Chờ...

Ngày hội Cotton Day 2020 diễn ra vào ngày 22/9

(VOH) - Chiều 14/9, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông Mỹ tổ chức họp báo công bố về Ngày hội Cotton Day 2020.

Ngày hội sẽ diễn ra vào ngày 22/9/2020 dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo.

Ngày hội Cotton Day 2020: Dẫn đầu qua thời kỳ biến động - Đối tác của doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ mới
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông Mỹ chia sẻ thông tin về Ngày hội Cotton Day 2020.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, bông Mỹ là một trong những sự lựa chọn có đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc. 

Hằng năm, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu hơn 800.000 tấn bông Mỹ, chiếm 60% tổng sản lượng bông nhập khẩu. Và con số đó chiếm đến 25% tổng lượng xuất khẩu bông của Mỹ. Vì vậy, Ngày hội Cotton Day 2020 do Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Bông Mỹ tổ chức chính là dịp để các nhãn hàng, thương hiệu thời trang, các doanh nghiệp trong ngành dệt may giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Còn theo ông Võ Mạnh Hùng, trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cho biết, 100% sợi bông Mỹ được kiểm soát gắt gao về tiêu chuẩn chất lượng và trong mùa dịch nhu cầu nhập khẩu không ngừng gia tăng. Ngày hội được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017. Năm nay do dịch Covid-19 nên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tạo ra sự giao lưu, kết nối giữa nhà xuất khẩu và người mua bông tại Việt Nam.

Ngày hội sẽ có các chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia để chia sẻ về ngành bán lẻ, chiến lược thị trường. Bên cạnh đó là cung cấp những thông tin tổng quan về ngành bông trong thời kỳ dịch Covid-19, các giải pháp để phát triển ngành dệt may trong trạng thái bình thường mới và công bố chương trình phát triển bền vững cho ngành bông. 

Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng qua, toàn ngành đã xuất khẩu 19 tỷ đô la Mỹ, giảm so với cùng kỳ 13,5%. Trong khi đó, mục tiêu toàn ngành đặt ra trong năm 2020 là 40 tỷ đô la Mỹ, mục tiêu này rất khó có thể đạt được vì chịu rất nhiều áp lực về diễn biến thị trường do tác động của dịch Covid-19. Nhiều sản phẩm mang tính truyền thống của Việt Nam như Vest, sơ mi nam và sản phẩm thời trang nữ cao cấp bị sụt giảm thị phần, điều này tạo ra những thách thức không nhỏ cho mục tiêu  đặt ra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có sự linh hoạt và thích ứng tốt như chủ động thay đổi phương thức bán hàng, đàm phán và bán hàng theo hình thức online. Nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường theo hướng đa dạng sản phẩm, trong đó có khẩu trang vải, quần áo mặc trong nhà... Điều này cũng định hình về chuỗi cung ứng là đầu tư vào phần thiếu hụt của thị trường.

Bình luận