Những tác dụng của cá ngựa trong chuyện ‘phòng the’ và sức khỏe

(VOH) – Từ trước đến nay, cá ngựa vẫn được biết đến như vị thuốc cứu tinh cho nam giới có vấn đề về sinh lý. Nhưng trên thực tế tác dụng của cá ngựa không chỉ dừng lại ở chuyện ‘phòng the’.

Cá ngựa còn có tên gọi khác là hải mã, thủy mã, mã đầu ngư, hải long..., tên khoa học là Hippocampus spp, thường sống ở các vùng biển nhiệt đới và có quan hệ họ hàng với cá chìa vôi. Cá ngựa có nhiều loại như: cá ngựa gai, cá ngựa lớn, cá ngựa thân trắng... các loại này đều có thể dùng làm thuốc.

Bộ phận dùng làm thuốc là cả con cá ngựa. Khi cá ngựa được bắt về sẽ mổ bụng, bỏ ruột, uốn cong đuôi cho tròn lại, đem phơi hoặc sấy khô (có khi đem ngâm rượu hồi hay quế trước khi phơi khô). Khi dùng làm thuốc người ta thường buộc 2 con to nhỏ lại với nhau (đực, cái).

1. Tác dụng của cá ngựa là gì?

Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, cá ngựa có chứa enzym sinh tổng hợp prostaglandin, là chất đóng vai trò điều hòa thần kinh, hormone và hệ miễn dịch.

Chất prostaglandin và tiền chất của nó đều có khả năng kích thích sự tiết hormone oxytocin và sự cường dương bằng cách tác động đến vùng điều khiển tình dục của tuyến yên trong não người.

Bên cạnh đó, hàm lượng cao của docosahexaenoic acid (DHA) - vật liệu cơ bản để sản sinh tinh trùng có liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản tinh trùng, các hoạt chất dạng estrogen, androgen giúp bổ sức khỏe, cơ thể dẻo dai nên một trong những công dụng của cá ngựa là giúp cả hai phái có được niềm vui ‘yêu’ trọn vẹn.

tim-hieu-nhung-tac-dung-cua-ca-ngua-doi-voi-chuyen-phong-the-voh

Cá ngựa được xem là 'cứu tinh' của nam giới trong chuyện phòng the (Nguồn: Internet)

Các nhà khoa học cũng nhận định rằng, trong cá ngựa có chứa chất peptid nên có tác dụng kháng khuẩn, tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào ngoại lai. Hàm lượng protein cao ngăn ngừa nguy cơ oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa da, chảy xệ sớm hơn so với tuổi.

Trong y học cổ truyền, các ngựa có vị ngọt mặn, tính ấm, không độc, đi vào can thận. Tác dụng của cá ngựa là giúp ôn thận tráng dương, điều khí hoạt huyết, kích thích sinh lý. Thường được dùng nhiều trong các trường hợp liệt dương, di tinh di niệu, thần kinh suy nhược, nam giới yếu sinh lý, sản phụ đẻ khó...

2. Một số món ăn bài thuốc, rượu thuốc từ cá ngựa

Có thể nói, cách dùng phổ biến nhất chính là dùng một cặp cá ngựa ngâm rượu thuốc để uống hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp với các vị thuốc bắc hoặc chế biến thành món ăn.

2.1 Rượu ngâm cá ngựa

  • Chữa liệt dương, di tinh, yếu sinh lý: Cá ngựa 1 cặp, đại hồi 6g, dâm dương hoắc 6g, khởi tử 12g, câu kỷ tử 10g. Ngâm các nguyên liệu trên vào nửa lít rượu trắng, ngâm trong 1 tháng là dùng được.
  • Phụ nữ chậm có con do suy dương khí: Cá ngựa 30g, bàn long sâm 30g, cốt toái bổ 20g, long nhãn 20g, rượu 500ml. Đem tất cả các dược liệu ngâm trong 7 ngày. Uống ngày 2 – 3 lần.

tim-hieu-nhung-tac-dung-cua-ca-ngua-doi-voi-chuyen-phong-the-1-voh

Cách dùng phổ biến nhất từ cá ngựa chính là ngâm rượu thuốc (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Không nên cho tỷ lệ rượu cá ngựa quá nhiều để tránh rượu bị kết tủa, tùy theo khẩu vị có thể pha thêm ít đường cho dễ uống. Có thể dùng rượu cá ngựa vào các buổi tối, trước khi đi ngủ, mỗi lần 30 – 50ml, phụ nữ có thể uống mỗi lần 10 – 20ml.

2.2 Món ăn bài thuốc từ cá ngựa

  • Trị liệt dương, di tinh, tảo tiết, bạch đới khí hư (huyết trắng): Cá ngựa 2 con, gà giò 1 con, nấm hương 30g, giăm bông 30g. Cá ngựa chế biến, gà giò làm sạch, nấm hương ngâm nước. Sau đó, gà giò luộc, rút bỏ xương, đặt cá ngựa, nấm hương, hành, gừng thái lát lên trên và xung quanh, thêm muối, rượu, gia vị. Hầm nhừ trong 30 phút thêm tiêu, ớt, giăm bông, gia vị và ăn khi nóng.
  • Trị liệt dương, viêm sưng hạch, u bướu vùng bụng, sưng tấy do chấn thương: Cá ngựa 1 cặp, gạo tẻ 50g. Cá ngựa rửa sạch, chặt nhỏ, nấu chín, cho gạo tẻ vào nấu thành cháo, thêm gia vị thích hợp.

2.3 Bột cá ngựa

  • Trị hen suyễn, thận hư, suy nhược thần kinh: Cá ngựa 1 cặp làm sạch, bỏ ruột sao vàng hoặc nướng chín vàng, tán thành bột mịn, uống với nước nóng. Mỗi lần uống 4 – 6g, ngày uống 1 – 2 lần. (Trường hợp vô sinh thì cả 2 vợ chồng cùng uống).
  • Chữa viêm thận mạn tính: Cá ngựa 1 con, bầu dục lợn 1 quả. Cá ngựa rửa sạch, chặt nhỏ, rang chín vàng, tán thành bột; bầu dục lợn bổ đôi, rửa sạch, cho bột cá ngựa vào hấp cách thủy. Ăn một lần trong ngày, dùng liên tiếp trong khoảng 15 – 20 ngày.

Ngoài ra, tác dụng của cá ngựa còn giúp chữa ho khò khè bằng cách: Dùng 5g cá ngựa, đương quy 10g, sắc với 200ml nước, lấy 50 – 70ml nước sắc, uống 1 lần trong ngày.

3. Ai không nên sử dụng cá ngựa?

Những tác dụng của cá ngựa đối với sức khỏe con người đã được khẳng định trong thực tiễn và cũng được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong những nhóm đối tượng sau đây thì không nên sử dụng cá ngựa:

  • Những người âm hư hỏa vượng (hay nóng sốt về chiều, mờ mắt, mắt đỏ, khô cổ, ù tai, hay lở miệng, viêm họng, viêm xoang mãn tính, …) không nên dùng cá ngựa vì cá ngựa có tính ấm, nóng.
  • Những người đang có những dấu hiệu của cảm cúm, sốt không nên sử dụng cá ngựa bởi có thể khiến tình trạng bệnh tệ hơn.
  • Phụ nữ có thai không nên dùng cá ngựa vì có nguy cơ cao gây ra các dị tật cho thai nhi.

Và nên nhớ, mặc dù là vị thuốc quý, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng mọi người không nên lạm dụng cá ngựa. Sử dụng các bài thuốc từ cá ngựa phải phù hợp liều lượng, tốt nhất là nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng để có kết quả tốt nhất.

Bình luận