Muốn 'mẹ khỏe, con khỏe' liệu bà bầu ăn bắp cải được không?

(VOH) – Bắp cải giòn ngọt, thanh mát, dù đem luộc, hấp hay chế biến thành các món xào, món canh cũng đều hấp dẫn. Tuy vậy, loại rau này liệu có phù hợp với thai kì và bà bầu ăn bắp cải được không?

Thế giới đa dạng của rau xanh đôi khi có thể khiến mẹ bầu “xoay vòng” bởi không biết nên lựa chọn loại rau nào để bồi bổ trong thai kì. Và nếu mẹ muốn bổ sung bắp cải vào thực đơn dưỡng thai nhưng còn nhiều băn khoăn chưa được “tháo gỡ” thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!

1. Bà bầu ăn bắp cải được không?

Bắp cải được biết đến là loại rau xanh cực kì nổi bật trong họ Cải, khá lành tính và cung cấp nguồn chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào, gồm các chất chống oxy hóa mạnh như anthocyanin, lutein, khoáng chất cùng nhiều vitamin thiết yếu. Chính vì thế, theo chia sẻ từ các chuyên gia dinh dưỡng, các mẹ hãy yên tâm rằng bà bầu 3 tháng đầu hay trong suốt thai kì vẫn ăn bắp cải được.

muon-me-khoe-con-khoe-lieu-ba-bau-an-bap-cai-duoc-khong-voh-0
Bà bầu hoàn toàn có thể chọn mua và sử dụng bắp cải trong thai kì (Nguồn: Internet)

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn bắp cải

Khi lên thực đơn cho bữa ăn hàng ngày, mẹ bầu có thể chế biến các món ăn từ bắp cải để hấp thu thêm dưỡng chất quý từ loại rau này và chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp dưới đây:

2.1 Thanh nhiệt cơ thể

Trong y học cổ truyền, bắp cải thuộc nhóm thực phẩm có tính hàn mát, rất thích hợp với các đối tượng thân nhiệt cao như bà bầu. Theo đó, mẹ nên tăng cường ăn các món luộc hoặc canh bắp cải để cải thiện tình trạng bốc hỏa cũng như thanh nhiệt, giải độc cơ thể hiệu quả.

2.2 Giảm táo bón thai kì

Theo phân tích dinh dưỡng, bắp cải cung cấp cho cơ thể hàm lượng chất xơ khá lớn, tương đương với hơn 40% nhu cầu hàng ngày. (1) Nhóm chất này sẽ đảm nhiệm vai trò kích thích nhu động ruột, tăng co bóp để bài tiết phân và hạn chế tỉ lệ mắc chứng táo bón thai kì.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.3 Tăng cường sức đề kháng

Giống như cải kale, cải brussel hay cải thìa, bắp cải cũng chứa lượng lớn chất glucosinolate. Hoạt chất này sẽ kết hợp với anthocyanin và lutein để bảo vệ màng tế bào trong cơ thể, thiết lập “hàng rào” ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, góp phần tăng cường sức đề kháng.

2.4 Kích thích hấp thu sắt

Không chỉ là một loại rau xanh giàu chất xơ, bắp cải còn đem đến lượng lớn vitamin C tương ứng với khoảng 54% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. (2)

Do vậy, mẹ bầu có thể kết hợp ăn bắp cải cùng các thực phẩm giàu chất sắt để tăng chuyển hóa khoáng chất sắt thành hợp chất mà ruột non dễ hấp thu, từ đó sản sinh đủ lượng tế bào hồng cầu và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh thiếu máu thai kì.  

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

2.5 Phòng chống tiểu đường thai kì

Tăng cường ăn các loại rau xanh nói chung và bắp cải nói riêng là phương pháp an toàn giúp mẹ bầu chủ động duy trì đường huyết ổn định. Bởi nhờ tiếp nạp lượng lớn chất xơ từ bắp cải, quá trình chuyển hóa đường glucose trong cơ thể mẹ sẽ diễn ra đúng “tiến độ”, không tăng cao đột ngột và phòng chống bệnh tiểu đường thai kì hiệu quả.

muon-me-khoe-con-khoe-lieu-ba-bau-an-bap-cai-duoc-khong-voh-1
Bà bầu ăn bắp cải sẽ giúp phòng chống tiểu đường thai kì (Nguồn: Internet)

2.6 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Trong bắp cải có chứa khá đa dạng các vitamin nhóm B, điển hình phải kể đến vitamin B1, vitamin B6 hay vitamin B9 (axit folic). Theo đó, đây đều là những dưỡng chất cực kì cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi, hỗ trợ hoàn thiện các cơ quan và tế bào hệ thần kinh, dự phòng rủi ro mắc dị bẩm sinh khi con chào đời.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2.7 Điều hòa huyết áp

Các chuyên gia thường khuyến khích mẹ bầu bổ sung bắp cải vào khẩu phần ăn để tiếp nạp thêm lượng khoáng chất kali, khoáng chất magie, nhằm đào thải lượng muối natri dư thừa và cân bằng chất điện giải. Từ đây sẽ điều hòa huyết áp ổn định, phòng chống tăng huyết áp khi mang thai.

2.8 Giảm nguy cơ xuất huyết

Bên cạnh vitamin C hay vitamin B, bắp cải còn được đánh giá là loại rau xanh rất giàu vitamin K, gồm cả vitamin K1vitamin K2. Nhóm vitamin K sẽ trực tiếp tác động lên protein prothrombin để đẩy nhanh quá trình đông máu, giảm nguy cơ xuất huyết ở mẹ bầu sau sinh cùng tình trạng xuất huyết não của em bé khi mới chào đời.

Xem thêm: Bổ sung vitamin K bằng cách nào để an toàn cho sức khỏe?

2.9 Cải thiện phù nề

Để cải thiện phù nề ở vùng bàn chân, bắp chân hay bàn tay, ăn thêm các món ăn từ bắp cải hoặc hơ nóng lá bắp cải rồi đắp trực tiếp lên cũng là gợi ý mẹ bầu có thể tham khảo áp dụng.

3. Gợi ý món ngon từ bắp cải dành cho bà bầu

muon-me-khoe-con-khoe-lieu-ba-bau-an-bap-cai-duoc-khong-voh-2
Mẹ có thể chế biến rất nhiều món ngon từ bắp cải (Nguồn: Internet)

Có thể nói rằng bắp cải là một trong những nguyên liệu ẩm thực khá “dễ tính” bởi có hàng loạt món ăn hấp dẫn dành cho mẹ bầu được “biến tấu” từ loại rau tươi mát và giòn ngọt này. Trong đó phải kể đến:

  • Bắp cải cuộn thịt sốt cà chua
  • Bắp cải xào cà chua
  • Nộm gà bắp cải
  • Salad bắp cải tím
  • Bắp cải xào trứng
  • Canh bắp nấu sườn
  • Canh bắp cải tím nấu chua
  • Bánh bắp cải

Xem thêm: 13 công thức ‘bất bại’ dành cho ai băn khoăn bắp cải làm gì ngon

4. Một số lưu ý khác cần biết khi bà bầu ăn bắp cải

Trước khi sử dụng và chế biến các món ăn từ bắp cải, bà bầu hãy nhớ thực hiện một số lưu ý quan trọng sau:

  • Chọn mua bắp cải có nguồn gốc rõ ràng, canh trồng an toàn và không phun khử nhiều thuốc trừ sâu.
  • Chú ý ngâm rửa sạch với nước muối loãng trước khi đem chế biến.
  • Bà bầu không nên ăn bắp cải sống, khi làm các món salad hay nộm bắp cải, tốt nhất hãy chần hoặc trụng rau với nước đun sôi.
  • Tránh ăn quá nhiều bắp cải liên tục trong thời gian dài, mỗi tuần ăn từ 1 – 2 bữa là hợp lý.
  • Trường hợp mẹ đang bị lạnh bụng, tiêu chảy thì tạm thời cần hạn chế ăn bắp cải.

Vậy là giờ đây mẹ có thể an toàn lựa chọn thêm bắp cải bồi bổ cho thai kì rồi đúng không nhỉ. Hãy sử dụng đúng liều lượng và chế biến bắp cải thành những món ăn hấp dẫn để đổi vị thực đơn mẹ nhé! 

Bình luận