Cách nhận biết các biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ

(VOH) - Biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em thường rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, do đó, các bậc cha mẹ cần quan sát trẻ để nhận biết sớm các dấu hiệu này.

Biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ em có thể rõ hoặc rất kín đáo, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

UNICEF ước tính, khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn cầu - có nồng độ chì trong máu bằng hoặc trên 5 µg/dl - và cần có hành động ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu để giải quyết vấn đề này.

Để nhận biết sớm các biểu hiệu nhiễm độc chì ở trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý quan sát bất thường ở trẻ.

Các biểu hiện rõ và biểu hiện kín đáo của nhiễm độc chì

Các biểu hiện rõ của nhiễm độc chì

  • Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
  • Tiêu hoá: Nôn, đau bụng, chán ăn
  • Máu: thiếu máu

Các biểu hiện kín đáo của nhiễm độc chì

  • Trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung.
  • Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có tiếp xúc với các nguồn chì và nghi ngờ bị ngộ độc thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Khi đó, bác sĩ sẽ hỏi về việc tiếp xúc với các nguồn chì, thời gian tiếp xúc, mức độ tiếp xúc, nguồn gốc của nguồn chì, các biểu hiện bất thường sau đó... Các bậc cha mẹ cần chú ý để trả lời chính xác, từ đó, các bác sĩ sẽ xác định nhanh chóng hơn tình trạng của trẻ.

Các nguồn chì dễ gây ngộ độc

Hiện nay, các nguồn tiếp xúc với chì chủ yếu bao gồm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác, nấu chảy, sản xuất và tái chế chì, và sử dụng chì trong nhiều loại sản phẩm. Hơn 3/4 lượng chì tiêu thụ trên toàn cầu dành cho việc sản xuất ắc quy axit-chì cho các loại phương tiện giao thông có động cơ.

Tại Việt Nam, có một số nghiên cứu về tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em, tập trung ở những trẻ sống ở vùng nguy cơ cao như làng nghề, khu sản xuất tái chế sản phẩm chứa chì, nghiên cứu về chì trong đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ em trong các trường mầm non.

CHÌ

Một số loại đồ chơi và đồ trang sức nhựa có thể chứa chì. Chì không thể nhìn thấy bằng mắt thường và không có mùi, nhưng việc tiếp xúc với chì có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, còn có một số sản phẩm quen thuộc có thể chứa chì khác bao gồm:

  • Bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi;
  • Một số mỹ phẩm như: phấn trang điểm mắt, mỹ phẩm dạng bột phấn có màu đỏ son hoặc cam-đỏ;
  • Các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam;
  • Nước uống được cấp qua đường ống làm từ chì hoặc nối bằng chất hàn chì cũng có thể chứa chì.

Chì là một chất độc có tác hại cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã chỉ ra: Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn (chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ).

Ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành. Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp. Các tác động đến thần kinh và hành vi của chì thường không thể khắc phục.

Ngày 23/10, tuần lễ quốc tế phòng chống nhiễm độc chì (ILPPW) lần thứ 10 đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ với chủ đề "nói không với nhiễm độc chì". Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về nhiễm độc chì và khuyến khích tất cả các quốc gia hành động để ngăn ngừa phơi nhiễm chì, đặc biệt là ở trẻ em.

Mỗi năm ước tính có khoảng 1 triệu người chết vì nhiễm độc chì. Hàng triệu người khác, trong đó có nhiều trẻ em, tiếp xúc với hàm lượng chì thấp gây ra các vấn đề sức khỏe suốt đời, bao gồm thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc miễn dịch và độc tính đối với cơ quan sinh sản. Các tác động thần kinh và hành vi của chì có thể không thể đảo ngược. 

WHO kêu gọi tất cả các quốc gia cấm sơn có chì, xác định và loại bỏ tất cả các nguồn phơi nhiễm chì ở trẻ em, giáo dục công chúng về mối nguy hiểm của việc lạm dụng các sản phẩm có chứa chì và nói không với nhiễm độc chì. 

Bình luận