Chờ...

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Liệu cơm gắp mắm’ nói tới điều gì?

(VOH) - ‘Liệu cơm gắp mắm’ là câu tục ngữ nhắc nhở mọi người về việc chi tiêu sao cho hợp lý. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết dưới đây nhé.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mọi người thường nhắc nhau ‘Liệu cơm gắp mắm’ mỗi khi chuẩn bị tính toán cho những khoản chi tiêu quan trọng chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

1. “Liệu cơm gắp mắm” là gì? 

“Liệu cơm gắp mắm” là câu tục ngữ vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Đầu tiên, đây là câu tục ngữ cha ông ta dùng để răn dạy con cháu về bài học trong ăn uống. Khi ăn uống cần phải chú ý, xem xét lượng cơm và lượng mắm để ăn cho phù hợp. Nếu cơm còn ít mà gắp mắm nhiều sẽ bị mặn, còn nếu cơm còn nhiều mà lấy quá ít mắm thì cũng không đủ ăn.

‘Liệu cơm gắp mắm’ – khám phá bài học chi tiêu quan trọng trong cuộc sống 1
“Liệu cơm gắp mắm" - câu tục ngữ chứa đựng nhiều bài học trong cuộc sống

Tương tự như vậy, nghĩa bóng của câu “Liệu cơm gắp mắm” có ý nghĩa là chúng ta cần căn cứ vào tình hình hiện tại, vào điều kiện, khả năng của bản thân để lựa chọn hướng giải quyết, để làm cho phù hợp.

Ví như nếu gia đình bạn chưa dư dả, bạn nên tránh mua sắm những vật dụng không cần thiết trong đời sống, đặc biệt không nên chi tiêu quá số tiền mà bạn có. Nếu những khoản phí chi trả trong đời sống thiết yếu đã được giải quyết rồi nhưng bạn vẫn còn dư một chút, bạn có thể dùng nó để sắm sửa cho bản thân, mua sắm thêm những vật dụng thứ yếu khác để phục vụ cho đời sống.

‘Liệu cơm gắp mắm’ – khám phá bài học chi tiêu quan trọng trong cuộc sống 2
“Liệu cơm gắp mắm" là bài học về sự tính toán trong chi tiêu

Tóm lại, câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” khuyên chúng ta phải biết xem xét, tính toán để đưa ra quyết định phù hợp, tránh trường hợp chi tiêu quá nhiều khi có ít hoặc chi quá ít khi vẫn còn dư nhiều.

Xem thêm: 30 câu ca dao, tục ngữ về tiết kiệm giúp chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày

2. “Liệu cơm gắp mắm” nói về đức tính gì?

“Liệu cơm gắp mắm” là câu tục ngữ mang ý nghĩa sâu sắc về đạo lý của dân tộc ta. Trước đây, khi đất nước ta còn nghèo khó, không có nhiều thực phẩm như ngày nay. Trong thời buổi kinh tế chưa mở cửa, để có được một chút lương thực thôi cũng cần công sức vất vả của rất nhiều người.

Cha ông ta đã dùng câu tục ngữ này để răn dạy con cháu rằng cuộc sống rất khó khăn, phải biết xem xét, chi tiêu, ăn uống tiết kiệm, hợp lý, phù hợp. Nếu không, dù có làm ra cả núi vàng cũng không đủ.

Câu tục ngữ này còn chỉ ra rằng, nếu khéo léo tiết kiệm, xem xét tình huống một cách thông minh, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được thành tựu viên mãn, vẹn toàn.

Xem thêm: 50+ câu ca dao tục ngữ về tiền càng đọc lâu càng thấm

3. Những câu ca dao tục ngữ và danh ngôn bàn về sự tính toán, tiết kiệm

Đức tính biết vun vén, tính toán khi chi tiêu được xem là cây cầu giúp chúng ta đến gần hơn với thành công, với cuộc sống viên mãn. Các bạn hãy lưu ngay những câu ca dao tục ngữ và danh ngôn nói về chủ đề này để tự nhắc nhở bản thân mình.

3.1 Ca dao, tục ngữ

  1. Nên ăn có chừng, dừng có mực.
  2. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện.
  3. Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.
  4. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
  5. Năng nhặt chặt bị.
  6. Chẳng lo trước, ắt lụi sau.
  7.  Khi lành để dành khi đau.
  8. Ăn phải dành, có phải kiệm.
  9. Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
  10. Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói.
  11. Ít chắt chiu hơn nhiều ăn phí.
  12. Tích tiểu thành đại.
  13. Góp gió thành bão.
  14. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
  15.  Ăn chắc, mặc bền.
‘Liệu cơm gắp mắm’ – khám phá bài học chi tiêu quan trọng trong cuộc sống 3
  1. Ở đây một hạt cơm rơi
    Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng.
  2. Làm người phải biết tiện tằn
    Đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi.
  3. Tiết kiệm sẵn có đồng tiền
    Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai.
  4. Heo kia chẳng vỗ thời to
    Từng xu góp lại thành kho lúc nào.
  5.  Được mùa chớ phụ ngô khoai
    Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng.
  6. Đi đâu mà chẳng ăn dè
    Đến khi ăn hết lại ghè chẳng ra.

Xem thêm: 775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam quý giá dạy bạn điều hay, lẽ phải trong cuộc sống

3.2 Danh ngôn

  1.  Ai tiết kiệm người đó sống không thiết thốn. – Ngạn ngữ Nga
  2.  Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu. - Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ
  3.  Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được. - Benjamin Franklin
  4.  Tiết kiệm là một nghệ thuật lớn hơn cả việc kiếm tiền. – Ngạn ngữ Đức
  5.  Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu. - Benjamin Franklin
  6.  Bạn phải sẵn sàng vất vả và chi tiêu tằn tiện để đưa được ý tưởng cất cánh. – Garrett Camp
  7. Số tiền nhỏ được tiết kiệm hàng ngày cuối cùng sẽ trở thành khoản đầu tư khổng lồ. - Margo Vader
‘Liệu cơm gắp mắm’ – khám phá bài học chi tiêu quan trọng trong cuộc sống 4
  1.  Sự giàu có chỉ có thể được tích lũy bằng thu nhập của sự siêng năng và sự tiết kiệm trong chi tiêu. - John Tyler
  2.  Kẻ xa xỉ, thì giàu mà tiêu vẫn không đủ; kẻ kiệm ước, thì nghèo mà tiêu vẫn có thừa. – Đàm Tử
  3. Đừng tiết kiệm thứ gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy chi tiêu thứ gì còn lại sau khi tiết kiệm. – Warren Buffett
  4. Để trở nên giàu có, bạn phải coi trọng việc tiết kiệm hơn việc chi tiêu. - George Choy
  5.  Kiếm nhiều hết sức có thể. Tiết kiệm nhiều hết sức có thể. Đầu tư nhiều hết sức có thể. Cho đi nhiều hết sức có thể. – John Wesley
  6.  Người giàu nhất là người tiết kiệm. Người nghèo nhất là người hà tiện. – Chamfort.
  7.  Trước khi bạn nói, hãy lắng nghe.

Trước khi bạn viết, hãy nghĩ.

Trước khi bạn tiêu pha, hãy kiếm được.

Trước khi bạn đầu tư, hãy tìm hiểu.

Trước khi bạn phê phán, hãy chờ đợi.

Trước khi bạn cầu nguyện, hãy tha thứ.

Trước khi bạn bỏ cuộc, hãy thử.

Trước khi bạn nghỉ hưu, hãy tiết kiệm.

Trước khi bạn chết, hãy cho đi.

– William Arthur Ward

“Liệu cơm gắp mắm” là một câu tục ngữ sâu sắc về đức tính tiết kiệm đáng quý, biết tính toán, lo trước lo sau của dân tộc ta. Hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về lời dạy này. Hãy theo dõi VOH để cập nhật những bài viết bổ ích hơn.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận