Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’

(VOH) - ‘Một câu nhịn chín câu lành’ là câu tục ngữ khuyên con người nên học cách nhẫn nhịn đúng lúc. Đôi khi việc nhường nhịn lẫn nhau có thể đem lại thành quả mà bạn không ngờ tới.

Nhẫn nhịn là một trong những cách sống dĩ hòa vi quý, điều này không chỉ mang lại tâm thái thoải mái hơn mà còn giúp ta gặt hái được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống, tránh khỏi những xung đột không đáng có. 

1. Tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’ là gì?

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của người Việt Nam ta, có rất nhiều tục ngữ mang ý nghĩa khuyên răn, dạy bảo chúng ta những điều hay lẽ phải. Trong số đó, tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’ hay 'một điều nhịn chín điều lành' là câu tục ngữ rất hay được dùng để khuyên chúng ta cần học cách nhẫn nhịn.

mot-cau-nhin-chin-cau-lanh-voh-1

Nhẫn nhịn là một đức tính rất cao quý và đáng để học hỏi, con người sống phải biết cách nhẫn nhịn đúng nơi, đúng lúc, lựa chọn việc lùi một bước để mọi chuyện đều trở thành “dĩ hòa vi quý”. 

1.1 Giải thích tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’

Từ ‘Nhịn’ ở đây có nghĩa là sự nhường nhịn, nhẫn nhịn hay nhẫn nại trong giao tiếp và hành động. Bên cạnh đó điều này còn có nghĩa là sự rộng lượng, khéo léo bỏ qua những sai lầm không đáng có của người khác, không nói chuyện vòng vo hoặc cố ý đôi co để gây xung đột.

Còn từ ‘Lành’ mang ý nghĩa về một kết quả tốt đẹp, giống như mong muốn, là quả lành ta gặt hái được, mang ý bình an, vô sự.

“Một” và “chín” trong câu tục ngữ này đều chỉ số lượng, “một” ý nói rất ít, còn “chín” là rất nhiều. Tương tự như vậy, ta có thể hiểu rằng chỉ cần nhịn một chút chuyện nhỏ nhoi, có thể đem lại rất nhiều lợi ích lớn lao. 

Đây không phải là một câu tục ngữ mang ý nhu nhược và hèn nhát, không phải vì giữ bình yên mà phải nhẫn nhục chịu đựng. Ông cha ta không bao giờ khuyên đời sau phải sống một cách đê hèn mà thay vào đó, họ muốn nhắc nhở chúng ta hãy gạt những sai trái nhỏ bé sang một bên, những xung đột nhỏ không đáng để đổi lấy sự bình yên của đôi bên.

1.2 Ý nghĩa của tục ngữ ‘Một điều nhịn chín điều lành’ trong đời sống

Ý nghĩa của câu tục ngữ “một câu nhịn chín câu lành” là khi biết nhường nhịn lẫn nhau không chỉ giúp ta tránh khỏi những rắc rối, mà còn có thể khiến đối phương phải nể phục khả năng giữ bình tĩnh của chúng ta trong mọi trường hợp.

mot-cau-nhin-chin-cau-lanh-voh-2

Ví dụ như với anh em trong nhà, sẽ có những lúc gặp phải tranh cãi hoặc giận dỗi lẫn nhau. Những lúc đó, nếu như không bên nào chịu nhường nhịn thì sẽ rất dễ dẫn đến việc rạn nứt mối quan hệ, gây khó xử cho chính mình và người thân. Trong khi chỉ cần bạn nhịn lại một chút là có thể khiến cả hai cùng thoải mái, anh em lại hòa thuận và vui vẻ như xưa.

Không chỉ có thế, trong môi trường học tập và làm việc, chúng ta cũng sẽ thường xuyên gặp phải rắc rối như những cuộc tranh luận nảy lửa giữa bạn bè, đồng nghiệp... Khi ấy, thay vì tranh cãi, chúng ta cần bình tĩnh giải quyết vấn đề, bởi khi hai bên càng gay gắt thì xung đột sẽ càng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, nếu như một trong hai bên chịu nhún nhường, không tiếp tục tranh luận thì tự nhiên bên còn lại cũng sẽ dịu đi. 

Tương tự, trong cuộc sống đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những chuyện khó chịu và buồn phiền, khiến ta giận dữ, thậm chí không giữ nổi bình tĩnh. Trong những trường hợp ấy, nếu như ta không chịu bình tâm tìm hiểu nguyên nhân gây ra cơn nóng giận, mà vội vàng đổ lỗi cho người khác thì chẳng những sẽ không đạt được kết quả mong muốn, thậm chí còn gây rạn nứt mối quan hệ.

Khi làm việc trong một tập thể, ta nên học cách nhường nhịn lẫn nhau để mọi người đều được thoải mái, tránh dẫn đến nội bộ lục đục. Sống mà không biết nhẫn nhịn sẽ rất khó để hòa nhập với cộng đồng, những người luôn nghĩ cho bản thân mà không chịu nhường bước vì lợi ích chung rất dễ gây thù ghét, khiến cuộc sống không mấy vui vẻ và dễ chịu. 

Tục ngữ ‘Một điều nhịn chín câu lành’ có nghĩa là nên nhường nhịn và chịu thiệt một chút, để rồi nhận lại những điều tốt lành và kết quả tốt đẹp lâu dài về sau. Đây cũng chính là lời nhắc nhở chúng ta rằng, hãy nhịn lại một chút, đừng quá cố chấp, có vậy mới có thể đạt được thành công và lợi ích lớn hơn.

Xem thêm: Bỏ túi ngay tục ngữ ‘Đất có lề, quê có thói’, để không gặp rắc rối khi đi đến một vùng đất mới

2. Những lợi ích của việc nhẫn nhịn

Việc nhẫn nhịn trong câu tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’ không có nghĩa là chịu nhục, mà là nhịn, lùi một bước để nhận lấy thành quả mai sau. Điều này không có nghĩa là bạn phải đè nén, phải nuốt uất ức vào trong mà là dùng một cách hài hòa hơn để giữ lấy tình nghĩa, dùng yêu thương để hóa giải thù hận. Người học được cách nhẫn nhịn là người có trái tim rất ấm áp, biết trân trọng giá trị sống của chính mình và nhân sinh.

mot-cau-nhin-chin-cau-lanh-voh-3
Người biết nhẫn nhịn, trước hết sẽ có được cơ thể khỏe mạnh và tráng kiện hơn

Bên cạnh đó, việc nhẫn nhịn cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích tốt đẹp cho đời sống của chúng ta:

  • Người biết nhẫn nhịn, trước hết sẽ có được cơ thể khỏe mạnh và tráng kiện hơn. Bởi vì việc sống thoải mái, không tức giận sẽ giúp da dẻ dáng khỏe hồng hào, điều hòa tim mạch, khí huyết lưu thông. 
  • Biết nhẫn nhịn sẽ giúp tâm trạng vui vẻ hơn, ít bệnh tật và giúp ngăn ngừa việc lão hóa khi thường xuyên nhăn nhó vì tức giận.
  • Nhẫn nhịn cho thấy bạn là người rộng lượng, khéo léo, không thích đôi co hay cãi cọ. Điều này khiến bạn có thêm điểm cộng trong mắt mọi người và được yêu quý, tôn trọng.
  • Sống hiền lành, nhẫn nại và không cáu gắt, hiếu chiến sẽ tránh được việc gây họa cho bản thân và gia đình.
  • Người biết nhẫn nhịn sẽ dễ dàng có được lòng tin của người khác, được mọi người yêu thương và bảo vệ.
  • Nhẫn nhịn giúp ta tránh khỏi việc xô xát, hay tranh cãi không đáng có. Giúp tạo dựng mối quan hệ gần gũi và gắn kết hơn với đồng nghiệp, tạo dựng lòng tin và sự thấu hiểu trong công việc.

Sự nhường nhịn ở đây có nghĩa là lùi một bước để tiến hai bước. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết phải bảo vệ danh dự cũng như lợi ích cá nhân, chúng ta vẫn phải đứng lên và đấu tranh đến cùng. Hãy dùng chữ ‘nhẫn’ để bảo vệ bản thân chứ đừng để người khác lợi dụng mà bắt nạt mình bạn nhé.

Xem thêm: Cái răng cái tóc là gốc con người, câu tục ngữ đề cao tầm quan trọng của vẻ đẹp ngoại hình

3. Những câu nói hay về tính nhẫn nhịn

Đức tính nhẫn nhịn có thể giúp ta tránh khỏi rất nhiều rắc rối không đáng có. Dưới đây là tổng hợp những câu nói hay về tính nhẫn nhịn mà bạn nên biết.

  1. Lòng kiên nhẫn và thời gian làm được nhiều hơn là sức mạnh hay nhiệt huyết. – La Fontaine.
  2. Muốn phát tiết thật dễ dàng, muốn nhẫn nại lại rất khó khăn. – Trích tác phẩm: Sau khi ly hôn vẫn tiếp tục dây dưa - Hề Nhạc.
  3. Người có lòng kiên nhẫn có thể đạt được điều mình muốn. – Benjamin Franklin.
mot-cau-nhin-chin-cau-lanh-voh-4
  1. Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là họ sẽ đạt được thành công. – Elbert Hubbard.
  2. Nhẫn nhịn có thể làm nên thành công, chỉ cần bạn biết nhịn lại đúng lúc – Khuyết danh.
  3. Giới hạn cao nhất của lòng kiên nhẫn là: không nói, không cáu, không giận. – Khuyết danh.
  4. Không nhẫn nhịn có lúc sẽ gây ra tai vạ rất lớn, vẫn nên giữ cho mình một tâm thái bình tĩnh thì hơn. – Khuyết danh.
  5. Nhẫn không phải là nhục, đó là khả năng kiềm chế bản thân thoát khỏi sự nóng nảy, vội vàng. Đó là tố chất đáng quý mà không phải ai cũng làm được. – Khuyết danh.
  6. Nhẫn nại và khoan dung một chút sẽ chiếm được sự nể phục, tôn trọng từ đối phương, hơn hết có thể là tình cảm quý mến, đó chính là bản lĩnh tuyệt vời của con người. – Khuyết danh.

Xem thêm: Rèn lối sống tự lập từ câu tục ngữ ‘Nước lã mà vã nên hồ”

Từ xưa đến nay, những câu tục ngữ mang tính răn dạy vẫn luôn có sức ảnh hưởng và giáo dục vô cùng mạnh mẽ, giúp mỗi chúng ta trở nên hoàn thiện và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hi vọng thông qua bài biết này, chúng ta sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ ‘Một câu nhịn chín câu lành’. Hãy nhớ rằng chỉ lùi một bước thôi cũng có thể giúp bạn đạt được rất nhiều lợi ích về sau. 

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận