Bước đầu kiềm chế được lạm phát
(VOH) - Là năm thứ 2 trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, chúng ta tiếp tục hội nhập sâu và toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá. Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định đây là cơ hội và cũng và thách thức. Quả vậy, khi kinh tế, chính trị Thế giới có biến động thì đã tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta. Đã có nhận định năm 2008 này là năm khó khăn nhất trong quá trình 20 năm đổi mới. Bước vào đầu năm, tốc độ tăng giá phi mã như con ngựa bất kham đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và khốn đốn trong đời sống dân cư, như là sự thử thách điều hành và Chính phủ đã cấp bách đề ra 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội. Và bắt đầu từ tháng 7 đến nay, con ngựa bất kham lạm phát đã được chế ngự. Chỉ số giá tiêu dùng là 21,6%. Riêng trong tháng 7 là 2,09%. Đến tháng 8 dù điều chỉnh giá xăng dầu tăng 30% nhưng chỉ số giá cũng chỉ là 1,56. Dù khó khăn đầu vào do giá cả tăng nhưng sản xuất công nghiệp vẫn tăng 16,8%. Xuất khẩu tăng 34%, nhập siêu hai tháng trở lại đây đã giảm mỗi tháng chỉ còn dưới 1 tỉ đô la. Đầu tư nước ngoài đạt 47 tỉ đô la, trong đó đã giải ngân 7 tỉ đô la. Nói một cách khác, càng về những tháng gần đây so với đầu năm thì tình hình kinh tế ngày càng sáng sủa và bớt căng thẳng hơn.
![]() |
Giá lương thực giảm 1,1% đã tác động mạnh đến chỉ số CPI tháng 8-2008. Trong ảnh: gạo bán ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: TTO |
Đạt được kết quả bước đầu này phải nói đó là do có chủ trương và biện pháp đúng của Chính phủ, nên đã tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội. Từ các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đến từng người dân đều chung lưng đấu cật, cùng nhau kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện việc thắt chặt chi tiêu, tiền tệ, ngân hàng điều chỉnh lãi suất cơ bản, thu hút tiền trong lưu thông và tăng dự trữ bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ cho vay. Bằng các biện pháp sốc này, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 5,7% và dư nợ cho vay tăng 16,7%, thay vì cùng kì tăng từ 10-50%. Thông qua sự kiểm tra, kiểm soát đầu tư để có sự đánh giá và lựa chọn các dự án hiệu quả và có thể đưa vào khai thác năm 2008, Bộ Kế hoạch đầu tư và các Tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các địa phương đã giảm và giãn các công trình dự án với số vốn trên ngàn tỷ đồng. Bộ Tài chính và các địa phương đã chủ động giảm 10% chi phí thường xuyên đã góp phần giảm chi tiêu chung của cả nước.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, người dân đã cùng chia sẻ với nhà nước bằng các việc làm cụ thể. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, Nhà nước điều chỉnh thì người dân cũng vui vẻ chấp nhận và tự thân tiết kiệm, giảm chi tiêu. Các doanh nghiệp như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Sài Gòn Co.op và nhiều doanh nghiệp khác đã giảm lợi nhuận để cố gắng bảo đảm giá thấp hơn thị trường từ 5-15%. Nhà nước đã trích trên 220 tỉ động từ ngân sách và 800 tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương gặp nhiều khó khăn. Ở TP Hồ Chí Minh còn hỗ trợ các hộ nghèo từ 200.000 đến 300.000 đồng/người trong ba tháng để bà con giảm phần khó khăn. Ở ĐBSCL khi mà lượng cá tra, cá ba sa tồn đọng hàng trăm ngàn tấn bán không được do giá thu mua thấp, lượng gạo xuất khẩu cũng còn cả nửa triệu tấn, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng cho doanh nghiệp và nông dân vay để kịp thời cứu vãn tình hình, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Sự thống nhất và đồng thuận cao trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội còn phải nói đến sự thông tin kịp thời của hệ thống thông tin đại chúng cho toàn xã hội về các giải pháp của Chính phủ, các điển hình trong thực tế và định hướng dư luận. Chính sự nhạy bén, kịp thời có tính định hướng đúng mà các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần kêu gọi toàn dân và cả xã hội cùng bắt tay chia sẻ khó khăn chung để vượt qua thử thách, phấn đấu vì mục tiêu chung có lợi cho cả nước và cho mỗi chúng ta. Sự nỗ lực của toàn xã hội đã đóng góp lớn và có tính quyết định trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, nhưng cũng phải thừa nhận là vừa qua giá cả thị trường thế giới các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, lương thực, sắt thép đang có xu hướng giảm, cũng góp phần phần rất lớn trong điều hành của Chính phủ về giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Do vậy, từ sự đồng thuận của toàn xã hội và quyết tâm của các cấp, các ngành cùng người dân, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những tháng còn lại của năm 2008 vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, 8 nhóm giải pháp của Chính phủ cần liếp tục thực hiện một cách triệt để, cố gắng phấn đấu tăng trưởng GDP 7% và giữ chỉ số lạm phát khoảng 25%.
Nguyễn Khánh