Theo dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố hôm 10/4, có tổng cộng 111.312 người Hàn Quốc được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 2020, tăng 15% so với 96.764 vào năm 2016.
Trung tâm cho biết: “Trong dân số Hàn Quốc, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson đang gia tăng đều đặn do dân số già tăng nhanh”.
Tổng chi phí y tế cho căn bệnh này đối với các cá nhân, gia đình và chính phủ Hàn Quốc lên tới 548,2 tỷ won (415,3 triệu USD) vào năm 2020, tăng 25,3% so với năm 2016.

Bệnh Parkinson gây khó khăn trong việc đi lại và nói chuyện, khiến người bệnh giảm chất lượng cuộc sống. Trung tâm cho biết: “Theo các nghiên cứu liên quan, bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có chất lượng cuộc sống nói chung thấp hơn và thấp hơn 14% so với những người bị đột quỵ”.
Việc thiếu nhận thức và kiến thức về bệnh được coi là một trong những rào cản chính đối với việc chẩn đoán sớm và chăm sóc tối ưu cho bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Mặc dù các chuyên gia đang nhận thức rõ hơn về các triệu chứng của bệnh so với trước đây, nhưng thông tin sai lệch và sự thiếu hiểu biết về căn bệnh này đã làm trì hoãn việc điều trị.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc có kế hoạch giúp bệnh nhân tự đánh giá tình trạng của họ thông qua ứng dụng điện thoại thông minh "Bác sĩ Parkinson", đồng thời xuất bản tập sách “Chương trình tự tập luyện tại nhà cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson” và phân phối cho các bệnh viện lớn.
Bệnh Parkinson là một rối loạn tiến triển ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và các bộ phận của cơ thể được kiểm soát bởi các dây thần kinh. Nguyên nhân chính xác của hầu hết các trường hợp vẫn chưa được biết nhưng nó được cho là do di truyền hoặc liên quan đến sự tương tác giữa di truyền, môi trường và các yếu tố xã hội.
Run tay, cánh tay, chân, hàm hoặc đầu, cứng cơ, cử động chậm, nói lắp và mất thăng bằng là những triệu chứng điển hình của bệnh. Theo các chuyên gia, đây được coi là căn bệnh nan y nhưng phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.