Chờ...

40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, cách ứng xử

VOH - Lời nói, lối ứng xử là một phần quan trọng tạo nên giá trị con người. Vì vậy từ thuở ấu thơ ông bà cha mẹ luôn dùng những câu ca dao tục ngữ hay để dạy bảo ta.

Một lời nói có thể tạo nên niềm vui, sự yêu thương, lòng tin và kính trọng… nhưng một lời nói cũng có thể gây nên nhiều tổn thương, hiểu lầm và sự căm ghét. Lời nói, cách ứng xử là hành động giúp chúng ta thể hiện quan điểm, tình cảm, tính cách cho nên không thể tùy tiện thích gì thì nói nấy mà cần phải suy xét cẩn thận trước khi thốt ra.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã rất quý trọng và đề cao lối nói năng lễ phép, điềm đạm, lối cư xử ôn hoà, khôn ngoan để giữa người với người luôn yêu thương, quý mến nhau. Vậy ăn nói như thế nào là phải phép, là khôn ngoan? Những câu thành ngữca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói dưới đây sẽ giúp bạn sáng tỏ.

Tục ngữ, thành ngữ về lời ăn tiếng nói, lối ứng xử khôn khéo trong cuộc sống

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh
 

Ăn gian, nói dối

→ Chỉ những kẻ gian manh, dối trá, dùng lời nói để lấp liếm, che đậy cho sự thiếu trung thực của bản thân. Ở đời, phàm những kẻ "ăn gian, nói dối" đều không được yêu thích và tin tưởng. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-1
 

Ăn không, nói có

→ Câu này ám chỉ người hay dựng chuyện, đặt điều, vu khống cho người khác. Những người như vậy thường không được tín nhiệm và luôn bị nghi ngờ. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-2
 

Ăn đằng sóng, nói đằng gió

→ Câu này ý nói những kẻ chuyên bịa đặt, dối trá, lời nói bất nhất. Cũng giống như hai kiểu người trên, người như vậy cũng không được người khác tin cậy. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-3
 

Ăn có nhai, nói có nghĩ

→ Trong ăn uống cần phải nhai thật kỹ trước khi nuốt, lời nói cũng vậy trước khi nói ra hãy suy xét thật thấu đáo, uốn lưỡi bảy lần.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-4
 

Ăn bớt bát, nói bớt lời

→ Ăn nhiều thì dễ ăn phải đồ ôi thiu dẫn đến bội thực, trúng thực, ăn no quá thì cũng no hơi, đầy bụng… Cũng vậy nói nhiều dễ nói sai, nói quấy, gây xích mích, hiểu lầm. Bớt ăn, bớt nói để bớt sinh chuyện.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-5
 

Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành

→ Sống ngay thẳng, trung thực, không nói lời dối gian, xuyên tạc, nghĩ sao nói vậy thì không e sợ bị phát giác.   

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-6
 

Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối

Ăn chay (còn chỉ người tu hành) thì rất tốt, nhưng ăn chay niệm Phật mà nói lời sai lệch, dối trá thì thà ăn mặn mà sống ngay thẳng còn hơn.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-7
 

Lời nói, gói vàng

→ Lời nói gắn liền với mỗi con người, mỗi lời nói ra đều vô cùng quý giá vì nó bộc lộ con người chúng ta. Đồng thời khi nói lời gì cũng cần cẩn thận, suy xét sao cho lời nói ra có giá trị.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-8
 

Lời chào cao hơn mâm cỗ

→ Câu nói này đề cao phép lịch sự, thái độ trong giao tiếp giữa con người với nhau. Một thái độ tốt còn giá trị hơn mâm cỗ đầy, tương tự câu “Của cho không bằng cách cho”.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-9
 

Lưỡi sắc hơn gươm

→ Một lời nói cay nghiệt còn mang tính sát thương dữ dội hơn cả giáo gươm đâm vào da thịt con người. Vậy nên, sự tổn thương mà lời nói gây ra tuy vô hình nhưng lại vô cùng sắc bén. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-10
 

Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo

→ Câu này chỉ người dối trá, điêu ngoa, lật lọng, không trung thực. Vì chiếc lưỡi không có xương nên uốn éo đủ đường, kiểu nào cũng có thể lấp liếm được. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-11
 

Một lời nói dối, sám hối bảy ngày

→ Chúng ta không nên nói dối, khi sự việc bại lộ sẽ vô cùng hối hận. Khuyên rằng, lời thật thà ngay từ đầu luôn tốt nhất, trong tâm được thanh thản, không lo lắng bị phát giác và cũng không lo sợ mất đi lòng tin của mọi người. 

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-12
 

Một câu nhịn bằng chín câu lành

→ Hơn thua nhau chẳng ích lợi gì chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ hơn. Nhịn một câu không mất mát mà sẽ giúp câu chuyện bớt đi sự căng thẳng. Đây là triết lý sống khôn ngoan.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-13
 

Một người nói ngang, ba làng không nói lại

→ Câu này chỉ người cãi cùn, mọi lý lẽ họ đưa ra đều vô căn cứ, tốt nhất không nên đôi co với họ vì họ sẽ chẳng bao giờ chịu thua và chịu thừa nhận vấn đề.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-14
 

Nói có sách, mách có chứng

→ Điều nói ra là đúng sự thật, có dẫn chứng rõ ràng và hoàn toàn có thể kiểm chứng được.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-15
 

Nói một đàng, làm một nẻo

→ Lời nói và hành động của người này không thống nhất với nhau, đây là một người không đáng tin cậy.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-16
 

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật

→ Không cần phải nói lời vòng vo, dài dòng mà chẳng vào vấn đề, hãy nói lời thật lòng, súc tích, ngắn gọn dễ hiểu.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-17
 

Học ăn, học nói, học gói, học mở

→ Trong câu này, “học ăn” là học cách ăn lịch sự, không giành giựt, biết nhường nhau, không giành miếng ngon cho mình chừa miếng oi cho người. “Học nói” là học phép nói năng sao cho lễ phép, lịch sự, nói được điều hay, lẽ phải. “Học gói” là học cách tiết kiệm, biết dành dụm, không tiêu hoang lãng phí. “Học mở” là học bao dung, rộng lượng, biết san sẻ, giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, “học gói, học mở” còn mang nghĩa mọi việc làm phải theo thứ tự và có sắp xếp, có gói thì mới có mở, phải biết trước biết sau.

Ca dao về lời nói, lối ứng xử giao tiếp khôn khéo trong cuộc sống

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-18
 

Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu.

→ Muốn thử tiếng chuông người ta dựa vào âm thanh nó phát ra. Còn ở con người, nhân cách, bản tính sẽ bộc lộ qua lời ăn tiếng nói.  

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-19
 

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe
.

→ Ví như loài chim hơn nhau là ở tiếng kêu thánh thót. Con người cũng vậy, người khôn ngoan lời nói ra luôn nhẹ nhàng, dễ thương.  

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-20
 

Chim ngu ăn mận ăn me,
Người ngu ăn nói chua lè mắm tôm.

→ Tương tự câu trên, lời điêu ngoa, chói tai ắt cũng từ miệng người thô tục mà ra.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-21
 

Đất tốt trồng cây rườm rà,
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

→ Luật nhân quả sâu sắc được thể hiện qua câu nói này. Nhìn cây xanh tươi, um tùm ta biết nó được trồng trên mảnh đất tốt. Cũng vậy, những lời hay, ý đẹp hẳn là được nói ra bởi người thanh cao.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-22
 

Đất xấu, trồng cây ngẳng nghiu,
Những người thô tục, nói điều phàm phu.

→ Tương tự câu trên, lời nói khó nghe, cạnh khoé là lời được thốt ra từ kẻ thô tục.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-23
 

Vàng thời thử lửa, thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

→ Muốn thử vàng người ta đốt trong lửa trong than, vì vàng là kim loại quý không dễ bị cháy đen. Còn với con người, lời nói, lối ứng xử chính là thước đo của sự khôn ngoan, biết điều.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-24
 

Lạ thay nết nói nết cười,
Nết sao lại khiến cho người muốn thương.

→ Con người ta ghi điểm và chiếm được cảm tình của người khác nhờ sự có duyên, và cái duyên dáng đó được tạo nên thông qua lời ăn tiếng nói.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-25
 

Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

→ Lời nói chẳng cần bỏ tiền mua, nhưng nó lại có tác động mạnh đến cảm xúc, tâm lý con người. Chính vì thế, thay vì nói lời làm tổn thương người khác sao ta không lấy cái “miễn phí” này để gắn kết yêu thương, làm đẹp lòng nhau.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-26
 

Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

→ Một chiếc kim dù cho nhỏ bé nhưng được làm bằng vàng thì chẳng ai nở nào đem uống thành lưỡi câu mà đem câu cá cả. Con người cũng vậy, người khôn ngoan, người có giá trị sẽ chẳng nở lòng thốt ra những câu cáu bẩn, nặng nhẹ người khác.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-27
 

Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

→ Sảy chân thì có thể đứng dậy, nhưng miệng đã thốt ra điều chẳng hay thì làm sao để sửa đây? Vậy nên trước khi nói ra điều gì hãy uốn lưỡi bảy lần.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-28
 

Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
Người sa lời nói, như chim sổ lồng.

→ Tương tự câu trên, vàng bạc mất đi dù cho có khó khăn thì vẫn có thể tìm lại được, còn lời đã nói ra rồi làm sao thu hồi lại.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-29
 

Roi song đánh đoạn thời thôi,
Một lời xiết cạnh, muôn đời chẳng quên.

→ Roi vọt đánh đau, hết đau thì thôi cũng quên đi. Nhưng một lời nói sát thương thì mãi ghi nhớ trong lòng.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-30
 

Hay chi những thói cạnh ngôn,
Một lần nhường nhịn, một lần tai qua.

→ Lời nói hơn thua nhau thì hay ho gì đâu, chỉ tăng thêm hiềm khích. Thay vào đó sự nhường nhịn mới là đáng quý, mới giúp ta tránh được oán hận, căm ghét của người đời.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-31
 

Ai ơi xin chớ nặng lời,
Bụt kia có mắt, ông trời có tai.

→ Câu này nói về nghiệp báo, xin đừng nói lời hạ nhục, phỉ báng người khác ắt sẽ có ngày gặp điều chẳng hay vì lời hôm nay.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-32
 

Cười người chớ vội cười lâu,
Cười người hôm trước hôm sau người cười
.

→ Khi thấy người gặp chuyện chẳng hay thì đừng quá đắc ý mà cười chê, biết đâu ngày mai lại đến lượt ta gặp chuyện xúi quẩy như vậy.  

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-33
 

Nói người, chẳng nghĩ đến ta,
Thử sờ lên gáy, xem xa hay gần.

→ Câu này nói người chỉ biết buông lời mỉa mai người khác mà không biết nhìn lại bản thân, khi chính mình cũng chẳng tốt đẹp hơn ai.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-34
 

Người khôn ăn nói nửa chừng,
Để cho người dại nửa mừng nửa lo.

→ Trong giao tiếp không phải chuyện gì cũng có thể nói huỵch toẹt ra, người khôn ngoan sẽ biết cách điều tiết lời nói một cách lấp lửng đầy tế nhị.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-35
 

Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

→ Người khôn ngoan cần chi nói nhiều, nhưng mỗi lời nói ra đều đẹp đẽ, hay ho, đều cho người khác thấy sự uyên bác, thanh cao của mình.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-36
 

Thổi quyển, phải biết chuyền hơi,
Khuyên người, phải biết lựa lời khôn ngoan.

→ Quản (người Nam bộ gọi là quyển) là một một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu. Để tạo ra được âm thanh hay từ loại nhạc cụ này thì phải biết cách dùng hơi thật điêu luyện. Khuyên răng người khác cũng vậy, phải dùng lời hay, tiếng đẹp để xoa dịu, phân tích đúng sai giúp họ nhận ra vấn đề.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-37
 

Nghèo thì nghèo ruộng, nghèo bò,
Nghèo chi tiếng nói mà mò không ra?

Dị bản:
Nghèo thì nghèo ruộng, nghèo trâu,
Nghèo chi câu nói, cứ một câu nói hoài?

→ Câu này có thể hiểu rằng có thể nghèo về của cải vật chất, còn lời nói không mất tiền mua thì hà cớ chi có một câu nói hoài, cũng có thể hiểu có một chuyện mà nhắc hoài.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-38
 

Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

→ Mọi việc trên đời chỉ nên dừng lại ở mức cân bằng. Đừng thấy rượu lạt mà uống nhiều, nó cũng chứa cồn sẽ khiến người ta say. Cũng như đừng nghĩ mình là người khôn ngoan mà nói nhiều, nói nhiều ắt sẽ ra nói dại.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-39
 

Ăn lắm, thì hết miếng ngon,
Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.

→ Thức ăn dù cho ngon mấy mà ăn mãi một món cũng thấy nhàm, thấy chán ngán. Lời nói ra càng nhiều thì lại càng dễ sai, dễ nói bậy nói bạ.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-40
 

Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

→ Câu này đề cao chữ tín, lời đã nói ra thì nhất định phải giữ lấy và thực hiện đúng như vậy, đừng nói cho có, nói để cho qua chuyện.

ca-dao-tuc-ngu-ve-loi-noi-loi-ung-xu-voh-41
 

Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười người chê.

→ Cũng tương tự câu trên, câu ca dao này dạy ta giữ chữ tín. Chuyện đã nói ra nhất định phải làm được hết thảy, nếu không thì đừng nói, đừng hứa.

Con người hơn thua nhau là ở phẩm chất, nhân cách, đạo đức, và lời ăn tiếng nói, lối ứng xử đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp ta tạo dựng nên những giá trị này.

Từ những câu ca dao, tục ngữ sâu sắc mà ông cha dạy bảo, mong rằng mỗi người trong chúng ta đều sáng toả và rút ra được bài học cho riêng mình về cách cư xử, lối đối đãi với nhau trong cuộc sống!

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật các bài viết hay và hấp dẫn!

Bình luận