Nhưng thực tế nếu hấp thu lượng chất béo (dầu mỡ) vừa phải sẽ có lợi hơn cho việc giảm cân, sẽ giúp vóc dáng thon thả hơn.
Bác sĩ cho biết, dầu mỡ là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể con người hoạt động, so với việc không ăn dầu mỡ, ăn đúng loại dầu mỡ sẽ rất có lợi cho sức khỏe.

Chế độ ăn uống ít chất béo giúp giảm cân không nhiều
Xiao Lingzi - bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị bệnh béo phì người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, vào khoảng năm 1980, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có mối tương quan trực tiếp giữa axit béo bão hòa và cholesterol trong máu.
Cholesterol là chỉ số chính để đánh giá tình trạng sức khỏe của tim mạch. Vì vậy, các hướng dẫn về chế độ ăn uống trên khắp thế giới đang bắt đầu khuyến cáo, cần phải kiểm soát tốt lượng chất béo trong cơ thể, từ đó dẫn đến sự phổ biến của “chế độ ăn uống ít chất béo”.
Tuy nhiên, các nghiên cứu những năm gần đây đã xác nhận rằng, việc hấp thụ axit béo bão hòa không nhất thiết gây ra cholesterol cao và hiệu quả giảm cân của chế độ ăn uống ít chất béo mang lại kém hơn so với chế độ ăn uống ít đường.
Nếu áp dụng chế độ ăn uống ít đường khi thực hiện giảm cân, mọi người sẽ bị thiếu hụt một lượng lớn calo do giảm lượng đường ăn vào, dẫn đến dễ bị đói bụng.
Lúc này, có thể bổ sung một lượng chất béo thích hợp để tăng cảm giác no, có thể “ngăn chặn” hiệu quả tình trạng “thèm ăn và bụng đói”, điều này quá là có lợi cho việc giảm cân.
Bí quyết giữ gìn sức khỏe là “ăn đúng loại dầu mỡ”
Bác sĩ Xiao Lingzi cho biết, mặc dù cholesterol là một trong những chỉ số chính để đánh giá tình trạng sức khỏe của tim mạch, nhưng nó cũng có các chức năng như duy trì sự ổn định của màng tế bào, đóng vai trò là tiền chất của hormone, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn…là một trong những thành phần vô cùng quan trọng không thể thiếu trong cơ thể con người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng, 20-35% tổng năng lượng hàng ngày của người trưởng thành đến từ chất béo. Vì vậy, để duy trì sức khỏe tốt, nhất định không phải là “không ăn chất béo, dầu mỡ” mà quan trọng là “ăn đúng loại chất béo, đúng loại dầu mỡ”.
Chọn “dầu tốt” dựa trên “điểm bốc khói”
Điểm bốc khói của dầu ăn là từ chuyên ngành trong nấu ăn để chỉ nhiệt độ vừa đủ làm bay hơi các hợp chất bốc lên từ dầu ở dạng làn khói xanh nhạt có thể nhìn thấy rõ. Vì vậy, việc nắm rõ “điểm bốc khói” của dầu rất quan trọng.
Bác sĩ Xiao Lingzi cho biết, việc lựa chọn dầu tốt có thể dựa trên “điểm bốc khói” của sản phẩm dầu. Theo đó, do sự khác biệt về nhiệt độ, nên dầu có “điểm bốc khói” cao vẫn có thể duy trì được “độ ổn định tốt” khi nấu ở nhiệt độ cao và không dễ sinh ra oxide hay còn gọi là oxit. Loại dầu này sẽ gọi là dầu tốt và thích hợp cho nấu ăn nhiều món.

Nếu phân loại theo phương pháp nấu ăn thì có thể chia dầu thành 3 loại như sau:
Chiên rán ngập dầu và chiên rán ở nhiệt độ cao
Cần chọn các loại dầu có “điểm bốc khói” trên 200°C như dầu chè đắng, dầu bơ và dầu hạt cải.
Chiên rán ở nhiệt độ thấp
Mọi người có thể chọn các sản phẩm dầu có “điểm bốc khói” từ 140°C -200°C, chẳng hạn như dầu ô liu nguyên chất ép lạnh.
Trộn salad hoặc trộn gỏi
Mọi người có thể chọn các sản phẩm dầu có điểm khói thấp dưới 140°C, chẳng hạn như dầu hạt lanh và dầu hạt chia để trộn salad hoặc trộn gỏi.
Loại dầu nào không nên ăn quá nhiều?
Bác sĩ Xiao Lingzi khuyến cáo, những người ít ăn uống ở nhà mà thường xuyên ăn uống bên ngoài hay sử dụng nhiều dầu đậu nành (thường được gọi là dầu salad) có hàm lượng Omega-6 tương đối cao, dễ gây viêm nhiễm cho cơ thể.
Cho nên, những người này có thể ăn bổ sung thêm các loại cá, hạt óc chó, hạt bí đỏ (bí ngô), hạnh nhân và quả phỉ để cân bằng tỷ lệ Omega-3, Omega-6, Omega-9.
Còn riêng với dầu cọ, thường được dùng để chiên rán ngập dầu trong thực phẩm chế biến sẵn và các nhà hàng thức ăn nhanh, là loại dầu có chứa axit béo no và không nên ăn quá nhiều, không tốt cho sức khỏe của chúng ta.