Tết Đoan Ngọ ăn gì để “giết sâu bọ”?

VOH - Vào mùng 5/5 Âm lịch, người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống cho ngày “giết sâu bọ”. Vậy Tết Đoan Ngọ ăn gì?

Trong tín ngưỡng của người Việt, Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và ảnh hưởng đến nét sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta suốt bao đời. Ngày lễ này còn được gọi là Tết Đoan Dương hay ngày “giết sâu bọ”, được tổ chức vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. 

Hiểu đơn giản, Tết Đoan Ngọ là ngày mà người dân phát động tiêu diệt nạn sâu bọ, bệnh dịch sinh sôi trong thời tiết giao mùa. Đồng thời cầu mong cho gia đình yên ấm, công việc thuận lợi, hạnh thông. Với ý nghĩa trên, món ăn trong ngày này cũng ngụ ý bài trừ những điều xấu xa, bệnh tật trong cơ thể. Vậy Tết Đoan Ngọ ăn gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những món ăn truyền thống không thể thiếu vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch qua bài viết sau!

1. Tết Đoan Ngọ ăn gì?

Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Đây là thời điểm sau khi thu hoạch và thời tiết bắt đầu chuyển mùa. Do đó, côn trùng, sâu bọ bắt đầu hoành hành cắn phá, gây hại đến mùa màng. 

Tết Đoan Ngọ ăn gì 8

Những món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ

Theo phong tục cổ xưa, người dân làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ để cảm tạ đất trời, tổ tiên cũng như cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời diệt trừ sâu bọ phá hoại cây trồng. Theo thời gian, ý nghĩa của ngày này có đôi phần khác biệt, đó là cầu mong gia đạo bình an, công việc thuận lợi, vạn sự như ý nguyện. 

Theo quan niệm xưa của ông bà ta, trong cơ thể con người, bộ phận tiêu hóa là nơi có nhiều sâu bọ, mầm bệnh nhất. Khi vào thời điểm giao mùa, tức mùng 5 tháng 5 Âm lịch trở đi, chúng sinh trưởng rất mạnh, gây hại đến sức khỏe con người nên cần phải diệt trừ chúng bằng các món ăn có đủ vị. Từ đó, mà các món ăn sau trở thành những món ăn truyền thống trong ngày "Tết nửa năm".

1.1 Bánh gio (bánh tro, bánh ú tro)

Bánh tro còn được gọi là bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng là bánh ăn Tết Đoan Ngọ phổ biến nhất hiện nay. Loại bánh này được làm từ thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro đốt từ các loại cây khô hay rơm, gói trong lá và luộc chín trong nồi. Nhân bánh thường là đậu xanh hoặc không nhân.

Bánh tro có tác dụng giải nhiệt, thanh đạm và dễ tiêu hóa nên rất thích hợp để ăn vào những ngày nóng nực của tháng 5 Âm lịch. Bánh mềm dẻo, có vị nhạt, tính mát và thường được ăn với mật mía.

Hình dạng của bánh tro khác nhau ở các địa phương, có nơi gói bánh thuôn dài, có nơi gói thành hình chóp tam giác. 

a 2
Bánh tro có màu vàng óng trong như hổ phách, có vị nhạt chấm ăn kèm với mật mía

1.2 Hoa quả đầu mùa

Vì Tết Đoan Ngọ được tổ chức sau khi vụ mùa kết thúc nên trong mâm cúng mùng 5 tháng 5 Âm lịch không thể thiếu các loại trái cây. Theo quan niệm dân gian, các loại quả có vị chua, chát như vải, xoài, mận, dứa, cóc... có khả năng "tiêu diệt sâu bệnh" bên trong cơ thể. Đồng thời, chuẩn bị mâm cỗ vào sáng sớm với các loại trái cây này còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.

Mâm quả Tết Đoan Ngọ phổ biến thường là các loại trái cây đang mùa thu hoạch như vải thiều, mận ở miền Bắc hay chôm chôm ở miền Nam. Ngoài ra còn có quất hồng bì, đào, chuối, dưa hấu...

Tết Đoan Ngọ ăn gì 9

Những loại trái cây thường có trong ngày Tết Đoan Ngọ

1.3 Xôi, chè các loại

Tùy thuộc vào văn hóa, truyền thống của từng vùng miền mà các loại chè và xôi sẽ khác nhau. Thông thường, người miền Bắc sẽ chọn ăn chè đậu xanh, chè mật gạo nếp, người miền Trung ăn chè kê, chè hạt sen, trong khi đó, người người Nam chọn ăn chè trôi nước. 

a 4
Món chè kê thường được nấu cúng ông bà trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, nhất là người dân xứ Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng

Xem thêm:
Tổng hợp tất cả các ngày lễ trong năm
Tại sao gọi Tết Đoan Ngọ - mồng 5 tháng 5 Âm lịch là ngày 'giết sâu bọ' ?
"Tất tần tật" về Tết Đoan Ngọ - Mùng 5 tháng 5

2. Món ăn đặc trưng vùng miền của người Việt vào lễ mùng 5/5

Theo phong tục truyền thống của người Việt, Tết Đoan Ngọ là dịp để cả gia đình cùng nhau quây quần, ăn những món ăn truyền thống với ý nghĩa diệt “sâu bọ”, trừ bệnh tật trong người. Từng địa phương, từng vùng miền lại có những món ăn đặc sản không thể thiếu.

2.1 Miền Bắc

Cơm rượu nếp là một trong các món ăn Tết Đoan Ngọ không thể thiếu đối với người dân miền Bắc, đặc biệt là cơm rượu nếp cẩm và cơm rượu nếp cái hoa vàng. Thành phần chủ yếu của món này là xôi còn nguyên hạt lên men.

Người xưa cho rằng, vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch, các loại “sâu bọ” trong đường ruột sẽ ngoi lên. Ăn những thức ăn, hoa quả có vị chua, chát, đặc biệt là rượu nếp sẽ giúp tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Theo truyền thống, món này sẽ được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm.

Tết Đoan Ngọ ăn gì 7

Cơm rượu nếp

2.2 Miền Trung

Đối với người dân miền Trung, thịt vịt là món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian, vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch, dương khí mạnh, tiết trời bắt đầu những chuỗi ngày nắng nóng, trong khi đó, thịt vịt có tính hàn, giúp giải nhiệt cơ thể. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm vịt béo, thơm ngon và không có mùi hôi. 

a 6
Thịt vịt - món ăn truyền thống trong mùng 5/5 Âm lịch ở các tỉnh miền Trung

Cơm rượu nếp miền Trung có dạng miếng nhỏ vuông vức, được làm từ nếp ngỗng cũ bằng phương pháp lên men cổ truyền. Món cơm rượu này thường ăn kèm xôi vò.

a 7
Cơm rượu miền Trung

2.3 Miền Nam

Nếu người miền Bắc có tục lệ ăn chè trôi nước vào Tết Hàn Thực (3/3 Âm lịch) thì đây là một trong các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ thường xuất hiện trên mâm cúng của người miền Nam. Bánh trôi nước được làm từ bột nếp với nhân đậu xanh và ăn kèm với nước cốt dừa.

Tết Đoan Ngọ ăn gì 5

Chè trôi nước

Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu này thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon, nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

a 9
Cơm rượu nếp miền Nam hình viên tròn

Ngoài ra, ở các tỉnh miền Tây, bánh xèo là món bánh không thể thiếu trong mùng 5/5 Âm lịch. Vào ngày này, nhiều gia đình thường dậy sớm, chuẩn bị nguyên liệu, đổ bánh xèo, làm mâm cỗ cúng ông bà cho ngày gia đình sum họp.

Sở dĩ người dân miền Tây ăn bánh xèo vào dịp này vì đây là món ăn hội tụ, phải nhiều người làm và nhiều người ăn, mang lại tinh thần gắn kết. Bánh xèo vừa ngon, vừa no lại lạ miệng nên là món ăn thay cơm trong cả một năm. Thêm vào đó, mùng 5/5 Âm lịch, thời tiết bắt đầu có mưa kèm sấm chớp. Lúc này, cây cỏ tốt tươi, rau dại mọc rất nhiều như đọt xoài non, lá cát lồi, lá cách, đinh lăng, đọt bằng lăng... rất thích hợp để ăn bánh xèo.

a 10
Bánh xèo miền Tây

Xem thêm:
Tết Đoan Ngọ cúng gì, cúng vào giờ nào?
18 bài thơ chúc Tết Đoan Ngọ hay nhất
60 lời chúc Tết Đoan Ngọ 2023 ấm áp, ý nghĩa

3. Các nước phương Đông ăn gì cho may mắn vào Tết Đoan Ngọ?

Cùng chung nền văn hóa phương Đông, một số quốc gia sau cũng tổ chức Tết Đoan Ngọ với nghi lễ, ý nghĩa và nhiều món ăn khác nhau. 

3.1 Tết Đoan Ngọ người Trung Quốc ăn gì?

Đối với người Trung Quốc, trong mâm cơm Tết Đoan Ngọ không thể thiếu bánh nếp và rượu hùng hoàng. Tùy vào từng vùng miền mà bánh nếp sẽ có nhân thịt, đỗ xanh, long nhãn, trứng mặn hay bột dẻ, sau đó gói trong lá tre. Còn rượu hùng hoàng được làm bằng cách lên men lúa mạch kết hợp với một khoáng vật màu vàng có tên là hùng hoàng. Bên cạnh đó, bánh Bá Trạng là món bánh không thể thiếu vào mùng 5/5  m lịch của nước này. Theo văn hóa Trung Hoa cổ đại, cả hai món này đều có tác dụng diệt trừ “sâu bọ”, vi khuẩn kí sinh trong đường ruột. Tuy nhiên hiện nay, hành động ăn các loại bánh này trong tết Đoan Ngọ chỉ mang tính giữ gìn văn hóa là chủ yếu.

Tết Đoan Ngọ ăn gì 4

Bánh Bá Trạng là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc

3.2 Ngày Tết Đoan Ngọ Hàn Quốc ăn gì?

“Dano” là tên gọi Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc. Đây là một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của “Xứ sở Kim Chi”. Vào ngày này, người dân thường sử dụng bột gạo, các loại hạt, lá cây để làm nên 2 loại bánh truyền thống là bánh Suritteok và Yaktteok. 

Tết Đoan Ngọ ăn gì 3

Bánh Suritteok là một trong hai loại bánh truyền thống của Hàn Quốc vào dịp Tết Đoan Ngọ

3.3 Tết Đoan Ngọ Nhật Bản ăn gì?

Ở Nhật Bản, Tết Đoan Ngọ là ngày lễ dành cho bé trai. Trong ngày này, các bậc phụ huynh sẽ làm bánh dày Mochi hay Chimaki cho các con. Bánh Mochi có nhân đậu đỏ bọc trong lá sồi, trong khi bánh Chimaki làm bằng gạo nếp bọc trong lá tre. Trong văn hóa của người Nhật, cây sồi và cây trẻ là 2 loại cây tượng trưng cho sự thành công trong cuộc sống. Do đó, 2 loại bánh này ngụ ý cầu chúc các con ngày càng khỏe mạnh, thông minh và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai

Tết Đoan Ngọ ăn gì 2

Bánh Kashiwa Mochi là loại bánh truyền thống của người Nhật

Tết Đoan Ngọ ăn gì còn tùy thuộc vào văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền. Tuy nhiên, ý niệm chung của tất cả mọi người vào ngày này chính là được quây quần cùng nhau để cầu chúc cho gia đình an vui, vạn sự hanh thông. 

Ảnh: Internet

Bình luận