Header-01
Đăng nhập

Cần xử lý nghiêm gian lận xăng dầu

(VOH) - Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và giao thông đi lại .Bởi vậy, đây là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện cả về công cụ đo kiểm, an toàn cháy nổ và bảo đảm chất lượng theo qui định.

Cần xử lý nghiêm gian lận xăng dầu

 

(VOH) - Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và giao thông đi lại .Bởi vậy, đây là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện cả về công cụ đo kiểm, an toàn cháy nổ và bảo đảm chất lượng theo qui định.

 

img thumbXem toàn màn hình

Ảnh minh họa

Các điểm kinh doanh xăng dầu đều phải có cột đo nhiên liệu đang hoạt động tại các cây xăng. Trong đó, 50% là nhập khẩu, còn lại do trong nước sản xuất. Dù nhập khẩu hay trong nước sản xuất các cột đo nhiên liệu đều phải qua kiểm định chất lượng của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhà nước. Các cột đo nhiên liệu này đều được kiểm tra định kỳ hàng năm.

 

Nhưng mới đây, thanh tra Bộ khoa học và công nghệ khi tiến hành thanh tra 2310 cơ sở kinh doanh xăng dầu thì đã phát hiện 384 cơ sở vi phạm về đo lường. Mà ở mỗi cơ sở như vậy, đều có 3-5 cột đo nhiên liệu thường xuyên hoạt động. Đánh giá sơ bộ có thể cho thấy có 1001 cách móc túi người tiêu dùng của các điểm kinh doanh xăng dầu. 30% số mẫu kiểm nghiệm lấy từ các cây xăng có vi phạm về chất lượng và khối lượng. Đối với hành vi gian lận về chất lượng, các chủ cây xăng chỉ cần pha lẫn tạp chất hoặc chủng loại như trộn xăng A90 với A92 để bán xăng A92, trộn xăng A92 với A95 để bán xăng A95, để kiếm chênh lệch. Cách làm này người tiêu dùng bằng mắt thường rất khó phát hiện. Đối với hành vi gian lận về khối lượng thì chủ cây xăng có nhiều thủ đoạn từ thô sơ đến áp dụng công nghệ hiện đại. Các chủ cây xăng có thể gian lận bằng cách rất đơn giản, thay hoặc bỏ bớt các bánh răng lắp trong thiết bị bơm xăng để tự điều chỉnh lượng xăng theo ý muốn của chủ cây xăng. Các chủ cây xăng còn lắp thêm các mạch tăng xung đột vào cột đo nhiên liệu điện tử để gây ra các sai số từ 5-10% tùy theo ý muốn và độ tham của chủ cây xăng. Một hình thức gian lận tinh vi hơn là chỉnh thông số của nhà sản xuất trên bàn phím. Nhân viên bán xăng khi gian lận chỉ cần bấm một dãy số bí mật để chuyển sang chế độ gian lận đã định sẵn. Biện pháp này rất nhiều cây xăng áp dụng vì khi bị thanh tra đột xuất, nhân viên bán hàng chỉ cần ấn một nút bất kỳ là máy trở về hiện trạng ban đầu. Hành vi này có thể thực hiện mà không làm ảnh hưởng đến phần tem nhãn, niêm phong, kẹp chì trên bề mặt của cây xăng như cách thay chíp.

 

Nếu cây xăng gian lận chỉ 5% cả về khối lượng và chất lượng thì cứ mỗi điểm kinh doanh xăng dầu có từ 3-5 cột đo nhiên liệu, mỗi ngày cũng móc túi người tiêu dùng không dưới 10 triệu đồng. Nếu nhân lên 30 ngày trong tháng thì con số này thật quá lớn và nhân với hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh xăng dầu thì người tiêu dùng bị móc túi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Rõ ràng các hành vi gian lận này là sự ăn cắp trắng trợn, là sự móc túi người tiêu dùng bằng các thủ đoạn từ thô sơ đến tinh vi và là hành vi cố ý trục lợi cho mình. Hiện nay, mức xử phạt chỉ tối đa 20 triệu đồng nên con bệnh đã lờn thuốc. Mức xử phạt cần phải cao hơn và kể cả rút giấy phép kinh doanh, xem xét xử lý cả về hình sự nếu tái phạm nhiều lần. Trước mắt, cần buộc chủ các cây xăng phải thông báo điện thoại đường dây nóng của cơ quan quản lý nhà nước để người tiêu dùng phản ánh, tạicây xăng phải có dụng cụ kiểm định đạt chuẩn để người tiêu dùng cần thiết có thể so sánh như cân ở ban quản lý chợ. Các ngành chức năng cần thanh kiểm tra đột xuất và thường xuyên các điểm kinh doanh xăng dầu. Khi phát hiện sự gian lận cần công khai để người tiêu dùng biết và tẩy chay cơ sở xăng dầu vi phạm. Hiện nay đang thí điểm ở 3 địa phương: Hà Nội , Đà Nẵng, Thành phố HCM, các cây xăng tự cam kết không gian lận. Tuy vậy, không thể buông lỏng kiểm tra, thanh tra và cần chế tài bằng các biện pháp đủ mạnh để cơ sở kinh doanh xăng dầu gian lận thì chỉ có phá sản hoặc xử lý hình sự.

 

Nguyễn Khánh

Bình luận