Header-01
Đăng nhập

Bình luận: Nông dân lại than trời!

(VOH) - Cách nay chưa lâu, người nuôi cá tra cá ba sa ở ĐBSCL mất ăn mất ngủ khi mà đàn cá đến hồi thu hoạch lại không bán được. Còn bây giờ là tiếng than trời của bà con nông dân nuôi bò sữa ở TPHCM.

Bình luận: Nông dân lại than trời!

(VOH) - Cách nay chưa lâu, người nuôi cá tra cá ba sa ở ĐBSCL mất ăn mất ngủ khi mà đàn cá đến hồi thu hoạch lại không bán được. Nguyên nhân là giá thức ăn cao, giá thành thu mua lại quá thấp. Các doanh nghiệp từng làm ăn nhiều năm với bà con nay quay lưng, thậm chí là kìm giá, ép giá. Tương tự như thế, cũng ở vựa lúa miền tây, mới đây lại có chuyện cười ra nước mắt: trong khi lúa đầy bồ, cả vùng Đồng Bằng Nam bộ còn tồn cả nửa triệu tấn lúa thương phẩm không xuất đi được cũng lại do giá quá bèo, do bị đối tác làm giá thấp. Ách tắc chỉ được khơi thông khi mà Chính phủ chỉ đạo ngay ngành ngân hàng cùng hỗ trợ các Doanh nghiệp phải thu mua với giá đảm bảo để bà con có lời, hòng kịp thời tái phát triển sản xuất.

Còn bây giờ là tiếng than trời của bà con nông dân nuôi bò sữa ở TPHCM. Nguyên do là giá thu mua sữa nguyên liệu mấy tháng nay bỗng dưng tụt xuống mức không thể tin được : từ giá 7400đ/kg, Vinamilk đã mua của bà con ở Củ Chi, Hóc môn chỉ với 5.500, 5700đ/kg hoặc cao hơn một chút. Thậm chí có những trường hợp chỉ được 2500đ/kg sữa tươi. Lý do Công ty này đưa ra là chất lượng sữa nguyên liệu không đảm bảo. Độ béo độ khô không đồng nhất. Tuy nhiên theo phản ánh của bà con thì Vinamilk đã thu mua sữa theo một phương cách đáng ngờ. Họ bảo sao thì hay vậy…lâu nay chăm sóc con bò sữa là thế, chứ có biết chỉ số hay độ béo độ khô gì đâu. Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng nông dân cũng là người phải gánh chịu thiệt thòi. Nhìn ánh mắt buồn bã và thất vọng của bà con bên chuồng trại của mình, mới thấy rõ ràng là người nuôi bò đang ở vào thế khó xử, bởi thực trạng “vắt sữa bò ra nước mắt này” !

Cái khó là ở chỗ, nếu cứ duy trì mức giá thu mua như vầy, sớm muộn gì người nuôi bò sữa cũng đành phải giải tán đàn bò, bởi lỗ lã là điều cầm chắc. Còn nếu ráng duy trì thì lấy vốn đâu để mà chăn nuôi? Cùng đường, có nông dân còn tính đến chuyện bán đàn bò đặng gởi tiền ngân hàng cho chắc ăn. Cứ cái đà này, việc đàn bò sữa của TP sẽ giảm xuống trong nay mai là điều khó tránh khỏi và tương lai của chương trình chăn nuôi bò sữa của TP HCM là hết sức mong manh. Hơn thế nữa, đời sống của bà con nông dân sẽ ra sao một khi phá sản?

Trở lại với vấn đề chất lượng sữa, điều kiện thu mua và thực trạng của người nuôi bò sữa hiện nay thì cần phải nhìn nhận cho rõ ràng và khách quan là, trong quá trình hợp tác với người chăn nuôi, phía thu mua sữa tươi- Công ty Vinamilk và những đơn vị khác, cần sâu sát hơn với bà con.Cụ thể là vịệc thường xuyên tư vấn về kỹ thuật chăm sóc con bò, để làm sao đảm bảo chất lượng sữa. Nên để bà con thấy rằng vì sao lượng sữa lại không đồng đều và cách khắc phục như thế nào? Chẳng hạn như con giống, loại cỏ hoặc cám nuôi bò phải đáp ứng yêu cầu ra sao? Công bằng mà nói, đã có lúc Vinamilk từng có thiện chí là nếu từ một con bò cho ra chất lượng sữa giống nhau trong nhiều lần, thì nên thay bò khác và Vinamilk sẽ hỗ trợ 50%. Bên cạnh đó việc thu mua cũng cần phải minh bạch hơn. Còn biện pháp trừ và thưởng- như cách mà họ đang làm hiện nay, chẳng những không khuyến khích chăn nuôi phát triển mà vô hình chung sẽ đẩy bà con tới đường cùng!

Trước tình thế này, mới đây, Sở NN-PTNT TP đã nỗ lực bàn bạc và tìm cách tháo gỡ khó khăn cùng với Vinamilk. Hai bên dự kiến sẽ hợp tác để sản xuất thức ăn hỗn hợp, trồng cỏ bán cho nông dân và năm 2009 sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông cho người nuôi bò sữa.

Cuối cùng, để góp phần giải quyết căn cơ thực trạng này trên phạm vi cả nước, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu và tích cực hơn trong vai trò điều hoà, bởi hiện nay Bộ NN-PTNT phụ trách việc nuôi bò sữa, Bộ Công Thương chế biến và nhập sữa bột. Gía thu mua sữa nguyên liệu thì thấp nhưng sữa thành phẩm ra thị trường lại liên tục lên giá. Bộ NN-PTNT sẽ không thể làm gì được, khi mà các công ty như Vinamilk và các đơn vị khác tự định giá mua sữa tươi như vậy. Ép giá sữa nguyên liệu của nông dân và bán giá sữa thành phẩm cao cho người tiêu dùng, các công ty sữa trong nước đã tạo thế độc quyền để thu lợi nhuận.Ngoài việc Nhà nước có biện pháp tính toán lại để giúp nông dân thuận lợi hơn trong việc bán sữa, hỗ trợ cho vay ưu đãi hoặc trợ giá sữa, nên chăng khuyến khích tư nhân tham gia thu mua và chế biến sữa tươi giúp hạn chế độc quyền. Bên cạnh đó chương trình chăn nuôi bò sữa của chúng ta dường như thiếu hẳn việc phát triển đồng cỏ. Cỏ thiếu đã đẩy giá thức ăn cho bò lên cao. Nếu đủ cỏ cho bò ăn giá thành chăn nuôi sẽ giảm từ ¾ như hiện nay xuống chỉ còn ¼, bởi chi phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành sữa nguyên liệu. Quan tâm đến đời sống của người nông dân, tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn đang là chủ trương lớn của nhà nước ta theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7. Làm sao để người nông dân thoát khỏi đói nghèo và ngày một sung túc? Đó chính là câu hỏi lớn mà chúng ta cùng phải tìm câu trả lời.

Việt Anh

Bình luận