Header-01
Đăng nhập

Chương V – Bài 1: Đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.

00:00
00:00
00:00
VOH - Chúng ta có thể ước lượng được bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng vận chuyển vào TPHCM, nhưng không thể cân đo hết bao nhiêu yêu thương, lo lắng dành cho thành phố.

Chúng ta tính được hàng trăm nghìn nhân lực chi viện ở mọi mặt trận nhưng không thể đong đếm được bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống trong cao điểm chống dịch tại TPHCM.

Nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia gánh vác trách nhiệm đã giúp cho TPHCM vượt qua được những tháng ngày khốc liệt nhất. Ngay sau đây, mời quý vị cùng nhìn lại sự đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.

Các thông tin chỉ đạo từ Chính phủ về việc chi viện cho TPHCM để phòng, chống dịch Covid-19.

Tối 19/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành và lãnh đạo TPHCM thống nhất, công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp Thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã của TPHCM.

Chính phủ và Thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã phường là một pháo đài trong mọi khâu: Dứt khoát thực hiện “ai ở đâu ở đó”, quản lý giãn cách, phong toả nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng.

 Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, dịch bệnh lây lan giữa người với người, nên ngăn chặn dịch bệnh là phải ngăn chặn nguồn lây giữa người với người. Muốn vậy, phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt, triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh.

Muốn thực hiện cách ly nghiêm ngặt, người dân chấp hành theo tinh thần “ai ở đâu ở đó” thì chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm: Bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặt; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định. Đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội.

Chương V – Bài 1: Đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.Xem toàn màn hình
Bộ đội hỗ trợ phát gạo đồ ăn cho người dân 

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng; bàn các giải pháp thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn với phương châm mỗi phường, xã, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ.

“Các đồng chí phải quyết tâm cao nhất, lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, tập trung, thống nhất, không chập chờn, không dao động, kiên trì mục tiêu, đưa ra giải pháp cụ thể, chuẩn bị nguồn lực và tổ chức thực hiện thật tốt”, Thủ tướng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng rất cao. Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa số trường hợp tử vong.

Hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…

 Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh đều thống nhất cao, khẳng định quyết tâm cao nhất và phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại cuộc họp.

Với phương châm làm sao để điều trị hạn chế ca tử vong do Covid-19 xuống thấp nhất, đội ngũ y tế thành phố đã và đang ngày đêm nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Thành phố Hồ Chí Minh không đơn độc một mình, mà đội ngũ y tế cả nước cũng đang chung tay, hướng về thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ có lực lượng tuyến đầu mà còn có nhiều lực lượng hậu phương khác luôn đồng hành, hỗ trợ.

Những ngày này, ở tâm dịch TPHCM, đội ngũ y bác sĩ, cả hệ thống chính trị đang căng mình phòng chống dịch, chạy đua từng phút, từng giây để tích cực cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với quyết tâm làm sao để hạn chế thấp nhất số ca tử vong do Covid-19.

Với “tinh thần bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” thì đội ngũ y, bác sĩ cả nước đã lần lượt vào Nam để hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung. Tính riêng đợt dịch lần thứ 4 này, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc trung tâm Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội chia sẻ: từ khi vào TPHCM hỗ trợ tại trung tâm hồi sức tích cực bệnh viện dã chiến số 16, ban đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn, từ việc di chuyển con người, di chuyển các kiện hàng bao gồm các trang thiết bị, máy móc, máy thở, vật tư đến việc triển khai sắp xếp 1 khu nhà trống thành bệnh viện dã chiến, đến việc thiết lập giường cấp cứu, giường hồi sức, quản trị thuốc men, tính toán bảo đảm chế độ ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân khi nằm hồi sức. Đồng thời, còn phải đào tạo cho lực lượng công tác tại đây để chống nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn tối đa. Tuy nhiên, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt nên những khó khăn đó khó mà ngăn cản được họ.

Chương V – Bài 1: Đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.
Ở tâm dịch TPHCM, đội ngũ y bác sĩ, cả hệ thống chính trị đang căng mình phòng chống dịch

Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc trung tâm Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội xúc động nói: Chúng tôi chỉ trong 1 đêm kêu gọi là chúng ta vì miền Nam yêu thương, thì toàn thể cán bộ, viên chức bệnh viện Bạch Mai chúng tôi sẵn sàng nộp đơn để được vào TPHCM ngay lập tức. Chúng tôi mong rằng với những kinh nghiệm của chúng tôi ở Bắc Ninh, ở Hà Giang, ở Bắc Giang, ở các tỉnh như Hà Nam, Hải Dương thì chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cho chúng tôi khi vào TPHCM này, để làm sao điều trị, chẩn đoán và cứu sống kịp thời những bệnh nhân covid. Và mong rằng, chúng tôi có thể cùng với nhân dân miền Nam cũng như các đồng nghiệp của chúng tôi ở đây, từ Thanh Hóa, từ Vĩnh Phúc, từ các tỉnh chúng tôi chung tay để có thể dập dịch được sớm nhất.

 Không chỉ lực lượng tuyến đầu tại các tỉnh, thành hăng hái hỗ trợ TPHCM, mà lực lượng y bác sĩ tuyến đầu tại chỗ cũng đã nỗ lực ngày đêm để chữa trị, duy trì sự sống cho các bệnh nhân không may nhiễm Covid-19. Là một bác sĩ trẻ của trường Đại  học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phạm Đỗ Nguyệt Thanh đã đóng 2 vai trong đợt dịch này. Vừa là tiền tuyến tham gia chống dịch, vừa là hậu phương để kêu gọi gia đình, kêu gọi mạnh thường quân, xã hội hỗ trợ thực hiện các dụng cụ chống dịch như tấm chắn giọt bắn để gửi đến các đơn vị y tế cũng như lực lượng phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Nguyệt Thanh cùng gia đình và các mạnh thường quân còn chung tay hỗ trợ cung cấp nước suối, bánh, sữa, cùng hàng trăm suất ăn cho đội ngũ y, bác sĩ tại các khu cách ly, khu điều trị Covid-19.

Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cho biết dù công việc thực hiện khá nhiều, khá mệt nhưng với sự đồng lòng của mọi người thì cảm thấy rất vui: Bản thân cũng là một bác sĩ trẻ, bản thân cũng trực tiếp điều phối các bạn sinh viên tham gia trong công tác phòng chống dịch của thành phố tại các điểm nóng dịch. Bản thân mình có thể nói là vừa tiền tuyến, vừa hậu phương, có thể giúp được gì những phần nhỏ bé để hỗ trợ cho các bạn có thể yên tâm trong công tác, có thể an toàn hơn, bản thân vẫn kêu gọi mỗi ngày để có thể trang bị tốt hơn cho tất cả bạn bè và đồng nghiệp và nhờ vậy mà mỗi người dù vất vả, vẫn khó khăn, có những đêm mình vẫn nhận được những tin nhắn lúc 2, 3 giờ sáng của các bạn sinh viên, của các đồng nghiệp nhắn về là cảm thấy rất là rả rời rồi nhưng mọi người vẫn cố gắng để mà giữ vững một niềm tin là thành phố của chính ta là sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và Việt Nam chúng ta sẽ mau chóng trở lại giai đoạn bình thường mới.

Trong công tác phòng chống dịch, không chỉ là lực lượng tuyến đầu, lực lượng dân quân hỗ trợ chốt kiểm soát, lực lượng hỗ trợ đi chợ hộ cho người dân, lực lượng phát lương thực, thực phẩm đến người dân. Mà còn có cả những lực lượng hậu cần đang âm thầm, lặng lẽ, ngày đêm nấu những món ăn ngon, nấu những suất ăn dinh dưỡng để gửi đến đội ngũ y bác sĩ, các bệnh nhân không may bị nhiễm Covid-19. Với lực lượng bếp ăn hậu cần ấy đã cho ra hàng ngày những suất ăn được nấu bằng cái tâm, nêm bằng cái tình, gói gém bằng tình thương đã góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ tinh thần, tăng thêm năng lượng để chiến đấu với dịch Covid.

Chương V – Bài 1: Đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.
Hình ảnh những nhân viên y tế, những người phục vụ bệnh nhân Covid-19 trong bộ trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân

Cô Phạm Bảo Hạnh-Hiệu trưởng trường mầm non Phú Mỹ, Quận 7 một trong những đơn vị tham gia hoạt động bếp ăn hậu phương để thay phiên nhau nấu những suất ăn hàng ngày để gửi đến lực lượng tuyến đầu chia sẻ: Hoạt động bếp ăn hậu phương là sáng kiến rất nhân văn, chúng tôi gồm 13 đội của 13 đơn vị mầm non trên địa bàn quận 7. Mỗi đội lần lượt thay phiên nhau 3 ngày nấu ăn và chủ yếu là bổ sung thêm thành phần chất sơ, vitamin và rau, củ quả phong phú cho các bữa cơm của đội ngũ y bác sĩ đang thực hiện điều trị cho các bệnh nhân covid và đồng thời chúng tôi cũng tổ chức nấu thêm các phần cháo dinh dưỡng giúp cho bệnh nhân trở nặng và họ mau chóng phục hồi sức khỏe. Trong mỗi phần ăn thì chúng tôi có gửi kèm 1 trái tim với những lời yêu thương. Thông qua bếp ăn hậu phương, chúng tôi mong rằng với công việc nhỏ này sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân sớm vượt qua được đại dịch.

Trong tâm dịch, người dân thành phố không chỉ lo lắng, yêu thương và giúp đỡ nhau bằng những hành động cụ thể, bằng tình thương vật chất mà họ cũng chia sẻ, động viên tinh thần nhau, tìm mọi cách chăm lo cho nhau từ vật chất đến tinh thần. Chương trình “Vắc xin tinh thần” cho bệnh nhân Covid-19 cũng đã và đang diễn ra, nhằm làm giảm lo âu, hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân thành phố.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan- Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, đại học Quốc gia TPHCM cho biết chương trình sẽ góp phần không nhỏ cho công tác điều trị, phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

“Khi đối diện với dịch covid thì yếu tố tinh thần rất là quan trọng và chúng tôi cho là để mà có 1 hệ miễn dịch toàn diện thì ngoài việc có vắc xin khi chúng ta tiêm vắc xin thì chúng ta sẽ cần có vắc xin tinh thần và đây cũng rất là phù hợp khi mà thực hiện thông điệp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đó là bình tĩnh sống để mà phòng chống dịch lâu dài và thực hiện ổn định về an sinh tinh thần. Với tất cả ý nghĩa nhân văn và cao đẹp đó thì tôi tin rằng là chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra một hệ miễn dịch để mà chống dịch lâu dài, thực hiện làm thế nào để thành phố chúng ta trở lại tình trạng bình thường.

Như vậy thành phố không đơn độc trong công tác phòng chống dịch, bệnh nhân F0 cũng không đơn độc chống chọi với bệnh tật. Còn hạnh phúc nào hơn khi mà cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, toàn quân, toàn dân cùng đồng lòng nhìn về 1 hướng, cùng đồng tâm, hiệp lực để chống dịch. Gần 5 tháng qua, đã có hơn 300.000 nhân lực hỗ trợ, đồng hành cùng TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam, lăn xả ở nhiều chiến tuyến, dốc sức vì những địa phương này đang rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có. Những chuyến xe vận chuyển hàng trăm tấn lương thực nhiều ngày nối tiếp nhau nam tiến. Những đơn vị máu chi viện từ người dân các tỉnh, thành phố cũng hòa chung con đường góp một phần sức nhỏ bé giúp người bệnh vượt qua đại nạn. Theo ước tính, tổng chi viện nhân lực y tế của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, của các bệnh viện, các trường y dược và sở y tế các tỉnh, thành phố cho TPHCM và các tỉnh phía nam hơn 25.000 người. Chưa kể lực lượng bộ đội chủ lực và các đơn vị công an chi viện khẩn cấp cho thành phố để làm các nhiệm vụ ngoài công tác y tế như vận chuyển lương thực, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, trực chốt phòng dịch. Tất cả hợp lại thành một lực lượng hùng hậu góp sức cùng hàng chục nghìn nhân viên y tế tại chỗ, tình nguyện viên y tế của TPHCM chống chọi trong suốt hơn 150 ngày ròng rã, giúp thành phố vượt qua “bạo bệnh”, dần hồi sinh tích cực.

Sự giúp sức từ các địa phương về thực phẩm:

Nhớ lại những ngày đầu tháng 7/2021, khi dịch bắt đầu leo thang, khi biến chủng Delta bộc lộ rõ sự nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM chống dịch Covid-19”.

Một cuộc chi viện lớn chưa từng có bắt đầu từ đây, với một tinh thần “dốc sức vì miền nam thân yêu”. Sự chi viện của mọi miền cho TPHCM kịp thời, không chỉ nằm ở con số nhân lực để bù đắp cho sự thiếu hụt ở mọi tuyến điều trị, mà còn bởi những dấu ấn nâng cao thêm một bước về năng lực của ngành y tế, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Suốt gần 5 tháng trong tâm dịch, trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các địa phương luôn bận rộn với các đợt tiếp nhận hàng hóa, đóng góp. Các nguồn lực từ khắp nơi đổ về để cùng thành phố nỗ lực triển khai công tác phòng, chống dịch. Hàng trăm chuyến xe tải treo khẩu hiệu “Vì TPHCM” hướng về thành phố. Vô cùng cảm động khi hình ảnh người dân gom góp sản vật địa phương từ khắp nơi gửi vào cho bà con TPHCM. Từ những hộp lạc rang cá khô của đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh, chả mực Hạ Long, chả bò Đà Đẵng, mắm ruốc Huế, khoai tím Vĩnh Long; những thứ bình dị như sò, hành tỏi, khô mực Trường Sa, Lý Sơn; những măng rừng, mật ong, bầu, bí Tây Nguyên cũng được đồng bào cả nước gói ghém vào.

Chiều 19/7/2021, Thứ Trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì buổi họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam để tìm giải pháp làm sao để cung ứng đủ nông sản, rau, củ, quả cho TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Chương V – Bài 1: Đóng góp của các tỉnh, thành khác đối với TPHCM trong cao điểm chống dịch.
Xịt khử khuẩn chống dịch Covid-19

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thời gian qua, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa để đưa vào tiêu thụ tại TPHCM dẫn đến một số mặt hàng rau, củ, quả tăng giá.

“TPHCM việc cung ứng nông sản gặp tương đối nhiều khó khăn trong thời gian qua. Nói chung các loại lương thực, thực phẩm đều có xu hướng tăng giá từ 0.37% đến 0,46%. Đặc biệt là một số loại rau, củ, quả mức tăng rất là lớn, đặc biệt bắp cải, cao hơn 18%, su hào hơn 5%, đậu cô ve khoảng 23%, rau muống hơn 5% và các loại rau khác hơn 5%. Trong khi đó giá thịt heo, thịt bò thì lại giảm”

Theo ông Đinh Minh Hiệp- Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM thì lực lượng sản xuất tại chỗ thời gian qua thành phố chỉ tự cung ứng được khoảng 10-15% nhu cầu của thành phố, tùy mặt hàng thì cần 80- 90% từ các tỉnh, thành khác cung ứng về. Thành phố đang thực hiện chỉ thị 16 nên khó khăn trong việc cung ứng đủ mặt hàng nông sản từ các tỉnh về thành phố. Hiện nay, thành phố đang có nhiều giải pháp cụ thể.

Ông Đinh Minh Hiệp- Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM cho biết: Thứ nhất đang cố gắng mở lại các chợ đầu mối và chợ truyền thống và ở đây chúng ta chỉ làm 1 phần và chỉ để cung ứng các mặt hàng liên quan thiết yếu. Thứ 2 là sẽ kết nối với hợp tác xã ở các tỉnh thành là sẽ được tiếp cận thông tin với các thương nhân ở 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hốc Môn để cho các thương nhân có sự chủ động kết nối với các hợp tác xã các tỉnh để làm sao có thể thực hiện trung chuyển hàng hóa thật nhanh, thay vì có thể tập kết hàng tại chợ đầu mối như mọi lần. Và hiện nay sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đề xuất với bưu điện thành phố để kết nối việc đặt hàng online thông qua Post mac.

Theo đại diện sở Công Thương TPHCM cho biết hiện nay thành phố đã tạo luồng xanh, giúp các tỉnh, thành đưa hàng hóa nông sản vào thành phố Hồ Chí Minh một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thành cho biết hiện thành phố đang khan hiếm thực phẩm rau, củ, quả, trứng nhưng các tỉnh, thành thì lại dư thừa, nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa vào TPHCM, các tỉnh thành đề nghị TPHCM cần có thông tin cụ thể về quy trình, quy định khi vận chuyển hàng hóa, nông sản vào TPHCM trong lúc này để cho các tỉnh thành thông báo cho các doanh nghiệp phối hợp thực hiện cho thống nhất, đồng bộ.

Ông Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đề nghị: Mỗi địa phương áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu nên vấn đề vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ Long An muốn vận chuyển hàng vào TPHCM nhưng mà qua các chốt của TPHCM thì lại không cho qua. Rồi các chợ đầu mối thì không có điểm giao nhận. Hàng hóa ở Long An thì đảm bảo cung cấp cho TPHCM mà cũng vướng cái đó. Do vậy, TPHCM cũng nên thống nhất có sự bàn bạc thống nhất với các địa phương, có điểm giao nhận, ví dụ TPHCM có nơi nhận như thế nào thì các tỉnh giao đến địa bàn đó thì ở đó là có người nhận.

 Kết luận Hội nghị, Thứ Trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu các tỉnh thành thực hiện đúng quan điểm của Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo đó là trong mọi tình huống không để thiếu hàng hóa nông sản, đồng thời tạo cơ chế, điều kiện để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm cho TPHCM trong giai đoạn này.

Đề nghị các đồng chí cũng tạo cái điểm đầu mối để tạo ra các chuỗi giá trị nhất là điểm cung hàng hóa rõ ràng để phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, để chúng ta cung ứng hàng theo chuỗi giá trị và phối hợp chặt với các địa phương trong tỉnh, đồng thời với TPHCM để chúng ta xây dựng những chuỗi giá trị hàng nông sản an toàn để vào TPHCM. Vấn đề nữa là chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công thương, TPHCM để tháo gỡ vấn đề cần tháo gỡ các trạm kiểm soát làm sao thuận lợi nhất để hàng hóa được luân chuyển 2 chiều, kể cả hàng cung ứng tiêu thụ để đảm bảo thực phẩm nhưng đồng thời các hàng nguyên liệu vật tư đầu vào của sản xuất như thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp cũng phải được thông suốt để đảm bảo cho các vụ mùa tới.

 Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 là một khoảng thời gian rất khó khăn của hệ thống chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khi số ca nhiễm và trở nặng tăng cao, hệ thống y tế quá tải. Thế nhưng, trong khó khăn, người dân thành phố càng cảm nhận được sự sẻ chia của đồng bào từ nhiều địa phương trong cả nước, các nguồn lực về sức người, sức của liên tiếp đổ về thành phố mang tên Bác, tiếp sức chi viện cho cuộc chiến chống Covid.

 Suốt những ngày phong tỏa, có thể tính được bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng vận chuyển vào TPHCM, nhưng chắc chắn không thể cân đo hết bao nhiêu yêu thương, lo lắng mà người dân cả nước dành cho thành phố. Cũng với tinh thần tương thân tương ái đó, đồng loạt nhiều tỉnh, thành phố cũng đã đêm ngày gom góp lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế chống dịch gửi vào TPHCM. Bà con miền trung còn nhắc nhau, khi miền trung bị lũ lụt, người TPHCM luôn đi đầu trong việc cứu giúp, nay người dân TPHCM - TPHCM lâm cảnh dịch bệnh, miền trung cùng đồng bào cả nước lại hướng về thành phố. Nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia gánh vác trách nhiệm đã giúp cho TPHCM vượt qua được những tháng ngày khốc liệt nhất.

Sát cánh cùng gia đình Việt Miền Trung, Miền Tây hướng về TPHCM  

Thành phố những ngày giãn cách… Thành phố sôi động, náo nhiệt bậc nhất cả nước nay im lìm, vắng vẻ. Cuộc sống như ngưng đọng trên những đường phố vốn tất bật người xe hối hả ngược xuôi.

TPHCM lâu nay đi trước về sau, TPHCM cùng cả nước và vì cả nước. Nhưng những ngày này, TPHCM căng mình chống dịch. Dẫu khó khăn, TPHCM không một lời than vãn, không kêu gọi giúp đỡ nhưng cả nước đều hướng về TPHCM. Thương TPHCM ốm, thương cả những người lao động nghèo đang lao đao, quắt quay vì dịch. Dẫu rằng sau 4 làn sóng dịch, người dân nơi nào cũng khó khăn chất chồng nhưng TPHCM bệnh, bà con cả nước

Dù ở đâu, cả nước cũng đều đang hướng về TPHCM, mong cho TPHCM mau khỏe bởi ai cũng có một phần trái tim đang đặt tại TPHCM. Đó chính là những giá trị của tình ruột thịt, nghĩa đồng bào luôn thường trực trên mảnh đất Việt, trong con người Việt.

Vì bởi thương TPHCM, thương người dân sống ở TPHCM nên cứ thế, biết bao nhắn gửi, biết bao lời động viên gửi vào trong ấy.

Nơi rốn lũ Hải Lăng, Quảng Trị, bà con "nóng ruột" bàn nhau nhà ai có gì góp nấy.

Khuôn viên một ngôi chùa ở làng Văn Vận, xã Hải Quy được chất đầy những bao gạo, rau củ quả... Ai có gì góp thứ đó. Có em bé vác bao gạo đến, có những người già sẻ đôi phần nông sản của gia đình mang sang. Rồi như "để cảm ơn TPHCM", bà mẹ Quảng Trị tay ôm trái bí rưng rưng. Những nông sản quê từ bao gạo đến trái ớt, trái cà, trái bí… đều được người dân chia sẻ.

Số thực phẩm này sẽ được trao đến những bếp nấu thiện nguyện, những gian hàng 0 đồng cho bà con vùng cách ly tại SG. Người ít người nhiều với tinh thần tương thân tương ái, ai cũng đồng lòng cùng hướng về đây để động viên người dân thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Xin gửi chút tình của người miền Trung đáp tấm chân tình của người miền Nam đã bao lần giúp đỡ miền Trung trong trận lũ lịch sử.

HÀ NHI: “TPHCM ơi! Cho Hà gửi chút quà cho bà con TPHCM” - Hà sinh ra bị cả câm và điếc, nhà Hà chỉ có hai mẹ con, trong căn nhà gió Lào miền Trung thổi cong vẹo như tấm lưng mẹ Hà.

Trong một đêm nào đó, có gã trai nào đó biến Hà thành bà mẹ đơn thân.

Mẹ già rồi, Hà thành lao động chính, nuôi đứa con học lớp 4 và cả mẹ.

Trong căn nhà ba người ít cười ấy, thứ tài sản đáng giá duy nhất là "Sổ hộ nghèo bền vững" của xã.

Vậy mà khi nhìn mọi người mang quà lên ủy ban để chia sẻ yêu thương cùng TPHCM. Hà lấy tất cả những quả bí xanh và chia đôi bao gạo xách đến để nhờ gửi tới miền Nam, Hà ú ớ rồi giơ tay về hướng miền Nam, như muốn nói "TPHCM ơi, cho Hà gửi chút quà"

Cán bộ nhận hàng nói nhà Hà nghèo, không lấy của Hà đâu. Hà giận lắm, Hà cứ đặt bao gạo và mấy trái bí vào thùng xe "Hà bớt ăn một bữa, cho các bạn TPHCM có một bữa chống dịch, phải nhận của Hà!"

Tố Tâm: Tôi có người thân đang ở TPHCM/ Người có nhà riêng, người còn ở trọ/ Bạn bè tôi xa quê vào trong đó /Bao năm rồi vẫn ngóng tin nhau

Nhớ tháng mười năm ngoái lũ ngập sâu/ Cả Quảng Trị dầm mình trong nước /Bạn TPHCM gửi mì tôm, thịt hộp /Phao cứu sinh, cặp sách, áo quần

TPHCM ơi, cám ơn bạn nghìn lần /Nghĩa tình ấy làm sao mà quên được. Dẫu xa xôi vẫn trọn tình sau trước /Ta trong nhau như máu mủ, ruột rà.

Tháng bảy này nghe tin bạn nơi xa /Dịch cô-vid bủa vây, bùng phát /Cả TPHCM phải tạm thời giãn cách /Như ngày nào Quảng Trị lũ ngập trôi

Giãn cách ư, không ngăn được tim người /Đang đập nhịp yêu thương từ Quảng Trị /Nào mẹ, nào em, nào anh, nào chị /Hướng về TPHCM gom góp, sẻ chia

Tôm cá, trứng gà, bầu bí, rau dưa/ Muối sả, muối vừng, hạt tiêu, củ ném /Mẹ ra vườn hái từ sáng sớm /Giọt mồ hôi còn đọng vai gầy

TPHCM ơi, quà của Quảng Trị đây/ Của ít lòng nhiều gửi vào trong ấy

Quảng Trị mình có sao nói vậy /Như TPHCM hào sảng nhân văn…

Những ngày này, ngược xuôi trên các trang báo, trên các diễn trang, trên các trang facebook cá nhân... chúng ta tiếp tục lặng lại theo những dòng chia sẻ để thấy... TPHCM mình được yêu thương nhiều lắm...

 Ừ, thì làm sao có thể do dự khi... TPHCM nơi đó đâu chỉ có người nhà, người thân, đâu chỉ có họ hàng, người cùng làng, cùng xóm...

TPHCM nơi đó là một phần máu mủ quê hương, là đồng bào, là bầu là bí là chung một giàn... là thương biết sao mà kể xiết nên từ miền Bắc, đến khúc ruột miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định… nơi góp tiền, nơi góp gạo cơm gửi người TPHCM.

Bên cạnh bầu bí, cá, gạo của các mẹ, các chuyến bay chở dụng cụ y tế từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế... đã trực chỉ TPHCM, những đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng hành trang chi viện.

Cách đây không lâu, dù vẫn đang gồng mình chống dịch nhưng TPHCM vẫn tạm mở chợ Đầm Sen để giải cứu hoa, rồi trước đó là giải cứu nông sản cho Đà Lạt. Cảm kích ân tình ấm áp này, người Đà Lạt cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi TPHCM bệnh nặng. Những chuyến xe "Rau củ tươi Đà Lạt gửi TPHCM thương yêu", cùng với lời nhắn nhủ cảm động, "TPHCM hôm nay đã thấm mệt, Đà Lạt góp sức gửi chân tình".

Rồi bà con nông dân miền Tây, nghe báo đài biết người dân TPHCM đang khó khăn nên ruộng nhà ai có gì cắt nấy, gửi gắm lên TPHCM. Nhà trồng khoai thì gửi khoai, nhà trồng rau thì gửi rau…. Hàng tấn rau sạch, hàng ngàn quả trứng cùng gạo cơm mắm muối gói vào đó tâm tình người dân miền Tây gửi đồng bào TPHCM trong các khu phong tỏa, cách ly...

Trong mấy xóm nghèo ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang... mây trái bầu trái mướp trên giàn được cắt vội... cho kịp chuyến xe chở lên TPHCM. Bà ới gọi ông ra vườn cắt buồng chuối, hối đứa cháu nhanh tay đào mớ sả rồi lại ngược xem trái bưởi chắc là ăn được rồi.... Có nải chuối sáp định bụng tối nay nấu ăn cũng dành cho bà con trên ấy... Ở quê nghèo ra vườn cũng có cái ăn chứ bà con mình ở TPHCM biết tìm kiếm đâu ra...

Tại Thừa Thiên Huế, nhóm bạn trẻ Ong Du Ký đang từng ngày kêu gọi, gom góp những hỗ trợ nhỏ để thực hiện chương trình "Triệu cái bánh - triệu yêu thương".

Anh Ngô Phước Tuần, điều phối nhóm, chia sẻ TPHCM là mảnh đất bao dung, nghĩa tình, là nơi ôm ấp biết bao thế hệ trẻ, người lao động Thừa Thiên Huế nói riêng và lao động cả nước nói chung.

Rồi khi những cơn bão lũ liên tiếp khiến miền Trung oằn mình chịu nạn, từng dòng xe yêu thương chất đầy nhu yếu phẩm của TPHCM nối đuôi nhau hướng về những làng quê mưa bão, trong đó có Huế.

Các bạn trẻ nói rằng, "Nay TPHCM "cảm", người lao động ở TPHCM gặp nhiều khó khăn, những người trẻ ở Huế chúng tôi mong muốn góp nhặt một chút tình yêu thương nhỏ nhoi vào những chiếc bánh lọc là đặc sản của Huế gửi tặng bà con ở phương Nam".

Đọc những dòng chia sẻ của một bạn trẻ ở Đà Nẵng mà nước mắt rưng rưng: "Chúng tôi đã từng trải qua những ngày tháng giãn cách toàn thành phố, khó khăn muôn phần nên hiểu hết những gì người dân TPHCM đang gặp phải. Trước đây khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước, người TPHCM gửi yêu thương về ấm lòng biết mấy, nay cho chúng tôi góp một tay động viên TPHCM"

Dù ở xa, TPHCM giãn cách… nhưng người miền Trung vẫn nắm tay người TPHCM để tặng những bao gạo đúng lúc nhất. Tấm lòng ấy thật đáng quý biết bao - sẽ mà quên trong cuộc đời.

Một buổi chiều tháng 7, chở sau xe 2 thùng mì tôm, bà Nguyễn Thị Cát ở thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh chạy về hướng Trường Mầm non Đồng Môn cơ sở 2. Số mì tôm này bà dành tặng gửi vào trong ấy cho người dân TPHCM. Mà đâu chỉ có mì tôm, buổi sáng, bà Cát đã ủng hộ một ít đu đủ, bí xanh của nhà trồng được. Rồi cứ đắn đo suy nghĩ mãi, chừng đó làm sao đủ cho bà con nên bà dốc hết túi mua thêm 2 thùng mì tôm.

Cùng với bà Cát, những ngày này, nhiều người dân ở xã Đồng Môn và các xã lân cận cũng rủ nhau mang nông sản, thực phẩm đến điểm tập kết để gửi vào tặng Miền Nam. Có gì góp đó, từ bao gạo, thùng mỳ tôm đến dầu ăn, lạc, cá khô, quả cà, bí xanh, bí đỏ… được người dân mang đến chia sẻ và gửi gắm: “TPHCM ƠI! CỐ GẮNG NHANH KHỎE LẠI NHÉ”

Chỉ nghe vậy thôi người TPHCM cũng đã thấy ấm lòng. Dù ít hay nhiều, dù quả trứng, mớ rau cũng đều khiến người TPHCM nhẹ lòng hơn trong lúc khó khăn này.

TPHCM trân trọng cảm ơn đồng bào cả nước. Rồi TPHCM sẽ khỏe lại liền thôi, rồi TPHCM sẽ yêu đời phơi phới trở lại, rồi TPHCM lại náo nhiệt người xe và lại bao dung, đùm bọc bà con tứ xứ…

Những ngày qua, nhiều người TPHCM đã khóc.

Không phải vì buộc phải ở nhà để thực hiện chỉ thị 16, không phải vì số ca nhiễm mỗi ngày đã lên đến bốn con số, mà mắt cay, lệ rơi vì những trái bầu trái bí, cà ớt, tiêu tỏi, con cá, bịch bánh tráng, bánh canh đang được các mẹ, các chị ở nhiều miền quê của đất nước mình thu hoạch ở sau vườn, lấy ra từ chạn bếp để mang đến nơi tập kết, đóng bao, đóng thùng gửi về với TPHCM.

Bao nhiêu năm nay, những thùng quà vẫn được các mẹ, các chị gom góp dành dụm tiếp tế cho con cháu đi học, đi làm ở TPHCM, vừa đỡ chi phí vừa ngọt lành ấm áp tình quê.

Nhưng quà hôm nay không phải là gửi con gửi cháu nữa, mà là gửi đến người TPHCM - những người TPHCM vốn vẫn quen dang tay quyên góp, tương trợ hết miền Trung đến miền Bắc, rồi miền Tây từ đợt bão lũ này đến sạt lở đất kia mà chưa từng mệt mỏi.

Thế rồi hôm nay TPHCM mệt thật, đường đông phải thưa vắng, hàng quán phải đóng cửa, người người phải ở nhà.

Trong khi đó tại TPHCM, các hoạt động từ thiện, hỗ trợ nhau vẫn hối hả và mạnh mẽ. Những người con của TPHCM, những người từ khắp các tỉnh thành đã đến và trưởng thành ở TPHCM đã như bao lần xắn tay vào việc.

Xốc vác tổ chức những siêu thị 0 đồng, bếp ăn từ thiện, cặm cụi tỉ mỉ chuẩn bị từng phần cơm, rong ruổi từng ngả đường, luồn lách từng con hẻm để đưa cơm nóng canh ngọt đến tận tay những người lao động bỗng nhiên rơi vào cảnh yếu thế.

Sau bao nhiêu năm dang tay, hôm nay TPHCM được phép nhận tình ruột thịt nghĩa đồng bào từ nơi nơi, từ người người.

"Chưa từng nghĩ TPHCM phải nhận sự giúp đỡ như vậy", người TPHCM nào đó nói. Dẫu số ca nhiễm vẫn đang tăng, dẫu các khu cách ly, bệnh viện dã chiến đều đã có dấu hiệu quá tải, dẫu bản đồ khu phong tỏa mỗi ngày mỗi chi chít, nhưng rồi TPHCM sẽ mau khỏe lại thôi.

Bởi TPHCM đâu phải chỉ là một thành phố phồn hoa, đây là thành phố đã từng trải qua thiếu đói, bệnh dịch, chiến tranh, đổi dời. Mấy trăm năm lịch sử là bao nhiêu thương khó. Đã cho đi ắt sẽ có lúc được nhận lại.

Những ngày toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đã được chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động về tấm lòng san sẻ yêu thương mà người dân SG dành cho nhau trong lúc khốn khó. Nhiều người vô gia cư đã nghẹn ngào đến bật khóc khi giữa đêm tối bất ngờ nhận được món quà là thức ăn, đồ uống từ các bạn trẻ là tình nguyện viên hằng đêm mang đồ cứu trợ rong ruổi trên đường phố Sài thành trong mùa dịch. Những thân phận yếu thế như người lượm ve chai, bán vé số dạo, người chạy xe ôm… cảm thấy ấm lòng khi nhận những suất cơm miễn phí, những gói mì tôm, cân gạo cứu đói từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện. Từ sâu thẳm tâm can, những mảnh đời cơ cực ấy cảm nhận được rằng: không ai bị bỏ rơi trong những tháng ngày cả thành phố gần như sức cùng lực kiệt khi phải căng mình chống chọi với “trận cuồng phong” COVID-19.

Cảm kích trước nghĩa cử “nhường cơm sẻ áo", đùm bọc dìu nhau qua đại dịch, một người nào đó đã viết những vần thơ đầy xúc cảm: “Đồng bào của mình đó/ Không thương thì thương ai?”!

Đại dịch rồi sẽ đi qua. Vượt lên trên những gian truân, khốc liệt trong cuộc chiến này, một lần nữa vẻ đẹp truyền đời của nghĩa tình đồng bào đất Việt lại ngời sáng. Đó chính là nguồn lực sức mạnh tinh thần vô song đã đưa dân tộc Việt Nam qua khỏi những thác ghềnh của lịch sử. Truyền thống ấy đang được tiếp nối khi nhân dân cả nước lại đồng lòng sát cánh bên nhau để chiến thắng dịch bệnh, vững vàng vượt qua mọi thử thách chông gai trong những tháng ngày đầy biến động này!

Riêng với SCCGĐV, vẫn sẽ tiếp tục với hành trình: “KHÔNG ĐỂ AI Ở LẠI PHÍA SAU” với đợt tiếp theo là hỗ trợ cho 300 lao động nghèo đang ở đâu đó trong từng hẻm nhỏ, khu trọ giữa lòng SG.

TPHCM sẽ khỏe lại, sẽ lại rộn tiếng cười vì bởi: TPHCM đã và đang được cả nước yêu thương - rất yêu thương. TPHCM cố gắng lên nhé, TPHCM ơi!!!

Bình luận