cũng là thành phố lớn nhất trên biển Caspi và vùng Kavkaz.

Ở độ cao dưới mực nước biển 28m, Baku hiện là thủ đô quốc gia thấp nhất thế giới. Mặc dù nằm ở biên giới châu Á nhưng thành phố này lại mang phong cách kiến trúc châu Âu. 

Baku, Azerbaijan
Baku, Azerbaijan là thành phố thủ đô thấp nhất thế giới - Ảnh: roadaffair

Cơ quan Vũ trụ Iran (8/2023) cảnh báo tình trạng mực nước biển Caspi liên tục xuống thấp trong vài thập kỷ qua, đặt ra những thách thức “nghiêm trọng” về môi trường đối với các quốc gia xung quanh, trong đó có Azerbaijan.

Mực nước biển đã giảm 26cm chỉ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3/2023 và giảm gần 2m kể từ năm 1996. Lượng nước đổ vào từ sông Volga giảm mạnh, bên cạnh các yếu tố tự nhiên khác, đã khiến mực nước biển Caspi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm. 

Tại Hội nghị quốc tế về biến động cấp độ của biển Caspi, ông Fakhraddin Gadirov, Tổng giám đốc Viện Dầu khí của Azerbaijan National Academy of Sciences nhấn mạnh sự cần thiết việc ứng dụng trắc địa không gian và nghiên cứu GPS trong lĩnh vực này.

Ông cho biết: “Azerbaijan đã và đang hợp tác với Nga để thực hiện. Thông qua sự hợp tác này, chúng ta sẽ có thể thu được thành tựu trong việc bảo về an toàn tài nguyên và ngăn chặn sự suy giảm mực nước của của biển Caspi”.

Amsterdam, Hà Lan

Nằm ở phía Tây Bắc châu Âu, Hà Lan được biết đến là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới.

Với 1/3 diện tích đất thấp hơn mực nước biển, thủ đô Amsterdam của Hà Lan, thiên đường du lịch nổi tiếng ở độ sâu trung bình 3,7m so với mực nước biển - được dự báo sẽ bị nước biển bao phủ nếu mực nước dâng thêm khoảng 2m nữa.

Amsterdam, Hà Lan
Amsterdam, Hà Lan phát triển hệ thống ngăn lũ và giao thương đường thủy hiệu quả - Ảnh: traveloka

Hà Lan có lịch sử lâu đời trong việc quản lý nguồn nước và ứng phó lũ lụt nhờ hệ thống công trình đê điều và mạng lưới rào chắn hiện đại và đồ sộ.

Hiện nay, Hà Lan đã phát triển những đập nước di động để tăng hiệu quả ngăn lũ nhưng vẫn đảm bảo giao thương đường thủy.

Tuy nhiên, với tốc độ trung bình mực nước biển tăng 3 mm/năm, nếu hệ thống đập, máy bơm gặp rủi ro, 60% diện tích của quốc gia này sẽ ngập lụt, theo ước tính của chương trình nghiên cứu Delta của chính phủ Hà Lan.

Toàn bộ hệ thống chống lũ ở Hà Lan hiện được thiết kế để vận hành hiệu quả cho đến năm 2050 tuy nhiên với tốc độ mực nước tăng nhanh hơn dự kiến, ông Maarten Ouboter – Nhà thủy văn tại Công ty cấp nước khu vực Waternet nhận định khả năng chống chịu lũ lụt của hệ thống hiện hành đang dần yếu và khó thể đáp ứng kịp thời.

Ông cho rằng Amsterdam sẽ phải có những kế hoạch khắc phục hạn chế và việc xây dựng lại toàn bộ hệ thống cống sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.

New Orleans, Mỹ

Năm 1895, chỉ có 5% diện tích New Orleans bị chìm trong nước biển, đến năm 1935 thì tăng lên 30%, hiện nay hơn 50% thành phố này nằm dưới mực nước biển.

Phần lớn còn lại của New Orleans và các thị trấn lân cận dọc bờ biển Louisiana được dự báo có nguy cơ chìm dưới nước vào năm 2050 với tình trạng sụt lún đất đi kèm tốc độ tăng mực nước của bờ vịnh Gulf Coast (trung bình khoảng 35-45cm trong vòng 30 năm).

New Orleans, Mỹ
Hơn 50% thành phố New Orleans nằm dưới mực nước biển - Ảnh: britannica

Nguyên nhân dẫn đến tình hình thách thức này của New Orleans không dừng ở vị trí địa lý đồng bằng dễ ngập, hứng chịu nhiều trận bão lũ thảm khốc mà còn ở chính sách quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề bùng nổ dân số và hoạt động khai thác dầu khí.

Một bài báo vào tháng 9/2022 từ NOLA.com cho biết, chi phí thiệt hại do bão của bang Louisiana lên tới 31 tỷ USD/năm. Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt vì không có nguồn lực để kiên cố nhà cửa. 

Cơ quan bảo vệ và phục hồi bờ biển Louisiana được giao nhiệm vụ điều phối các hoạt động giảm thiểu rủi ro, trong đó có kế hoạch thực hiện tổng hợp 124 dự án, kéo dài trong 50 năm, trị giá 50 tỷ USD và dự kiến triển khai trong năm 2023.

Những kế hoạch này không nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng mực nước biển dâng, mà là phương pháp để thích ứng và “sống chung” với thay đổi môi trường không thể tránh khỏi.

Copenhagen, Đan Mạch

Với chiều cao một vài nơi thấp hơn 0.9m so với mức nước biển, thủ đô Copenhagen, Đan Mạch được liệt kê trong danh sách những siêu thành phố dự đoán phải đối mặt với hậu quả của tăng mực nước biển bởi ông António Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong cuộc họp gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Copenhagen
Copenhagen, Đan Mạch bắt đầu lên phương án đối phó với tình hình mực nước biển tăng cao - Ảnh: brookings

Tại Đan Mạch, sau trận mưa bão lịch sử năm 2011 gây thiệt hại 1 tỷ USD, chính quyền thủ đô Copenhagen đã thiết kế lại Công viên Enghave Parken nằm dưới chân một ngọn đồi nhằm chứa nước lũ sau các trận mưa lớn.

Ngoài ra, công viên cũng có các lưu vực ngầm thu nước mưa từ khu lân cận. Nếu xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 100 năm tới, công viên rộng 3,5ha này có thể chứa đầy nước trước khi nước lũ rút sau đó xả nước vào hệ thống cống rãnh. Công viên có thể xử lý khoảng 22.700m3 nước.

Ngoài ra, Đan Mạch đang có những cuộc đàm phán đi theo biện pháp triển khai hệ thống đê phòng chống lũ lụt MOSE, tương tự công trình đê chắn ở Venice, Ý.

Trong khi đó, một số nhà khoa học khác đang kêu gọi một kế hoạch quốc gia để bảo vệ 1.100 km đê dọc theo bờ biển Đan Mạch.

Bình luận