Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể gặp ở những trẻ sinh non lẫn những trẻ đủ tháng. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể diễn tiến ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Thế nhưng vì sao trẻ sơ sinh lại hay mắc bệnh vàng da? Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng cũng như cách điều trị phòng ngừa tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ như thế nào thì không phải cha mẹ nào cũng biết.

Bệnh vàng ở trẻ sơ sinh là gì ?

Hiện nay có khoảng từ 60 – 80% trẻ sinh đủ tháng (tức trên 37 tuần tuổi) bị bệnh vàng da và hầu hết trẻ sinh thiếu tháng điều gặp phải tình trạng này. Bệnh thường xảy ra trong những ngày đầu sau sinh.

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da trẻ tích tụ quá nhiều chất bilirubin - sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu bình thường.

Chất Bilirubin là gì ?

Bilirubin là một chất được tạo ra khi các tế bào máu, tế bào hồng cầu trong cơ thể bị vỡ ra. Bình thường khi chất bilirubin được phóng thích sẽ được đào thải ra ngoài thông qua gan, mật, đường ruột và một phần nhỏ được thải qua đường nước tiểu và phân của trẻ.

Tuy nhiên, khi các tế bào máu, tế bào hồng cầu bị vỡ quá nhiều tạo ra nhiều bilirubin nhưng lại không được đào thải hết ra bên ngoài , nó vẫn còn tồn tại trong cơ thể, tích tụ dưới da, niêm mạc và sẽ gây ra hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh.

benh-vang-da-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-VOH

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh được chia thành 5 mức độ cơ bản (Nguồn: Internet)

Bệnh vàng da ở trẻ được chia thành 5 mức độ cơ bản:

  • Mức độ 1: Tình trạng vàng da chỉ xuất hiện ở vùng mặt và cổ. Hàm lượng bilirubin đo được trong máu ở mức từ 5 – 7 mg%.
  • Mức độ 2: Tình trạng vàng da sẽ xuất hiện thêm ở vùng cổ kéo dài xuống rốn. Hàm lượng bilirubin đo được là 8 – 10 mg%.
  • Mức độ 3: Tình trạng vàng da sẽ kéo dài thêm từ vùng rốn đến vùng đùi của trẻ. Hàm lượng bilirubin đo được từ 11 – 13 mg%.
  • Mức độ 4: Tình trạng vàng da sẽ xuất hiện thêm ở vùng tay, chân, dưới gối. Hàm lượng bilirubin lúc này là từ 13 – 15 mg%.
  • Mức độ 5: Vàng da sẽ xuất hiện xuống đến lòng bàn tay, bàn chân của trẻ. Hàm lượng bilirubin lúc này sẽ nhiều hơn 15 mg%.

Một số nguyên nhân gây ra bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây nên bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh hiện được chia ra làm 3 nhóm chính:

Nhóm nguyên nhân thứ 1:

  • Mẹ và bé bị ‘bất đồng’ về nhóm máu.
  • Thời gian mẹ chuyển dạ kéo dài, bé sinh ra có những bướu huyết thanh trên đầu.
  • Trẻ sơ sinh bị thiếu men G6PD khiến cho hồng cầu dễ vỡ.

Nhóm nguyên nhân thứ 2

Thường gặp ở những trẻ sinh non khi gan của trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để chuyển hóa và đào thải chất bilirubin.

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết 2

Hầu hết những trẻ sinh non tháng đều gặp phải tình trạng vàng da sơ sinh (Nguồn: Internet)

Nhóm nguyên nhân thứ 3

Quá trình đào thải chất bilirubin qua phân, nước tiểu bị cản trở làm ứ đọng các chất này ở tại da và niêm mạc trẻ.

 Triệu chứng nào giúp nhận biết bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh ?

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh thường chia thành 2 loại là: Bệnh vàng da do sinh lý và bệnh vàng da do bệnh lý. Mỗi loại bệnh sẽ có những triệu chứng nhận biết khác nhau.

  1. Bệnh vàng da do sinh lý

Vàng da sinh lý là những trường hợp bệnh nhẹ. Một số biểu hiện của bệnh vàng da sinh lý là:

  • Thời điểm xuất hiện bệnh từ 3 – 7 ngày sau sinh.
  • Mức độ vàng da chỉ kéo dài từ mặt tới rốn, đùi. Không xuất hiện sâu dưới lòng bàn tay, bàn chân trẻ.
  • Cơ thể trẻ không xuất hiện những biểu hiện bất thường như: ngủ li bì, nóng sốt, nôn ói, ngưng thở…
  1. Bệnh vàng da do bệnh lý

Đối với trẻ bị vàng da do bệnh lý thì các mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây:

  • Thời điểm xuất hiện bệnh cực kỳ sớm, có thể ngay ngày đầu sau sinh.
  • Mức độ vàng da thường rất nặng ( hàm lượng bilirubin > 15 mg%) và bệnh tiến triển cũng rất nhanh.
  • Bé sẽ kèm theo các triệu chứng như sốt cao, li bì, bú kém, bé thở không đều,…

Nhận diện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh bằng quy tắc Kramer: Đây là một quy tắc có thể giúp cha mẹ nhận biết được màu da của trẻ bằng mắt thường. 

Bước 1: Đưa trẻ đến nơi có ánh sáng đầy đủ

Bước 2: Dùng tay ấn nhẹ lên vùng da của trẻ và để yên trong khoảng vài giây. Sau đó thả tay ra.

Bước 3: Quan sát vùng da bé nơi vừa chúng ta vừa ấn vào.

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể gây ra những ảnh hưởng gì ?

Tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của, trong đó phải kể đến 2 biến chứng cực kỳ nguy hiểm là:

  • Vàng da nhân: Các tế bào bilirubin ngấm vào tế bào nhân thần kinh khiến trẻ bị li bì, giảm cử động, sốt co giật… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não, dẫn đến bại não hay những tổn thương não vĩnh viễn.
  • Ảnh hưởng đến thính lực của trẻ, làm giảm khả năng năng hoặc thậm chí nguy cơ cao trẻ có thể bị điếc.

Điều trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh như thế nào ?

Hiện nay để điều trị tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ, các bác sĩ thường áp dụng 2 phương pháp là chiếu đèn và thay máu.

  • Phương pháp chiếu đèn có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp trẻ bị vàng da khi hàm lượng chất bilirubin dưới 20 mg%. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể áp dụng được cho những trẻ được chẩn đoán có nguy cơ mắc bệnh vàng da.

benh-vang-da-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1-VOH

Phương pháp chiếu đèn được áp dụng với những trẻ bị vàng da có mức bilirubin từ 15 - 20 mg% (Nguồn: Internet)

  • Phương pháp thay máu được chỉ định với những trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da với hàm lượng bilirubin tăng quá cao trên 20 mg%.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thực hiện việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh để giúp làm giảm lượng bilirubin trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, việc tắm nắng cần phải được thực hiện liên tục và khoa học.

Cách phòng ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Thực tế, việc phòng ngừa tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh thường rất khó bởi nguyên nhân gây bệnh là rất nhiều. Song, chúng ta có thể ngăn chặn sự phát triển tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ bằng cách:

  • Cho trẻ bú mẹ sớm, nhất là trong những ngày đầu sau sinh, trung bình khoảng 12 lần bú trong 1 ngày.
  • Đảm bảo cho trẻ bú đủ lượng sữa trong ngày. Khi trẻ bú đủ sữa sẽ giúp kích thích hệ đường ruột của trẻ hoạt động tốt, thải phân nhiều lần. Phân của bé sẽ chuyển từ màu xanh đen sang vàng.
  • Cho trẻ nằm trong phòng có đủ ánh sáng để giúp mẹ dễ dàng quan sát da trẻ.
  • Với những trẻ sinh non, có bướu huyết thanh sau sinh… thì mẹ cần đặc biệt chú ý nhiều hơn.

Trên đây là những thông tin về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, hi vọng với những thông tin mà bác sĩ vừa cung cấp sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm được những kiến thức trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt trong những năm tháng đầu đời.

Tài liệu tham khảo

Kiến thức trong bài viết được tham khảo từ sách Chào con! Ba mẹ đã sẵng sàng - BS Trần Thị Huyên Thảo và những trao đổi từ Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc trong chương trình Con khỏe mẹ vui, phát sóng trên VOH Radio - Đài Tiếng Nói Nhân DânTPHCM.

Bạn có thể nghe toàn bộ chia sẻ của bác sĩ Cam Ngọc Phượng về vấn đề vàng sơ sinh ở trẻ tại audio bên dưới:

Đo thính lực trẻ sơ sinh – Cách tầm soát khiếm thính tốt nhất cho trẻTrẻ nhỏ thường phản ứng rất tốt với những tiếng động, tuy nhiên có những bé vừa sinh ra đã không nghe được, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời của trẻ.

Đừng chủ quan về bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh : Nhiều mẹ khi thấy con mình nổi chi chít những nốt mụn, thậm chí có mủ đều dùng mọi cách để ‘đánh đuổi’ chúng đi. Nhưng các mẹ đừng vội vàng bởi chữa sai cách sẽ gây ảnh hưởng đến làn da bé sau này. 
Bình luận