Chờ...

Tục ngữ ‘Muốn ăn thì lăn vào bếp’ nói lên điều gì?

(VOH) ‘Muốn ăn thì lăn vào bếp’ nói đến tinh thần hăng say trong lao động. Phải biết yêu lao động thì mới trở thành những con người có ích cho xã hội được.

Trong cuộc sống, sẽ không ai cho không ai một cái gì. Đã là con người thì phải tự thân vận động và chịu đựng mọi khó khăn để vượt qua các thử thách, từ đó thỏa mãn được mọi ước muốn về vật chất và tinh thần của mình.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, bên cạnh những con người luôn không ngừng cố gắng thì cũng tồn tại không ít người ham ăn biếng làm, chỉ trông chờ thành quả của người khác mang đến mà không muốn cho đi. Cũng chính vì thế mà trong tục ngữ Việt Nam đã có một câu rất hay “Muốn ăn thì lăn vào bếp” như là một bài học răn đe sâu sắc.

1. Giải thích câu nói “Muốn ăn thì lăn vào bếp”

Xét theo nghĩa đen, muốn ăn ở đây chỉ sự khao khát có thức ăn để bỏ bụng. Còn lăn vào bếp có nghĩa là trực tiếp vào bếp để trổ tài nấu nướng, tự tay làm ra những món ăn ngon. 

Câu nói “Muốn ăn thì lăn vào bếp” nói đến việc nếu muốn ăn thì phải tự vào bếp nấu nướng để có thành phẩm, hoặc chí ít phải chăm chỉ làm việc kiếm tiền thì mới mua thức ăn, hoặc mua được các gia vị, nguyên liệu nấu thành món ăn, chứ không dưng có người nấu sẵn rồi dâng lên cho mình. 

Bên cạnh đó, tục ngữ “Muốn ăn thì lăn vào bếp” cũng ám chỉ việc con người chúng ta nếu muốn ăn ngon mặc đẹp, tận hưởng được thành quả xứng đáng thì phải chấp nhận làm lụng vất vả, bỏ nhiều công sức. 

muon-an-thi-lan-vao-bep-voh-00
Nếu muốn ăn thì phải tự vào bếp nấu nướng để có thành phẩm.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng thành ngữ/tục ngữ Việt Nam thường có rất nhiều tầng nghĩa. Cũng như câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp” ý nghĩa sâu xa của nó chính là nêu cao tinh thần hăng say trong lao động, phải biết yêu lao động, nếu không có lao động thì chúng ta không thể trở thành những con người có ích cho xã hội được.

Ở đời, cái gì cũng có cái giá của nó, và chẳng có gì tự nhiên mà có được nếu không có sự cố gắng, có chăng thì chỉ có cha mẹ mới cho con cái hoàn toàn miễn phí mà thôi. Thế nhưng để có được cái ăn cái mặc cho con cái, thì cha mẹ, gia đình cũng đã phải vất vả lao động để nuôi con ăn học. Nếu khi còn bé, chúng ta luôn cần sự hỗ trợ của người lớn trong chuyện sinh hoạt, học hành. Thì khi lớn lên và bước ra dòng đời ngoài kia, chúng ta phải đứng lên đôi chân của mình và tự “chiến đấu” với mọi khó khăn, có như thế chúng ta mới thật sự cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện với chính mình.

Xem thêm: ‘Cha mẹ sinh con trời sinh tính’ đúng hay sai?

2. “Muốn ăn thì lăn vào bếp” nhắc nhở chúng ta điều gì? 

Thật rõ ràng và dễ hiểu, bởi câu tục ngữ “Muốn ăn thì lăn vào bếp” là bài học sâu sắc, khuyên răng con người hãy học cách phấn đấu khi muốn đạt được một điều gì đó trong cuộc đời này.

Từ xưa đến nay, sự lười biếng chưa bao giờ được tôn vinh và nó cũng không tạo ra cho đời một giá trị nào cả. Nó chỉ khiến con người ta mòn mỏi trong sự ảo tưởng và mơ mộng. Nếu cứ thụ động mãi, không cố gắng thì sẽ chẳng nhận được giá trị gì lớn lao. 

Ngược lại, chủ động, chăm chỉ làm việc thì ắt thu được kết quả như mong muốn. Trong cuộc sống, bạn phải cho đi trước rồi mới nhận lại được. Muốn tồn tại thì phải hiểu môi trường sống của mình, không hòa nhập thì sẽ sớm bị đào thải.

muon-an-thi-lan-vao-bep-voh-01

Chủ động làm việc thì mới nhận lại được kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, câu tục ngữ “Muốn ăn phải lăn vào bếp” còn nhắc nhở chúng ta rèn luyện tính tự lập. Đừng quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác vì đây chỉ là một phần nhỏ trên chính con đường mà chúng ta phải bước đi. Ai ai cũng bận rộn với cuộc đời của riêng mình và chẳng có ai rảnh rỗi để xuất hiện và giúp bạn mãi được. Chưa kể, nếu mãi trông chờ vào người khác, thế là dù có đạt được gì cũng sẽ nhận được mỉa mai và thương hại.

Vì thế, nếu muốn đạt bất cứ điều gì, hãy chủ động học hỏi và phấn đấu để có được nó. Có thể bạn sẽ gặp không ít trở ngại, khó khăn, nhưng hãy nhớ có vấp ngã mới tích lũy được bài học mà đi tiếp. Và thành quả cuối cùng bạn nhận được sẽ xứng đáng với công sức mình bỏ ra.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Nước chảy đá mòn’

3. “Muốn ăn thì lăn vào bếp” tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, tục ngữ “Muốn ăn thì lăn vào bếp” có thể được thay thế bằng những câu nói như:

  • You can't make an omelet without breaking eggs
  • If you want to achieve something, you have to work hard
  • You can't make bricks without straw
  • He that would eat the fruit must climb the tree

Ví dụ: This business idea can take us from zero to hundred in just a few years. But as you know, we can’t make an omelet without breaking a few eggs. 

Tạm dịch: Ý tưởng kinh doanh này có thể đưa chúng ta từ con số 0 lên 100 chỉ trong vài năm. Nhưng như bạn biết đấy, chúng ta sẽ chẳng thể nào đạt được nếu không nỗ lực, kiên trì đến cùng.

muon-an-thi-lan-vao-bep-voh-02

“You can't make an omelet without breaking eggs”.

4. Những câu nói tương tự như “Muốn ăn thì lăn vào bếp” 

Bên cạnh câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp”, từ xa xưa, cha ông ta cũng đã để lại nhiều câu thành ngữ, tục ngữ hay liên quan đến đức tính tự lập, cần cù, yêu lao động như:

  1. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ
  2. Có làm thì mới có ăn
    Không dưng ai dễ đem phần đến cho
  3. Lao động là vinh quang
  4. Hay làm thì giàu, hay cầu thì nghèo
  5. Có công mài sắt có ngày nên kim
  6. Lao động hăng say, vận may sẽ đến
  7. Thân tự lập thân
  8. Có thân thì lo
  9. Tự lực cánh sinh
  10.  Có thân phải khổ, có khổ mới nên thân.

Xem thêm: ‘Học thầy không tày học bạn’: Câu thành ngữ đề cao tinh thần học tập ở mọi lúc, mọi nơi

muon-an-thi-lan-vao-bep-voh-03

“Lao động là vinh quang”

Như vậy “Muốn ăn thì lăn vào bếp” là câu tục ngữ rất hay cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta hãy cần cù hăng say lao động để mang lại trái ngọt xứng đáng cho tương lai. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ “Muốn ăn thì lăn vào bếp”, cũng như tiếp thu được một bài học sâu sắc trong cuộc sống.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận