Header-01
Đăng nhập

Chương II - Bài 2: Những mô hình người dân giúp nhau trong dịch: Bão bùng thân bọc lấy thân

00:00
00:00
00:00
VOH - Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu thực hiện cách ly xã hội từ 1/4/2020 đến ngày 15/4/2020.

Một bộ phận không nhỏ người lao động nghèo ngày ngày đắp đổi mưu sinh nay lại thêm cơ cực. Trong lúc những phận nghèo như ruộng đồng nứt nẻ giữa cơn hạn mặn miền Tây thì cơn mưa tình người trên khắp mảnh đất hình chữ S đã ùa về tưới mát cho bao giọt nước mắt bớt cay nồng.

Dép tổ ong, quần jean, áo thun và một chiếc áo khoác chống nắng, Thùy Ngân nổ máy xe và chạy đi với lỉnh kỉnh đồ đạc như gạo, mì tôm, khẩu trang và nước rửa tay khô giữa cái nắng chiều gay gắt của TPHCM.

Hình ảnh đơn giản, bình dị ấy khác hẳn với dáng vẻ sang trọng trong bộ cánh của nữ tiếp viên hàng không mà tôi được biết trước đó. Cũng bởi đang mùa dịch, Thùy Ngân có nhiều thời gian hơn cho công việc thiện nguyện, mà lúc bình thường chỉ có thể làm vào ngày nghỉ.

Vốn là con một trong gia đình, hết giờ làm lại lao vào công tác tập hợp, phân chia và đi trao quà từ thiện cho những mảnh đời khốn khó như vầy, cô bé cũng gặp không ít khó khăn bởi sự lo lắng từ phụ huynh.

Thùy Ngân chia sẻ, “thời gian đầu em chỉ đi quanh khu vực Gò Vấp vì em sống ở Gò Vấp, nhưng sau đó phát hết khu vực này em sợ trùng nên đi ra các quận khác nữa. Ban đầu mẹ em cũng cản dữ lắm, la hoài à, nhưng sau đó mẹ cũng hiểu, nên từ chỗ cản chuyển sang ủng hộ và phụ giúp, động viên em...Mỗi lần trao em đều đeo khẩu trang, găng tay, nón chống dịch và dung dịch sát khuẩn tay...”.

Bon bon trên các cung đường khu vực quận Gò Vấp, Phú Nhuận rồi bất chợt, Thùy Ngân dừng lại, cô bé ra hiệu đã tìm được đối tượng để phát quà.

Đó là một cụ bà tóc đã bạc, làn da đen bóng dưới cái nắng Sài Gòn, trên chiếc xe đạp còn chở theo một chú chó, phía sau yên xe là lỉnh kỉnh vài món ve chai. Bà cùng bất ngờ không khác gì tôi khi Thùy Ngân tiến lại bắt chuyện. Sự bất ngờ pha lẫn niềm vui không giấu được khi được trao quà bởi cô gái trẻ.

Bà Nguyên tâm sự: “Bình thường bà bán bún xào, nhưng mấy nay bà không đi buôn bán được, bà sống có một mình thôi, nên ăn gì cũng qua ngày, ai cho gì ăn nấy...Chân bà bị tai biến, yếu lắm, bình thường chỉ đẩy xe bán ở khu vực gần sân bay, đủ sống qua ngày...”.

Tạm biệt bà Nguyên với lời chúc sức khỏe, chúng tôi lại tiếp tục rong ruổi trên những ngã đường ở quận Phú Nhuận và có cơ duyên gặp gỡ với những con người đang cần giúp đỡ. Lớn tuổi, neo đơn, thu nhập thấp là đặc điểm chung của các cô chú này và chắc chắn một điều không khó nhận ra rằng, họ thuộc nhóm dễ tổn thương trong tình hình dịch bệnh và kinh tế khó khăn như hiện nay.

Chương II - Bài 2: Những mô hình người dân giúp nhau trong dịch: Bão bùng thân bọc lấy thânXem toàn màn hình
Đoàn viên hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm

Khó khăn là vậy, nhưng các cô chú này đều hiểu rõ, việc mà Chính phủ và toàn dân đang cùng làm là vô cùng quan trọng và cần thiết để dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, trả lại cuộc sống an bình cho người dân.

Các cô chú nhặt ve chai bày tỏ: “Nhà nước làm vậy là giữ cho dân mình, nước mình còn may mắn hơn thế giới nhiều mà. Chỉ mong sao mau hết dịch để đi bán lại, chứ không thể cứ chờ sự giúp đỡ của người khác được....Chị đi mua để bán cho vựa, mấy nay vất vả hơn vì không có hàng. Chị cũng được địa phương hỗ trợ mấy kí gạo, thùng mì, nước mắn, nước tương...nhưng có gì đâu, mình chung tay với nhà nước chống dịch mà. Chỉ mong sớm qua dịch để ổn định lại cuộc sống, con cái đi học lại...”.

Vì hoạt động riêng lẻ nên mỗi lần đi phát quà như thế này, Thùy Ngân chỉ có thể chở khoảng 5,6 phần quà, chừng 30 kg gạo rồi lại về nhà mang đợt khác. Khi được hỏi vì sao không tập trung lại một địa điểm và thông báo để người ta đến nhận, Thùy Ngân chia sẻ kinh nghiệm: “Em thường tự đi vì mình không có đủ khả năng để phát nhiều, nếu người ta tập hợp lại một chỗ sẽ rất đông. Chưa kể có nhiều đối tượng lợi dụng nữa, nên cứ đi, mỗi chỗ chỉ phát cho một người sẽ chính xác hơn...”

Thùy Ngân chỉ là một trong số rất nhiều những cá nhân, nhóm, tổ chức thiện nguyện ở Thành phố mang tên Bác đang hoạt động tích cực để hỗ trợ cho bà con lao động nghèo từ những phần cơm, phần quà tuy không quá nhiều vật chất nhưng sâu nặng nghĩa tình, như đúng phong cách của con người nơi Thành phố này.

Từ hôm bắt đầu có khuyến cáo hạn chế đi lại của Chính phủ đến nay, số nhà 28, đường số 2, khu phố 8, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã trở thành điểm phát cơm miễn phí cho người lao động, người neo đơn và tất cả những ai khó khăn cần giúp đỡ trong lúc này.

Tuân thủ đúng nguyên tắc phòng bệnh mùa dịch, các mạnh thường quân vẫn tất bật luôn hồi từ sáng sớm để kịp giờ phát cơm cho bà con trong khu vực. Chị Minh Phương - cầu nối của các mạnh thường quân và bà con nghèo cho biết mỗi ngày nhóm của chị phát cho bà con 200 phần cơm hoặc mì vào buổi trưa.

Chị nói: “Mỗi ngày chúng tôi phát 200 phần cơm/mì miễn phí cho bà con nghèo. Trước đó chúng tôi đi đến từng khu phố, từng tổ để nhờ tổ trưởng thông tin đến bà con nào cần sự hỗ trợ sẽ đến nhận cơm...Để đảm bảo an toàn mùa dịch thì mọi người phải trật tự và giữ khoảng cách với nhau...”

Cách đó không xa, tại địa chỉ 63, đường số 3, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, nhóm của chị Phương cũng tổ chức phát quà gồm mì, khẩu trang, nước rửa tay..và đôi khi cả tiền mặt cho các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Gần cà ngàn phần quà đã và sẽ được trao đi đến những mảnh đời khốn khó. Tốn công, tốn của nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui vì được san sẻ cùng đồng bào mình những lúc khó khăn như thế này.

Các mạnh thường quân cũng có nỗi niềm trăn trở: “Tốn hao mình không nói, quan trọng nhất là ai nấy đều mong muốn, các phần quà thực sự đến được với những cô bác khó khăn, cần nó. Có một số đối tượng lợi dụng, trục lợi rất tham lam, khiến cho những người thật sự cần lại không nhận được. Chúng tôi đã quyết định chuyển phương thức, thay vì tập trung phát tại một điểm, chúng tôi sẽ đến từng khu phố, từng tổ hoặc những nơi ngẫu nhiên để trao quà...”.

Chương II - Bài 2: Những mô hình người dân giúp nhau trong dịch: Bão bùng thân bọc lấy thân
Chốt chặn thời điểm giãn cách xã hội 

Vốn dĩ là những người bạn cùng khởi nghiệp cách đây hơn 5 năm rồi cùng có chung niềm vui thiện nguyện nên nhóm Flying Heart hoạt động thường xuyên chứ không chỉ riêng mùa dịch này.

Chính vì vậy, nhóm được khá nhiều mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất để san sẻ đến những người khó khăn. Dẫu biết rằng vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nhóm không đặt nặng, không lăn tăn nhiều mà chỉ dốc lòng làm hết tâm hết sức.

Anh Trần Ngọc Trường Vinh, đại diện nhóm thiện nguyện Flying Heart với khoảng 15 thành viên nòng cốt cho biết Vinh bày tỏ: “Nhóm em huy động được cả ngàn phần quà chia đều cho 5 quận, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức. Có kỉ niệm khá vui khi nửa đêm cũng có người đập cửa quyên góp gạo. 

Nhóm quan niệm “thà phát lầm còn hơn bỏ sót”, do đó, mình có khả năng thì mình cứ phát thôi, miễn sao mình thấy vui trong lòng là được...Khi nhờ Mặt trận của địa phương hỗ trợ thì tin tưởng tuyệt đối vì bên đó có danh sách cụ thể và có cả tình nguyện viên đi theo mỗi khi trao, chụp hình lại...”.

Đến khi đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, có thời gian hàng tháng liền, TPHCM phải áp dụng hình thức giãn cách xã hội để quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Những con đường tấp nập vắng tiếng còi xe, phố xá đìu hiu, con người cũng gầy hao ít nhiều vì nỗi lo về sức khỏe và những gánh nặng mưu sinh trong mùa dịch.

Trong bức tranh hiu hắt đó, may mắn vẫn còn có thứ màu sắc lấp lánh mang tên “nhân ái, nghĩa tình”. “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền hỗ trợ Nhân dân, mạnh thường quân chung tay cùng sẻ chia với những mảnh đời khốn khó, cùng dìu dắt nhau đi qua tâm bão dịch bệnh.

6 giờ sáng tại chốt kiểm soát ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, anh Trần Trung Kiên cùng vợ là chị Duyên tự lái xe ô tô riêng chở những phần cháo gà nóng hổi đến chăm lo bữa sáng cho lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây.

Để chuẩn bị hơn 200 phần điểm tâm sáng, anh chị dậy từ 4 giờ sáng, đến tận cửa hàng cháo, xắn tay vào phụ bếp để kịp giờ đến chốt. Mồ hôi còn rịn trên trán, anh vui vẻ trao tận tay từng suất ăn cho các thành viên tổ công tác.

Hôm thì bánh mì, hôm thì bánh cuốn, vợ chồng anh Kiên âm thầm góp sức cho tuyến đầu chống dịch theo cách giản dị và ân cần như thế. Hỏi ra mới biết, trước đây, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Hải Dương, gia đình anh chị Kiên cũng xung phong đến tận nơi hỗ trợ bà con đang cần giúp đỡ.

Chương II - Bài 2: Những mô hình người dân giúp nhau trong dịch: Bão bùng thân bọc lấy thân
Anh Trần Trung Kiên (áo sọc) - mạnh thường quân trao phần ăn sáng cho các chốt 

Anh Kiên và chị Duyên tâm huyết bày tỏ: “Nhìn thấy cảnh các em ngủ ngoài trời, đứng dưới nắng như vậy vì việc chung, mình cảm thấy xót lắm, không có gì nhiều, mình muốn mang đến bữa sáng tử tế một chút cho lực lượng chốt chặn này. Những thời điểm như này mà không giúp đỡ được mọi người mình cảm thấy khó chịu trong lòng. Khi nhìn thấy ánh mắt nụ cười của mọi người cảm thấy hạnh phúc lắm. Trong chuyện làm từ thiện phải minh bạch, có tâm thì mọi người sẽ ủng hộ, tin tưởng, cùng mình hành động…”.

Sau khi phát hết số cháo đã chuẩn bị, vợ chồng anh Kiên lại lên đường đến chợ Bình Điền để tiếp nhận 1 tấn thanh long giải cứu cho nông dân Long An.

Số thanh long này được chở đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Gò Vấp để phân phát về các phường, giúp cho bữa ăn những ngày giãn cách của bà con có thêm vitamin tăng cường sức khỏe.

Nếu anh Kiên lo bữa sáng thì bữa xế của các chốt trạm lại được một nhóm các bạn trẻ khác đảm nhận. Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, từng chai nước mát giải nhiệt được trao đến tận tay từng người đang canh giữ khu vực phong tỏa. Nước chưa chạm môi mà đã cảm thấy mát lòng đến lạ.

Bạn Nguyễn Thế Nam đến từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 kể: “Các bạn bên mình cùng nấu chè giải nhiệt để mang đến cho các anh, giúp các anh đỡ mệt mỏi giữa tiết trời nắng nóng khi làm nhiệm vụ…”

Thấu hiểu sự khó khăn, bất tiện của các hộ dân khu vực phong tỏa, các nhà hảo tâm của Hội Bác Ái - giáo xứ Thạch Đà lại quyên góp gạo và các nhu yếu phẩm khác đến trao cho bà con đang trong thời gian cách li ở địa bàn phường 9 và phường 14, hai trong số những phường có nhiều ca F0 nhất ở quận Gò Vấp.

Anh Trần Thanh Hoàng - hội phó Hội Bác Ái chia sẻ: “Chúng tôi cũng chỉ mong giúp đỡ được cho bà con được chút ít trong giai đoạn cách li này. Mong dịch bệnh sớm qua đi, để mọi người quay lại với cuộc sống bình thường…”

Nói về những mô hình người dân giúp nhau chống dịch, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một biệt đội “siêu dễ thương” do chính người dân khu phố 4, phường 9, quận Gò Vấp thành lập. Đó là đội shipper mùa dịch, với nòng cốt là các tổ trưởng, cựu chiến binh, lực lượng dân phòng.

Có thể trong cuộc sống thường ngày, mỗi người có một công việc, một hoàn cảnh riêng, nhưng ở thời điểm hiện tại, họ chính là một đội. Bất kể thời gian, bất kể mưa nắng, chỉ cần nhận được thông báo từ đầu mối, họ sẽ lập tức lên đường “tải lương”.

Phương tiện của dàn shipper cũng rất đa dạng, xe số có, xe tay ga có, xe mới có, xe cọc cạch, cũ mèm cũng có. Những phần quà, phần gạo luôn nhờ những shipper thời vụ này chở tận nhà, giao tận người.

Chương II - Bài 2: Những mô hình người dân giúp nhau trong dịch: Bão bùng thân bọc lấy thân
Đội shipper mùa dịch 

Anh Nguyễn Văn Đồng - Trưởng khu phố 4, phường 9, đội trưởng đội shipper cho biết: “Các anh em luôn sẵn sàng, chỉ cần có thông tin từ phường là lập tức tập hợp rất nhanh. Chúng tôi muốn hỗ trợ các hộ dân neo đơn, không có điều kiện đến tận nơi để nhận quà…”

Thoáng nhìn đội shipper, phần lớn các chú, các bác trạc ngoài 50, 60. Trên những gương mặt in dấu thời gian lại toát lên sức sống của thời trai tráng. Mồ hôi ướt áo nhưng miệng vẫn cười tươi hạnh phúc. Đó là hạnh phúc được sẻ chia, là niềm vui được giúp đỡ bà con lối xóm.

Chú Nguyễn Văn Hoàng - thương binh, thành viên đội shipper gởi lời tri ân đến những tấm lòng hảo tâm đã dành cho bà con khó khăn: “Tổ 30 có 2 hộ nghèo, rất cảm ơn các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho bà con. Mong rằng dịch bệnh sớm qua, mọi người lại quay về cuộc sống bình thường…”

Hơn 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các startup có lẽ là các đối tượng bị tổn thương nhiều nhất vì trên cơ bản tiềm lực của nhóm đối tượng này khá ít ỏi. Những startup còn có thể bám trụ trong đại dịch này phải thừa nhận rằng đó là cả một nỗ lực đáng nể. Không những phải tự xoay sở để tồn tại, các startup còn vận dụng sức sáng tạo của mình để chung tay hỗ trợ cộng đồng vào thời điểm khó khăn này.

Điển hình đó là ứng dụng Busmap và SOSmap.net. Các nền tảng này không chỉ được áp dụng tại TPHCM mà còn được nhiều địa phương khác học hỏi và ứng dụng trong công phòng chống dịch và xây dựng đô thị thông minh.

Anh Phạm Thanh Vi - Founder SOSmap.net chia sẻ: “Đầu tiên bên mình sẽ dùng công cụ marketing để viral lên mạng xã hội để cộng đồng được biết, công cụ này thu nhận thông tin của người cho và người nhận trước.

Khi đã có thông tin thì bên mình sẽ nhìn vào cái map để phân bố lương thực thực phẩm, thành viên, kho bãi, đường đi, thời gian, đi đến hộ nào…sau đó có những team từ thiện tham gia vào thì bên mình có thêm chức năng cho các team từ thiện. Bên mình sẽ chia các điểm đó cho các team từ thiện để san sẻ bớt công việc bằng cách là sẽ có bạn chuyển những thông tin cho các account của các team đó trên nên tảng SOS map.

Hoạt động của các team nhờ vậy cũng không chồng chéo nhau, dễ dàng hơn. Những người cho ở gần người nhận có thể kết nối với nhau, truy cập vào nền tảng SOS.map liên lạc và tự giúp nhau…”

Dịch bệnh không chỉ tàn phá sức khỏe người dân mà còn khiến xã hội trăn trở về sinh kế của bà con cả lúc này và sau khi giãn cách. Mặc dù doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại trong khoảng thời gian giãn cách này, nhưng anh Nguyễn Ngọc Luận - người sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Việt Meet More đã có một sáng kiến hữu ích để phối hợp cùng chính quyền địa phương góp phần hỗ trợ bà con.

 “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với chính quyền để hỗ trợ mô hình minh doanh, nguồn nguyên liệu để các hộ khó khăn có thể kinh doanh khi dịch bệnh đã được kiểm soát…”, anh Luận nói.

Mỗi một tấm lòng trao đi sẽ giúp thêm một cuộc đời tươi lại. Không ai bị bỏ lại phía sau bởi trên chính mảnh đất này đang có rất nhiều tấm lòng hảo tâm như thế. Từ “trách nhiệm” được chính quyền cùng Nhân dân san sẻ vì một cộng đồng mạnh khỏe, bình an, vượt qua tâm bão Covid-19. Nắm tay nhau cùng nhìn về phía trước, ta sẽ thấy cầu vồng được dệt thêu bởi nghĩa tình và nhân ái.

Bình luận