Chờ...

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào?

VOH - Tránh “Dây cà ra dây muống”, bạn sẽ nắm được một phần quan trọng của nghệ thuật giao tiếp bằng lời nói và chữ viết để thành công. Vậy “Dây cà ra dây muống” là gì?

Cách nói, cách viết không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp, truyền đạt thông tin mà còn quyết định một phần sự thành công của mỗi người. Hiểu được tầm quan trọng của lối nói, lối viết, lối ứng xử… trong cuộc sống nên người xưa vẫn thường dạy con cháu tránh “Dây cà ra dây muống”. Cùng VOH giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì để hiểu được lời nhắn nhủ này.

Giải thích thành ngữ “Dây cà ra dây muống” có nghĩa là gì?

Thành ngữ có khả năng biến những khái niệm trừu tượng thành những hình ảnh cụ thể, gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu. Cho nên đến tận ngày nay, chúng vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh và sử dụng trong cả lời ăn tiếng nói lẫn trong các văn bản. “Dây cà ra dây muống” chính là một trong số những câu thành ngữ như vậy.

“Dây cà”, “dây muống” là hai loại cây trồng vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Khi phát triển, chúng thường quấn và bám víu vào nhau. Mượn hình ảnh này, người xưa đã truyền tải vấn đề một cách vô cùng sinh động.

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào? 1
Nói chuyển kiểu "Dây cà ra dây muống" là nói lan man, dài dòng, không thể hiện được vấn đề chính - Ảnh: Psychology

Giải thích đơn giản, “Dây cà ra dây muống” diễn tả cách nói, cách viết dài dòng, lan man, không có trọng tâm, việc nọ xọ sang việc kia, vấn đề này dẫn đến vấn đề khác. Điều này khiến cho người nghe, người đọc khó hiểu hoặc không hiểu được vấn đề. 

Người Việt vốn coi trọng các mối quan hệ nên rất thích và rất chú trọng việc giao tiếp. Giao tiếp cũng trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá con người. Vì vậy, trong kho tàng văn học dân gian, có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ bàn về lối nói, lối viết, lối ứng xử… Câu thành ngữ “Dây cà ra dây muống” vừa mang ý nghĩa phê phán vừa là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về việc lựa chọn cách nói, cách viết khi truyền tải thông tin.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” khuyên điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Ăn ốc nói mò” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” là gì?

 “Dây cà ra dây muống” vi phạm phương châm hội thoại nào?

Muốn làm chủ ngôn ngữ, giao tiếp thành công chúng ta phải nắm được các nguyên tắc cơ bản. Phương châm hội thoại chính là các quy định, nguyên tắc bắt buộc mà mỗi người tham gia hội thoại cần làm theo và tuân thủ.

Trong 5 phương châm hội thoại thường được nhắc tới (về chất, về lượng, quan hệ, cách thức, lịch sự), “Dây cà ra dây muống” vi phạm phương châm cách thức.

Vì theo phương châm này, người nói cần đảm bảo nói ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, súc tích để truyền đạt nội dung mong muốn và giúp người nghe dễ hiểu, dễ tiếp nhận thông tin. Trong khi đó, cách nói “Dây cà ra dây muống” lại dài dòng, lan man, mơ hồ, không có trọng tâm, không thể hiện được nội dung muốn truyền đạt và gây khó khăn, khó chịu cho người nghe.

Hậu quả của cách nói, cách viết dài dòng, lan man

Sở dĩ, cách nói, cách viết “Dây cà ra dây muống” bị phê phán là bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến người có thói quen này mà còn ảnh hưởng đến cả người khác. Cụ thể, sự dài dòng, lan man trong giao tiếp và viết lách có thể gây ra một số hậu quả tiêu cực. 

Gây tốn thời gian

Hậu quả dễ thấy nhất khi nói và viết theo kiểu “Dây cà ra dây muống” chính là làm lãng phí thời gian của cả bản thân lẫn người nghe, người đọc. Việc trình bày, truyền đạt một ý tưởng, thông tin nào đó mà không đi vào trọng tâm sẽ khiến cho quá trình giao tiếp, tiếp nhận thông tin bị kéo dài. Đây là điều tối kỵ, là thói quen xấu, không phù hợp với nhịp sống bận rộn của con người trong thời đại nay, đặc biệt là trong công việc.

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào? 2
Lối nói, lối viết dài dòng gây lãng phí thời gian - Ảnh: iStock

Gây mất hứng thú

Chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú, khó tập trung là hệ quả tất yếu của việc phải nghe những lời nói hoặc đọc những văn bản dài dòng, không có trọng tâm, không có logic. Cho nên “Dây cà ra dây muống” thực sự sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của việc giao tiếp, truyền đạt thông tin.

Làm giảm hiệu quả giao tiếp và tính thuyết phục

Người nói, người viết không thể trình bày, truyền tải quan điểm, ý tưởng, ý kiến… của mình đồng nghĩa với việc thất bại. Điều này khiến người nghe, người đọc không hiểu được thậm chí là dẫn đến hiểu lệch, hiểu sai vấn đề. Khi chất lượng giao tiếp, truyền tải thông tin không được đảm bảo thì hiển nhiên cũng khó thuyết phục hoặc nhận được sự đồng tình từ người nghe, người đọc.

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào? 3
Nói năng lan man, rườm rà, không đi vào trọng tâm làm giảm chất lượng giao tiếp - Ảnh: Preply

Làm mất uy tín, niềm tin

Người nói, người viết dài dòng, lan man, không trình bày được vấn đề cốt lõi sẽ khó để lại được ấn tượng tốt. “Dây cà ra dây muống” cũng tạo ra cảm giác không nghiêm túc, kém chuyên nghiệp, thiếu tự tin, không có kiến thức. Khi đó, người nghe, người đọc có thể cảm thấy nghi ngờ và không còn tin tưởng bạn.

Xem thêm:
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người

Làm thế nào để tránh “Dây cà ra dây muống”?

Câu thành ngữ “Dây cà ra dây muống” đã giúp chúng ta có được bài học ý nghĩa về cách nói và cách viết trong cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp phát hiện được vấn đề của bản thân nhưng không thể khắc phục vì chưa tìm được phương pháp phù hợp. Dưới đây là một vài tips nhỏ giúp bạn cải thiện cũng như phòng tránh lối nói, lối viết dài dòng, lan man, khó hiểu.

Xác định mục đích và nội dung chính trước khi nói, viết

Để tránh mắc lỗi “Dài dòng văn tự” khi nói cũng như viết, chúng ta cần biết được mình cần truyền đạt điều gì, cho ai và như thế nào. Xác định trước nội dung trọng tâm sẽ giúp bạn diễn đạt một cách rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và không bị lan man, lạc đề.

Tổ chức, sắp xếp ý tưởng trước khi nói, viết

Khi đã xác định được nội dung muốn truyền đạt, bạn nên sắp xếp các ý tưởng của mình và kiểm tra tính logic xem đã ổn hay chưa. Việc này sẽ giúp bạn nói hoặc viết có đầu có cuối, không bỏ sót vấn đề đồng thời giúp người nghe, người đọc dễ hiểu hơn.

Áp dụng công thức 5W1H

Công thức 5W1H gồm các câu hỏi Who (ai), What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), Why (tại sao), How (như thế nào). Trả lời hết các câu hỏi này là một cách để giúp bản thân diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn nhưng vẫn đủ ý.

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào? 4
Bạn cần tự luyện tập, sửa chữa để cải thiện vấn đề của mình - Ảnh: Preply

Trau dồi vốn từ, lựa chọn từ ngữ phù hợp

Đôi khi, “Dây cà ra dây muống” xuất hiện do người nói, người viết không có đủ vốn từ, không biết cách diễn đạt sao cho người đọc, người nghe hiểu được ý của mình. Do đó, bạn nên tự bổ sung vốn từ để phục vụ cho việc diễn đạt.

Thêm một vấn đề quan trọng khác là hãy chú ý đến đối tượng nghe và đọc, ngữ cảnh cũng như mục đích của cuộc hội thoại hoặc bài viết. Bởi việc lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt trong mỗi trường hợp đều phải có sự phù hợp thì mới đảm bảo được sự tường minh.

Tự kiểm tra, đánh giá và cải thiện bản thân

Nghe lại những gì mình nói, đọc lại những gì mình viết là cách đơn giản để phát hiện, sửa chữa các lỗi sai như “Dây cà ra dây muống”. Lắng nghe và nhờ người khác góp ý cũng là một biện pháp cải thiện cách nói, cách viết dài dòng hiệu quả lại đảm bảo được sự khách quan.

Xem thêm:
8 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả
Thành công là gì? 10 việc cần làm để trở thành người thành công trong cuộc sống
EQ là gì? EQ cao và thấp ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?

Thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với “Dây cà ra dây muống”

Văn học dân gian Việt Nam có khá nhiều câu thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với “Dây cà ra dây muống”. Vì vậy, muốn tìm một cách nói khác để diễn đạt việc nói năng, viết lách rườm rà, lan man, thiếu trọng tâm, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau.

1. Lè nhè như chè thiu: giọng nói hoặc tiếng khóc kéo dài, không rõ tiếng, khó nghe và gây ra cảm giác khó chịu, phiền lòng.

2. Tràng giang đại hải: nghĩa đen là sông dài biển rộng, nghĩa bóng là nói, viết dài dòng, lan man, không rõ nội dung, nói nhiều nhưng ý chẳng bao nhiêu.

3. Lúng búng như ngậm hột thị/Ấp úng như ngậm hột thị: nói năng ấp úng, không rõ ràng, lúng búng như người ngậm hột thị trong miệng.

4. Ấm ớ hội tề/ Ấm ớ hội tề: thái độ lơ mơ, nhập nhằng, tránh né phiền hà, trách nhiệm khiến người khác khó chịu.

5. Con cà con kê: nói nhiều, nói lan man, dài dòng, kể chuyện tủn mủn, ít giá trị.

6. Nói dai như chó nhai giẻ rách: phê phán người nói đi nói lại một vấn đề nào đó, nói dai dẳng, nói dài nhưng không rõ chủ đề.

Giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào? 5
Kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói hay về cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống - Ảnh: iStock

7. Lèo nhèo như mèo vật đống rơm: nài nỉ, mè nheo, nói dai dẳng để xin bằng được một cái gì đó.

8. Nói hay hơn hay nói: nói ít mà hay, mà có giá trị còn hơn nói nhiều mà không có giá trị gì.

9. Văn hay chẳng lo dài dòng: bài văn hay thì dài đến mấy người ta cũng vẫn thích nghe, thích đọc.

10. Dài dòng văn tự: chỉ việc nói hoặc viết dài dòng, lê thê, rườm rà.

11. Vòng vo Tam Quốc: không nói thẳng, không đề cập hay đi thẳng vào vấn đề trọng tâm mà nói loanh quanh, dài dòng vừa làm mất thời gian vừa gây khó chịu.

12. Kể khoan kể nhặt: kể lể từng li từng tí một, kể lể dài dòng, đủ chuyện.

13. Chắt chắt vào rừng xanh: diễn tả việc mông lung, ngơ ngác không biết tìm hướng, đường ra giống như cách viết rườm rà khiến người đọc không thể xác định được chủ đề.

“Dây cà ra dây muống” là một lỗi cơ bản trong giao tiếp cũng như trong viết lách, có thể gây ra nhiều hậu quả. Vì vậy, với phần phân tích, giải thích “Dây cà ra dây muống” là gì của VOH hy vọng bạn sẽ hiểu rõ và có thêm động lực để loại bỏ thói quen xấu này.

Bình luận