Header-01
Đăng nhập

Chương II - Bài 3: VOH phản ánh hoạt động hỗ trợ người dân của Chính quyền, đoàn thể, tổ chức CTXH (Phần 2)

00:00
00:00
00:00
VOH - Truyền thống nhân văn, nghĩa tình, sẻ chia là một trong những hình ảnh rất đẹp và tồn tại từ rất lâu trong mỗi người dân Sài Gòn - TPHCM.

Thực tế ấy một lần nữa được chứng minh khi những ngày tháng TPHCM phải gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19. Khó khăn là vậy, vất vả là vậy, nhưng trong số hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố không một ai bị bỏ lại phía sau.

Tất cả mọi người đều được chăm sóc sức khỏe, chăm lo các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Kết quả này là sự nổ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Hỗ trợ kịp thời người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Toàn quận có gần 25.000 công nhân lao động trong đó, khoảng 400 đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp, có cuộc sống khó khăn.

Chia sẻ khó khăn với người lao động, tổ chức công đoàn quận đã phối hợp với các công đoàn cơ sở, khảo sát các trường hợp công nhân là F0, F1, công nhân trong diện bị phong tỏa để kịp thời chăm lo.

Tổ chức công đoàn quận cũng hỗ trợ, động viên kịp thời các trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện theo các quy định, vận động các chủ nhà trọ giảm, giãn tiền phòng, tặng quà cho công nhân thuê trọ bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Chương II - Bài 3: VOH phản ánh hoạt động hỗ trợ người dân của Chính quyền, đoàn thể, tổ chức CTXH (Phần 2)Xem toàn màn hình
Lực lượng chức năng kiểm tra các chốt chặn bảo vệ vùng xanh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến chia sẻ: Đối với tổ chức công đoàn, đang cùng chung sức với các địa phương, các phường để khảo sát tình hình người lao động tại các khu vực phong tỏa, chăm lo thêm một phần quà nhu yếu phẩm gồm: gạo, đường, dầu ăn với trị giá một phần khoảng 150.000 đồng.

Hiện đã trao được cho công nhân, người lao động trên địa bàn phường 15 là 61 phần và công đoàn vẫn đang tiếp tục đồng hành với các địa phương hỗ trợ thêm cho người lao động nằm ngoài các tiêu chuẩn hỗ trợ theo quy định của Tổng Liên đoàn lao động hay Liên đoàn lao động thành phố”.

Công đoàn các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp TPHCM cũng khẩn cấp hỗ trợ cho gần 900 công nhân đang thực hiện cách ly do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Công đoàn các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp thành phố đã hỗ trợ cho gần 670 công nhân Công ty Cổ phần thiết bị nhà bếp Vina, tại Khu Công nghiệp Tân Bình và tại Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi là khoảng 300 công nhân.

Các sản phẩm thiết yếu công nhân được nhận là: sữa; mì ly, dung dịch vệ sinh phụ nữ và móc phơi quần áo. Tính trung bình, mỗi công nhân được hỗ trợ khoảng 70.000 đồng, được trích từ nguồn quỹ công đoàn.

Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM đang chờ ngành y tế phân loại các đối tượng F0, F1, F2, để hỗ trợ công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch của dịch covid 19, theo Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết: “Việc hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động bị cách ly, Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập hợp hồ sơ, rà soát, tổng hợp danh sách để có thể kịp thời chăm lo cho các trường hợp F0, F1, F2…”. 

Là địa bàn có đông công nhân lao động, Liên đoàn lao động Quận Bình Tân đã kịp thời có kế hoạch hỗ trợ kịp thời công đoàn viên, người lao động vị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Trong đợt này, dù chưa có trường hợp công nhân nhiễm bệnh, nhưng Tổ chức công đoàn quận vẫn chủ động triển khai đến các doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động…thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế, của lãnh đạo quận, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn lao động Quận Bình Tân cho biết thêm: “Liên đoàn lao động Quận đã đề nghị các công đoàn cơ sở, đặc biệt là các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh covid, tuyên truyền công nhân lao động, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện nghiêm 5K. Thứ hai là, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của doanh nghiệp thành lập tổ tuyên truyền, tổ an toàn phòng chống covid ngay tại doanh nghiệp”.

Liên đoàn lao động TPHCM có văn bản hướng dẫn thực hiện, quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc, chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021.

Các mức hỗ trợ là từ 10-50 triệu đồng/đơn vị tuyến đầu chống dịch. Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là F0 được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người, trường hợp F1 hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

Đoàn viên, người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.

Ngoài ra, quyết định cũng hỗ trợ cũng dành cho đối tượng là cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc chăm lo cho người lao động thuộc diện cách ly, phòng chống dịch Covid-19; Liên đoàn lao động TPHCM đã ban hành văn bản để triển khai đến các cấp công đoàn, góp phần chăm lo cho người lao động không mai gặp tình trạng cách ly phải ngừng việc.

Đây cũng là nổ lực của tổ chức công đoàn cùng với chính quyền, với doanh nghiệp chăm lo cho người lao động. Cấp thành đến cơ sở đều nổ lực hết mình để giúp người lao động vượt qua khó khăn trong dịch bệnh Covid-19”.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức nhanh và phức tạp, đã có nhiều công nhân lao động ở trong các khu công nghiệp bị nhiễm bệnh. Các cấp công đoàn TPHCM đã thực hiện những chỉ đạo hết sức quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng hành hỗ trợ người lao động.

Nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi cá nhân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhưng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh...để chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Chương II - Bài 3: VOH phản ánh hoạt động hỗ trợ người dân của Chính quyền, đoàn thể, tổ chức CTXH (Phần 2)
 Cung cấp hàng hóa thực phẩm cho khu vực cách ly Covid-19

Chăm lo an sinh xã hội những ngày giãn cách: Chính quyền cùng nhân dân nỗ lực cao độ

Từ 0 giờ ngày 9/7/2021, Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính quyền và người dân thành phố bước vào một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ.

Những con phố vắng lặng, hàng quán đóng cửa, đi cùng với đó là những ánh mắt lo lắng khi bị mất việc làm, cuộc sống phía trước trĩu nặng đôi vai, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Hiểu được vất vả của người dân, bên cạnh việc tập trung truy vết, khoanh vùng, dập dịch, tập trung toàn lực cứu chữa bệnh nhân, thì công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân vượt qua giai đoạn thử thách này là điều mà Thành phố tập trung cao độ trong thời gian qua, với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Có thể nói, đây chính là mệnh lệnh trái tim mà các cấp chính quyền Thành phố đã và đang thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã sâu sát với tình hình tại cơ sở, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Hệ thống chính trị tại địa phương chủ động mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng nhau chung tay chăm lo đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn, thường xuyên chăm lo các suất ăn, nhu yếu phẩm và tiền mặt cho các hộ dân tại các khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, khó khăn, lực lượng phòng chống dịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Quận Bình Tân cho hay, quận đã huy động từ Mặt trận Tổ quốc đến các đoàn thể chăm lo cho người dân, nhất là người lao động đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Trong những ngày giãn cách, các mô hình chăm lo cho người dân rất sáng tạo mang đậm tính chia sẻ đã được các địa phương triển khai thực hiện. Các mô hình như Màu xanh hy vọng, Gạo đến tận nhà, siêu thị mini 0 đồng, ATM gạo, bếp ăn yêu thương…đã thực sự là người bạn đồng hành cùng người dân gặp khó do dịch bệnh.

Những chiếc áo xanh thanh niên đẫm mồ hôi, đem quà đến tận nhà hay hình ảnh người cựu chiến binh ngồi trực chốt để bảo vệ vùng xanh đã và đang lan tỏa một tinh thần dấn thân, một năng lượng tích cực để cùng nhau sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Trần Thanh Thắng, Trưởng Ban dân vận Quận ủy Quận 8 cho biết: “Quận 8 có một mô hình rất nổi đó là mô hình của Hội Phụ nữ, mô hình giữ trẻ cho những gia đình có cha mẹ là F0 đang đi cách ly. Những trẻ đó test nhanh hoặc test pcr dương tính, để nhằm đảm bảo sự an tâm cho những người đi cách ly”.

Anh Trần Long ở Quận 5 chia sẻ, từ sự hỗ trợ thiết thực ấy đã tạo thêm niềm tin, động lực, sự đoàn kết, giúp người dân đồng lòng cùng Chính quyền chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhiều gói an sinh xã hội đã được thông qua, phần nào gánh cùng người dân gánh nặng kinh tế, mưu sinh. Đặc biệt, công tác tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho người dân được tập trung toàn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tính từ ngày 22/7 đến hết ngày 7/8/2021, đã có hơn 2,1 triệu người được tiêm vaccine. Được chăm lo đời sống, sức khỏe, đã giúp người dân an tâm, phấn khởi, bình tĩnh, lạc quan cùng chiến đấu với dịch bệnh.

Cư dân Nguyễn Văn Hùng, ở phường 10, Quận 5 xúc động nói: “Đời sống khó khăn ai cũng có nên phải chia sẻ với nhau. Nhà nước biết, sắp xếp, hỗ trợ lương thực thực phẩm. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, kêu người dân chấp hành. Về chích ngừa vaccine thì cũng đi đến từng hộ kêu, vận động bà con ở đây đi chích hết”.

Gói cứu trợ đột xuất 1.000 tỷ đồng được Thành phố phê duyệt, các cơ quan chức năng đến từng hộ, từng nhà trọ trao tiền trực tiếp cho người nghèo là đối tượng thụ hưởng.

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Do thời gian giãn cách lâu, tích lũy của bà con, đặc biệt là bà con phải làm việc kiếm sống hằng ngày rất khó khăn. Có thể nói tất cả người dân đang có mặt ở Thành phố lúc này nếu khó khăn về lương thực, thực phẩm thì Thành phố phải cung cấp lương thực thực phẩm cho bà con, không phải một tuần, mà là trong nhiều tuần, có thể trong nhiều tháng sắp tới nếu tình hình còn tiếp tục khó khăn.

Các mạng lưới an sinh xã hội tự nguyện để giúp đỡ hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn phần gạo phần quà đến với bà con. Đây là tinh thần tương thân tương ái nghĩa cử rất cao đẹp của bà con Thành phố tương trợ nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn này, cùng với Chính quyền Thành phố”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ Tư lệnh Thành phố sẽ tiếp nhận, thắp hương và chuyển giao các phần tro cốt của bệnh nhân Covid-19 tử vong đến từng gia đình một cách chu toàn nhất.

Đối với phần tro cốt mà gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, các chùa sẽ tạm lưu giữ và cầu siêu cho đến khi người thân tới nhận. Việc lo hậu sự, lập bàn thờ chung lo hương khói, giữ gìn tro cốt của người dân với những gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, đã cho thấy cái tâm vì dân của lãnh đạo Thành phố.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng thông tin thêm: “Hiện nay với các trường hợp mắc bệnh covid bị tử vong, thì ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí. Trên địa bàn Thành phố có trường hợp tử vong do nhiễm bệnh thì được hảo táng tại cơ sở Bình Hưng Hòa, cơ sở này hoạt động 24/24, để đảm bảo việc xử lí theo yêu cầu, không có việc ngưng tiếp nhận đối với các trường hợp đối với yêu cầu hỏa tang”.

Khó khăn là có, thay đổi thói quen cũng có nhưng trong vất vả, chúng ta chứng kiến sự kiên cường của lực lượng y tế, chứng kiến sức mạnh của sự đoàn kết khi người dân Thành phố và cả nước chung sức, đồng lòng nắm chặt tay nhau chống dịch.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Chúng ta sẽ tỗ chức cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ gia đình. Chúng ta hiểu rằng trong những ngày giãn cách, bà con Thành phố nói chung, bà con lao động nghèo nói riêng phải chịu nhiều thiếu thốn và thiệt thòi. Chúng ta tiếp tục nỗ lực cao nhất để chia sẻ hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết của người dân. Ở đâu mà để người thiếu ăn thiếu mặt là lỗi của bí thư, chủ tịch phường đó, xã đó…”.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, hàng ngày, hàng triệu bữa cơm từ các bếp ăn từ thiện, hàng ngàn tấn lương thực từ khắp nơi chở về Thành phố, những vết hằn khẩu trang, bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi hay những bữa cơm ăn vội của tình nguyện viên để kịp thời chuyển lương thực thực phẩm đến cho bà con… là hình ảnh gây xúc động và khó quên nhất.

Chúng ta có quyền tin rằng, chính từ sự chăm lo của Thành phố, từ sự chắt chiu giúp nhau, tinh thần tương thân tương ái của người dân trong lúc này, thì những ngày khó khăn nhất sẽ qua nhanh, nhịp sống tất bật hối hả của Thành phố sẽ trở lại và đọng lại mãi trong tim mỗi người đó là nghĩa tình Thành phố mang tên Bác.

Chương II - Bài 3: VOH phản ánh hoạt động hỗ trợ người dân của Chính quyền, đoàn thể, tổ chức CTXH (Phần 2)
Chính quyền cùng nhân dân nỗ lực cao độ chăm lo cho bệnh nhân Covid-19

TPHCM hỗ trợ 886 tỷ đồng cho lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

TPHCM đang triển khai gói an sinh xã hội lần 2 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng: người bán hàng rong, buôn gánh bán bưng; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe - bảo vệ; làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động .....

Các đối tượng trên có hộ khẩu thường trú và tạm trú sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày. Dự kiến, trước ngày 15/7/2021, toàn TPHCM sẽ hoàn tất việc chi hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do.

Về tiến độ hỗ trợ, tính đến nay đã chi trả gói hỗ trợ cho hơn 31.500 người  lao động tự do với số tiền trên 47 tỷ đồng.

Ông Phan Thành Phúc – Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức cho biết: Phường đã triển khai về cho 9 khu phố để thông tin về cho người dân nắm được chủ trương này. Dự kiến đợt 1 sẽ chi trả cho 3.000 hồ sơ là lao động tự do, đồng thời phải làm hết sức chặt chẽ, chi trả đúng, đủ, không bỏ sót đối tượng nào.

Nói về việc làm thủ tục để được nhận hỗ trợ, bà Nguyễn Kim Hoa - Trưởng Khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức cho biết, năm nay nếu hồ sơ nào không được xét duyệt thì phải có văn bản trả lời là tại sao không xét duyệt và các tổ cũng sẽ đến từng nhà phát phiếu cho người lao động tự do, người bán vé số, hộ nghèo và hộ cận nghèo.

 “Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm thì mức hỗ trợ là 50 ngàn đồng/ngày. Khi khai thông tin phải có kèm theo CMND/CCCD, hộ khẩu hoặc giấy tạm trú có xác nhận của Công an. Khi xét duyệt sẽ có 1 tổ xét duyệt gồm có: Tổ trưởng và Công an khu vực, căn cứ theo đó mình mới xét duyệt, sau đó đưa lên trên sẽ xét duyệt thêm một lần nữa”, bà Nguyễn Kim Hoa chia sẻ.

Tại quận Phú Nhuận, theo bà Nguyễn Thị Thanh Trâm - Chủ tịch UBND phường 17, cho biết: Người lao động tự do bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ cho 2 lần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/5 đến 14/6 và từ ngày 15/6 đến 29/6 để hỗ trợ.

Hiện phường 17 đã triển khai đến các tổ dân phố, khu phố lập danh sách gần 500 người lao động và đã chi trả gần xong: “Chúng tôi cũng mong muốn nhanh chóng chuyển đến người dân và thực hiện chi trả ngay tại khu phố và đến từng hộ dân làm sao chuyển kinh phí đến cho hộ dân càng sớm càng tốt. Đặc biệt, không để sót và sai đối tượng. Kinh phí trao cho một người lao động tự do là 1.500.000 đồng. Ngoài ra, phường và các đoàn thể cũng vận động các mạnh thường quân tặng thêm 1 phần quà gồm 5 ký gạo, 1 thùng mì, trái cây, nhu yếu phẩm đến cho từng hộ dân”.

Quận Phú Nhuận có 9.045 trường hợp gồm công nhân của các doanh nghiệp, lao động tự do, tiểu thương của các chợ truyền thống. Riêng về lao động tự do, đến nay quận đang tiến hành chi trả xong cho đối tượng này gồm 2.816 người được xét duyệt.

Bà Trần Huỳnh Nga, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, quận Phú Nhuận thông tin: “Về lập danh sách nhằm tránh bỏ sót và để khách quan, công khai, năm nay có một hội đồng xét duyệt: Khu phố, tổ dân phố và phường xét duyệt và danh sách được thông qua Hội đồng xét duyệt của phường và danh sách này là những cán bộ của UBND phường liên quan và thành phần ban điều hành khu phố và về cơ bản là đảm bảo việc lập danh sách được đầy đủ và rõ ràng. Còn trường hợp tạm trú phải có đăng ký hoặc xác nhận của Công an”.

Nói về công tác triển khai gói an sinh xã hội trong đội ngũ công nhân lao động tại Thành phố, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực - Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, các công đoàn cơ sở đã nhanh chóng khảo sát để làm sao hỗ trợ được ngay cho những tình huống khẩn cấp, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ là 50 tỷ đồng.

Theo báo cáo của công đoàn cơ sở, hiện có hơn 2.000 ca F0 và khoảng 10.000 F1 phải đi cách ly tập trung.

Liên đoàn Lao động, đặc biệt hỗ trợ thêm lực lượng công nhân công ích đang làm nhiệm vụ thu gom chất thải tại các khu cách ly tập trung, khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Đồng thời thống kê và tiến hành ngay các thủ tục để hỗ trợ cho người lao động phải ngưng hoặc hoãn hợp đồng lao động, làm sao thực hiện việc này hết sức khẩn trương, kịp thời: “Đối với các trường hợp là bệnh nhân Covid được hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Đối với F1 phải cách ly tập trung thì được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.

Ngoài ra, đối với các khu vực phải phong tỏa tạm thời ở các khu nhà trọ, khu lưu trú đông công nhân và phong tỏa tạm thời tại các doanh nghiệp thì được hỗ trợ nhu yếu phẩm và vật dụng sinh hoạt cá nhân. Đối với một số đối tượng là con công nhân dưới 36 tháng tuổi bị ảnh hưởng dịch bệnh sẽ được hỗ trợ ở mức 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cháu”.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, nhiều phường, xã đã chi tiền hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc là 1,5 triệu đồng/người, có nơi còn hỗ trợ thêm 5 ký gạo.

Người lao động tự do mất việc, giảm thu nhập thì chính quyền cơ sở khảo sát lập danh sách trong 4 ngày sau đó thẩm định gửi về quận, huyện phê duyệt trong 2 ngày để ra quyết định chi hỗ trợ cho bà con ngay.

Lao động trong các công ty, xí nghiệp gặp khó khăn mà cho ngừng việc liên tục từ 30 ngày trở lên thì đơn vị chịu trách nhiệm lập danh sách số lao động mình cho ngừng việc trong thời gian 30 ngày gửi đến Bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi công nhân sinh sống và BHXH xác nhận trong 1 ngày và 2 ngày sau thì Chủ tịch quận, huyện sẽ ra quyết định chi hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.

Riêng số lao động bị chấm dứt hợp đồng mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì đem giấy quyết định cho nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động kèm theo số đóng BHXH nộp trực tiếp cho BHXH quận huyện.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lần 2 này, Sở đã có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân TPHCM xem xét hỗ trợ 34.000 xe ôm và xe xích lô bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch. Đây là nhóm đối tượng lao động tự do nhưng chưa được định danh trong nhóm lao động tự do đã được duyệt theo Nghị quyết 09.

Ông Lê Minh Tấn yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, TP Thủ Đức và phường, xã, thị trấn thống kê đầy đủ và hỗ trợ kịp thời tới những người này.

Chương II - Bài 3: VOH phản ánh hoạt động hỗ trợ người dân của Chính quyền, đoàn thể, tổ chức CTXH (Phần 2)
Ngành giáo dục tham gia chống dịch

Ngành giáo dục tham gia chống dịch

Tháng 8/2021 khi Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8 đi vào hoạt động cũng là lúc giáo viên trẻ Hồ Văn Đây, dạy môn Vật Lý, Trường Trung học cơ sở Tùng Thiện Vương, Quận 8 gói ghém hành trang, gia nhập đội ngũ phòng chống dịch tại đơn vị.

Từ người "ngoại đạo", chỉ được giao những phần việc như nhập liệu, lập sơ đồ, làm thủ tục xuất viện, đến nay người giáo viên đã thành thạo các công việc chăm sóc người bệnh. Từ đút thức ăn cho đến hỗ trợ vệ sinh, công việc nào anh cũng nhuần nhuyễn với những thao tác hợp lý, gọn gàng.

Với người giáo viên trẻ, nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm nhiều lúc không đáng ngại bằng việc phải chứng kiến sự sa sút tinh thần của người bệnh khi nghe tin người thân trong gia đình qua đời.

Dù luôn dạy học sinh phải trung thực, giáo viên Hồ Văn Đây lại không ít lần phải giấu người bệnh những thông tin thực sự về tình trạng sức khoẻ, về sự sống còn của người nhà, chỉ với mong muốn giúp bệnh nhân có thêm tinh thần vượt qua cơn bạo bệnh.

Năm học mới bắt đầu, người giáo viên ấy vẫn vững vàng trên 2 mặt trận vừa dạy chữ và vừa chống dịch: "Nguyên ngày ở bệnh viện, những lúc nào rảnh, mình tranh thủ soạn bài. Tối về, có thể thức khuya thêm một chút để hoàn thành bài soạn. Hiện tại đang dạy học trực tuyến nên mình có thể sắp xếp được. Đến ngày có tiết dạy, các bạn trong bệnh viện sẽ hỗ trợ một phần công việc để mình đứng lớp. Sau giờ dạy, mình lại quay vào tiếp tục công việc tại bệnh viện”.

“Có những bệnh nhân lớn tuổi, không thể tự chăm sóc bản thân, lại xa gia đình, đút ăn, ông bà cứ nhìn mình như muốn khóc. Mình cứ xem họ là người nhà mà chăm sóc. Mọi người khoẻ mạnh, trở về nhà càng nhiều, có thể công việc mình sẽ kết thúc sớm nhưng sẽ ổn hơn so với tình hình hiện giờ”.

Tình hình cũng diễn ra tương tự, khi ngày làm việc của giáo viên Phan Tấn Minh Vũ, Trường tiểu học Bình Trị 2, Quận Bình Tân những ngày này như kéo dài ra thêm.

Thời điểm đầu năm học nên các công tác cập nhật, trích xuất, báo cáo các số liệu của trường, được yêu cầu thường xuyên, liên tục. Người giáo viên này lại đảm nhiệm thêm công tác quản lý hệ thống mạng của hàng chục điểm tiêm chủng trên địa bàn Quận Bình Tân.

Mấy tháng nay, cứ mỗi khi điểm tiêm chủng gặp trục trặc trong vấn đề thiết lập hệ thống, hay di chuyển sang vị trí khác, người tổng phụ trách Đội, kiêm nhân viên quản trị mạng của trường Trường tiểu học Bình Trị 2, lại tất bật chạy xuống từng điểm trường, xắn tay, đi dây, thực hiện kết nối. Tuy không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhưng việc đi vào những khu vực nguy cơ của giáo viên này khá thường xuyên.

Thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục và Đào tạo, có hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia lực lượng phòng chống dịch tại các địa phương. Đội ngũ giáo viên cũng là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia tích cực trong các hoạt động phòng chống dịch.

Tại Quận Tân Bình, nơi có gần 650 giáo viên tham gia phòng chống dịch, thời gian qua đã có 7 người nhiễm Covid-19 trong quá trình thực hiện công tác. Địa phương cũng đã động viên, hỗ trợ kịp thời nhưng so với công sức và tâm huyết của giáo viên đóng góp vẫn khó lòng so sánh được.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Quận Tân Bình cho biết, đội ngũ giáo viên đã tham gia rất tích cực.

Suốt 2 tháng hỗ trợ chống dịch, với hàng trăm con người, nhưng những đánh giá từ địa phương gửi về luôn là những lời khen ngợi về sự trách nhiệm, tận tâm với công việc của các giáo viên.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Quận Tân Bình cho rằng: "Đây là lực lượng rất quan trọng để hỗ trợ vì địa phương không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này. Khi các trường được tận dụng làm điểm tiêm và đội ngũ nhân viên các trường hỗ trợ, đã đóng góp cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Ngoài điểm tiêm chủng, hiện một số trường và giáo viên các trường còn tham gia thực hiện an sinh, phân phối rau củ quả, mang thực phẩm cho người dân đến thời điểm hiện tại."        

Năm học mới đã bắt đầu, lực lượng giáo viên dần quay trở về chuẩn bị cho công tác chuyên môn, nhưng cũng không ít nhà giáo vẫn kiên trì bám trụ với mong muốn góp thêm công sức cùng Thành phố chống dịch. Với họ những khó khăn vất vã khi phải làm việc nhiều hơn, đôi khi phải ngủ ít hơn, không ít trường hợp phải tạm xa gia đình vẫn là điều xứng đáng. Để từ đó, dù ở mặt trận nào, từ chống dịch đến cùng học sinh chinh phục tri thức, những người chiến sĩ ấy đều sẽ thành công.

Tâm và tình của người TPHCM

Truyền thống nhân văn, nghĩa tình, sẻ chia là một trong những hình ảnh rất đẹp và đã tồn tại từ rất lâu trong mỗi người dân Sài Gòn - TPHCM. Những nghĩa cử, những việc làm ý nghĩa ấy đã giúp cho biết bao hoàn cảnh khó khăn vượt qua những biến cố cuộc sống, để tiếp tục vững bước cho tương lai.

Thực tế ấy một lần nữa được chứng minh khi hơn 3 tháng qua là những ngày tháng mà TPHCM phải gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 nguy hiểm hơn, phức tạp hơn.

Khó khăn là vậy, vất vả là vậy, nhưng trong số hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố không một ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả mọi người đều được chăm sóc sức khỏe, chăm lo các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Trân quý những tình cảm ấy, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM bày tỏ: “Mỗi ngày chúng ta thấy rất nhiều cách làm, sáng tạo và tấm lòng của người dân TPHCM trong việc chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không thể nào đong đếm được những tình cảm của người dân với nhiều việc làm ý nghĩa. Mỗi hành động dù rất nhỏ nhưng đã cộng hưởng với nhau thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc”. 

Theo thời gian, sự lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp, việc làm thiện nguyện ý nghĩa càng được nhân rộng để  chuyển tải những thông điệp yêu thương đến tất cả mọi người đã và đang gắn bó với vùng đất vốn được mệnh danh “ Hòn ngọc Viễn Đông”, một Thành phố văn minh hiện đại nhưng rất nghĩa tình.

Từ lâu, nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân Sài Gòn-TPHCM và cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn để cùng nhau vượt qua và tích cực đóng góp cho quá trình phát triển đưa TPHCM vươn lên tầm cao mới trở thành “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”.

Bình luận