Chờ...

Phong tục tập quán là gì? Cách gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam

(VOH) – Đã bao giờ bạn trả lời câu hỏi ‘Phong tục tập quán là gì’ bằng tất cả niềm tự hào về những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam chưa?

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những nền văn hóa khác nhau. Và phong tục tập quán đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho từng nền văn hóa đó. 

Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về khái niệm “phong tục tập quán là gì?” cũng như những ví dụ cụ thể về phong tục tập quán ở nước Việt Nam ta.

1. Phong tục tập quán là gì?

Phong tục được hiểu là những thói quen từ hoạt động của con người được hình thành theo thời gian sinh hoạt và phát triển. Từ đó, phong tục đại diện cho các nếp sống được từng cộng đồng người thừa nhận và truyền lại cho con cháu đời sau.

Phong tục được chia thành nhiều loại, có thể kể đến như các phong tục liên quan tới vấn đề lao động của nhà nông từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch, hoặc liên quan tới chu kỳ thời tiết có các mùa xuân, hạ, thu và đông. Cũng có các phong tục về quá trình sống của con người từ lúc sinh ra, lớn lên, cưới xin, mừng thọ, hoặc ma chay,…

Tập quán là những nề nếp trong giao tiếp, ứng xử của cộng đồng được hình thành cũng như lặp đi lặp lại có trật tự đối với từng vùng miền, dân tộc. Sống ở mỗi nơi, chúng ta sẽ thấy rõ từng tập tục sống của mọi người dân để từ đó biết cách ứng xử cho phù hợp.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-0

Chúng ta luôn tự hào về phong tục tập quán của nước Việt Nam 

Vì vậy, khái niệm phong tục tập quán là hành vi, nếp sống, cách sinh hoạt được lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ. Phong tục tập quán được mọi người trong cộng đồng dân cư, vùng miền, dân tộc công nhận và làm theo.

Phong tục tập quán đã được hình thành theo thời gian của chiều dài lịch sử, trở thành một bộ phận của văn hóa, là chuẩn mực trong cách sống và sinh hoạt văn của một cộng đồng cụ thể.

Phong tục tập quán thường được nhắc đến cùng những chức năng của mình. Việt Nam ta có 54 dân tộc, đều là đồng bào, là anh em với nhau. Và mỗi dân tộc sẽ có những phong tục tập quán riêng. Nhờ sự đa dạng về phong tục ở từng nơi, từng dân tộc, đã góp phần hình thành nên nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Chức năng của phong tục tập quán là góp phần giáo dục cho các thế hệ về cách sống cũng như cách xây dựng hành vi ứng xử phù hợp giữa người với người trong từng cộng đồng dân cư. Nhờ những phong tục tập quán mà các thành viên trong tập thể được gắn kết với nhau, cùng sinh hoạt, lao động trong không gian đầy mến thương, sẻ chia.

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay

2. Khái niệm phong tục tập quán được thể hiện cụ thể qua một số ví dụ

Bạn bè quốc tế biết đến nước Việt Nam ta qua những nét đặc sắc trong phong tục tập quán được lưu truyền từ bao đời. Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa hợp với nhau nên các phong tục tập quán vì thế mà luôn đa dạng, phong phú. Hãy cùng hiểu thêm về khái niệm phong tục tập quán được thể hiện qua một số ví dụ dưới đây bạn nhé!

2.1 Cúng ông Công, ông Táo

Theo phong tục truyền thống của người Việt thì ngày 23 tháng Chạp là ngày mà mọi người sẽ tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Với nghi lễ này, người ta sẽ dọn dẹp nhà bếp thật tươm tất, sạch sẽ, và bày mâm cúng ông Công, ông Táo cùng với mũ áo bằng giấy. Sau khi làm lễ tế ông Công, ông Táo, mọi người thường sẽ mang cá chép đi phóng sanh.

Việc cúng ông Công ông Táo vào ngày Tết là đại diện cho mong muốn sự ấm êm, đủ đầy, hạnh phúc của mọi gia đình. Tất cả đều cầu mong sẽ bước sang một năm mới luôn hòa thuận, yên vui. 

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-1

Phong tục cúng ông Công ông Táo ngày Tết 

2.2 Tết Nguyên đán

Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Để đón một năm mới thật vui vẻ, an nhiên, ấm áp, người ta đã chuẩn bị rất chu đáo cho ngày Tết Nguyên Đán này. 

Đây là khoảng thời gian mà đại gia đình gặp mặt, tụ họp bên nhau. Là lúc để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, đi thăm ông bà, chăm sóc cho cha mẹ, trò chuyện, gắn kết với anh chị em. Một năm vất vả đã qua, ai ai cũng mong muốn một năm mới thật nhiều sức khỏe và niềm vui.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-2

Hình ảnh đặc trưng của ngày Tết Nguyên Đán 

2.3 Lì xì đầu năm

Ngày Tết là ngày mà cả đại gia đình được dịp sum họp, vui vầy bên nhau. Vậy nên một nét văn hóa đã có từ xa xưa chính là phong tục chúc Tết và nhận lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi.

Con cháu sẽ đến chúc ông bà, chúc người lớn tuổi một năm mới dồi dào sức khỏe, bình an. Còn người lớn thì chuẩn bị trước những phong bì lì xì với ý nghĩa hi vọng con cháu sẽ có một năm mới đạt được thành công trong công việc, học tập. Bao bì xì tượng trưng cho tài lộc, sự may mắn đầu năm mới.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-3

Hình ảnh phong bao lì xì ngày Tết 

2.4 Xin chữ đầu năm

Vào ngày Tết, hình ảnh ông Đồ già bày mực tàu giấy đỏ bên phố đã in sâu vào tâm trí của chúng ta. Những nét chữ của thầy Đồ là đại diện cho sự may mắn, cũng như mang nhiều ý nghĩa sâu sắc cùng nhiều bài học giáo dục. Mỗi người đến xin chữ đều có mong muốn năm mới nhận được tài lộc, vạn sự tốt lành, đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống.

Xin chữ đầu năm là một phong tục đã có từ lâu đời, vì vậy nét đẹp văn hóa này cần được giữ gìn, trân trọng.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-4

Hình ảnh ông Đồ cho chữ

2.5 Tết Trung Thu

Tết Trung Thu hay còn được gọi là Tết đoàn viên, đây là thời điểm gia đình sum họp bên nhau dưới ánh sáng của trăng tròn. Tết Trung Thu cũng là ngày mà các em thiếu nhi được phát quà bánh, cùng nhau phá cỗ, rước đèn, xem múa lân. 

Trong đêm Trung Thu, ai cũng háo hức, vui vẻ, cùng ăn bánh uống trà và trò chuyện với nhau. 

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-5

Hình ảnh đêm Trung Thu

2.6 Tục ăn trầu

Theo phong tục ở Việt Nam ta thì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tục ăn trầu đã xuất hiện từ thời Hùng Vương, gắn với câu chuyện cổ tích mang tên “Sự tích trầu cau”. Món trầu từ những ngày xưa đã thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc của người Việt Nam ta. 

Miếng trầu gồm các nguyên liệu chính gồm các vị cay, ngọt, đắng, nồng đó là: cau, lá trầu không, rễ, và vôi. Đến ngày nay, có thể tục ăn trầu đã dần mai một. Chúng ta khó có thể tìm thầy những người còn ăn trầu, mà chủ yếu chỉ còn lại các cụ già. 

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-6

"Miếng trầu là đầu câu chuyện" 

2.7 Cưới hỏi

Từ ngày xưa, hôn nhân là việc đặc biệt hệ trọng không chỉ đối với đôi lứa mà còn đối với cả gia đình, họ hàng. Vì vậy, chúng ta sẽ cảm thấy trân trọng, tự hào khi tìm hiểu thêm về các nghi thức, phong tục cưới hỏi ở Việt Nam ta.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-7

Hình ảnh cô dâu chú rể ngày cưới

Một trong những bước đầu tiên của việc cưới hỏi là lễ dạm ngõ. Đây là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình, khi đó, nhà trai đến nhà gái để trò chuyện và hiểu nhau hơn. Lễ vật đi kèm thường là trầu cau, hoặc chè, thuốc, kẹo.

Tiếp đến là lễ ăn hỏi, khi đó cô gái chính thức trở thành cô dâu của chàng trai vào ngày tổ chức làm lễ. Ở lễ hỏi, lễ vật là trầu cau, bánh cốm, bánh phu thê, rượu, lợn quay,… Thường thì số mâm quả trong lễ ăn hỏi là số chẵn tượng trưng cho sự gắn kết, có đôi có cặp, gia đình bên nhau hạnh phúc. 

Lễ cưới là nghi lễ chính thức của phong tục cưới hỏi và mang ý nghĩa rất thiêng liêng đối với cả hai bên gia đình. Lễ cưới gồm các nghi thức: lễ xin dâu, lễ rước dâu và lễ lại mặt. Lễ cưới hay còn gọi là lễ thành hôn, chỉ được tổ chức khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Xem thêm: Công dung ngôn hạnh – Tìm hiểu về 'tứ đức' của phụ nữ xưa và nay

3. Phong tục tập quán và cách giữ gìn những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam

Chúng ta là thế hệ con cháu rất may mắn được kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc. Bởi vậy, ta cần trau dồi cho mình vốn kiến thức về phong tục tập quán và cách giữ gìn những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

phong-tuc-tap-quan-la-gi-voh-8

Lá cờ Việt Nam tung bay phấp phới 

Non nước Việt Nam vừa trù phú, vừa xinh đẹp, đã hấp dẫn biết bao du khách từ phương xa đến. Họ đến đây để du lịch, học hỏi, cũng như chiêm ngưỡng các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt. 

Nhờ sự kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử mà những phong tục tập quán của nước Việt Nam ta được hình thành và giữ gìn đến ngày hôm nay. Tuy nhiên việc bảo tồn các giá trị truyền thống đó cần được đặt lên hàng đầu để không những thế hệ chúng ta mà những thế hệ mai sau vẫn còn cơ hội kế thừa, tự hào về cội nguồn của dân tộc mình.

Ngoài những phong tục tập quán vừa được giới thiệu thì còn rất nhiều phong tục đặc trưng khác của 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Chính nhờ sự đa dạng trong sinh hoạt, độc đáo trong tổ chức lễ hội của từng cộng đồng dân tộc anh em mà hình thành nên sức hút đặc biệt của bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn, lưu truyền, phát huy những di sản quý giá này, thế hệ của chúng ta cần học hỏi, tìm hiểu nhiều hơn về phong tục tập quán của người Việt. Từ đó, chúng ta biết tự hào hơn về đất nước mình, cũng như có ý thức giữ gìn những nét đẹp của dân tộc Việt Nam. 

Thật tuyệt vời biết bao khi được đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau của Việt Nam, chúng ta lại có dịp trải nghiệm thêm về những nét đặc trưng ở từng nơi ấy. Để trả lời cho câu hỏi “Phong tục tập quán là gì?”, nhiệm vụ của chúng ta chính là không ngừng học hỏi, trau dồi vốn kiến thức lịch sử cho mình. Hãy luôn tự hào về nền văn hóa của dân tộc Việt Nam bạn nhé!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận