Dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc chì

VOH - Nếu bạn đã từng sử dụng đồ ăn, thức uống bị phát hiện nhiễm chì hay làm việc trong môi trường có nồng độ ô nhiễm chì cao thì có nghĩa, bạn có nguy cơ bị nhiễm độc chì.

Phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn Ths. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

* VOH: Xin ông cho biết ngộ độc chì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe trong ngắn hạn và lâu dài?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Ngộ độc chì ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, tùy theo mức độ. Nếu biểu hiện rõ thì về thần kinh có thể mệt mỏi, đau đầu, yếu cơ, liệt, trẻ em có chậm phát triển trí tuệ, dễ cáu gắt, quấy khóc, nặng hơn có lơ mơ, hôn mê, co giật. Về máu có thể bị thiếu máu. Về tiêu hóa có thể bị nôn, táo bón, cơn đau quặn bụng. Về sinh sản có thể giảm số lượng tinh trùng, dễ sảy thai…

Chúng tôi xin nhấn mạnh là chì hoàn toàn không có vai trò gì với cơ thể mà đặc biệt có hại cho sức khỏe. Đáng lo ngại nhất là chì làm ảnh hưởng xấu tới trí tuệ trẻ em, nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Chì trong máu tăng thêm từ 1-4mcg/dL thì chỉ số IQ giảm 2,3 - 5,2 điểm (trung bình giảm 3,7 điểm). Ngày càng có nhiều nghiên cứu thuyết phục cho thấy ngay cả với chì trong máu <10mcg/dL, vẫn có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chì máu và chỉ số IQ.

* VOH: Những triệu chứng nhận biết nhiễm độc chì là gì? Trong trường hợp người dân từng sử dụng thực phẩm, nước uống nhiễm chì và muốn biết mình có nhiễm chì hay không thì có thể đi khám ở đâu thưa ông?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Các biểu hiện ở trên chính là các biểu hiện để góp phần xác định nhiễm độc chì. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp bệnh nhân nhiễm độc chì lại ở mức độ kín đáo, biểu hiện bên ngoài không rõ ràng, chỉ cho tới khi đi khám rất kỹ (ví dụ với trẻ em thì cần có bác sỹ chuyên khoa tâm thần khám, trắc nghiệm đánh giá trí tuệ) và xét nghiệm mới chẩn đoán được nhiễm độc chì.

Những người làm nghề tái chế ắc quy có nguy cơ nhiễm độc chì cao (Ảnh: TNO)

Chúng ta cần chú ý, các trường hợp nhiễm độc chì đều đã từng có tiếp xúc với nguồn có chứa chì. Ở nước ta từng phổ biến nhất là trong khai thác quặng chì, sản xuất ắc quy không an toàn, sửa chữa ắc quy, dùng các thuốc cam có chứa chì và do ô nhiễm các làng nghề tái chế chì từ ắc quy…

Nguy cơ nhiễm độc chì do ăn uống phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu ăn, uống phải một loại thức ăn, nước uống nào đó có chì với hàm lượng cao thì tùy theo lượng chì trong thức ăn - đồ uống đó, liều lượng dùng mỗi lần và số lần sử dụng (ví dụ dùng hàng ngày và kéo dài hay rất lâu mới dùng một lần).

Về sản phẩm nước giải khát bị phát hiện nhiễm chì gần đây, chúng ta không biết rõ là một sản phẩm bị nhiễm chì với hàm lượng cao từ bao giờ hay chỉ lô sản phẩm này có vấn đề. Do đó, nếu người dùng từng uống loại thức uống có chứa chì với hàm lượng cao, dùng thường xuyên và thấy có biểu hiện gợi ý như trên thì nên tới các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên hoặc các phòng khám bệnh nghề nghiệp và chủ động nêu rõ mục đích khám để bác sỹ khám kỹ và cho xét nghiệm.

* VOH: Thưa ông, ngộ độc chì có thể chữa được hay không?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Ngộ độc chì có thể chữa được nhưng kết quả chữa phụ thuộc vào mức độ ngộ độc, thời gian ngộ độc được phát hiện. Ngộ độc càng nhẹ và phát hiện càng sớm, điều trị giải độc càng sớm, càng tích cực thì bệnh nhân hồi phục càng tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nặng, đặc biệt nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ, khi đã có các biểu hiện thần kinh, trí tuệ giảm thì hồi phục kém hơn.

 2 lô sản phẩm thực phẩm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016; HSD 4/2/2017), nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX: 10/11/2015; HSD 10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố. Ảnh minh họa

* VOH: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, ông nhận thấy những loại đồ ăn, thức uống nào có nhiều nguy cơ khiến người dân bị nhiễm độc chì?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Các thức ăn, đồ uống được trồng, lấy trực tiếp từ các khu vực đất, nước, không khí ô nhiễm chì là có nguy cơ cao nhất. Ở nước ta hiện nay nguy cơ cao là các khu vực khai khoáng quặng có chứa chì, các cơ sở sản xuất, sửa chữa ắc quy không an toàn, các khu vực tái chế chì từ ắc quy, nước từ ống dẫn nước cũ có chì.

* VOH: Liệu người dân có thể tự nhận biết được đồ ăn, thức uống bị nhiễm độc chì hay không?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Bằng mắt thường khó có thể nhận ra. Tuy nhiên nếu chúng ta biết rõ nguồn gốc của loại đồ ăn, thức uống đó được bắt nguồn từ các khu vực ô nhiễm như trên hay không thì mới có thể nghĩ tới.

* VOH: Ông có lời khuyên gì về việc phòng chống ngộ độc chì?

- Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Về nguyên tắc, việc tiếp xúc với chì chỉ xảy ra trong lao động sản xuất với các ngành nghề nhất định có chì, đặc biệt là sản xuất, sửa chữa ắc quy, tái chế chì từ ắc quy, khai thác quặng chứa chì. Nên các cơ sở này phải đảm bảo an toàn cho công nhân và đảm bảo xử lý, quản lý chất thải rất chặt chẽ. Các công nhân làm việc ở các cơ sở cần được được mua bảo hiểm, khám kiểm tra lượng chì trong máu trước khi làm việc và định kỳ trong khi làm việc.

Với môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm chì thì cần được xử lý và giám sát, đánh giá theo quy định. Không nuôi trồng, lấy nước ở các khu vực này để ăn uống, nuôi trồng, chế biến, xử lý hay dùng làm thức ăn, đồ uống ở nơi khác.

Nếu phải sống ở khu vực ô nhiễm chì thì đặc biệt với trẻ em cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đủ các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm để giúp hạn chế hiện tượng hấp thu chì từ trong ruột vào cơ thể. Phải sử dụng nguồn nước và thức ăn sạch từ nơi khác đưa tới. Trẻ em cần được cắt móng tay, rửa tay thường xuyên, không đưa mọi đồ vật và tay lên miệng.

Cần loại bỏ hồng đơn (oxít chì) ra khỏi các loại thuốc cam, các loại thuốc y học cổ truyền. Khi bị bệnh người dân phải đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, không tự mua thuốc, đặc biệt các thuốc cam không rõ nguồn gốc, chú ý các thuốc cam dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng (màu sắc đậm nhạt khác nhau).

Các cơ quan chức năng loại bỏ các loại sơn chì, đồ chơi có chì, mỹ phẩm có chì… trong khi người dân cần chú ý nhiều hơn khi mua các sản phẩm thuộc loại này.

* VOH: Cảm ơn ông!

Người dân tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau:

- Các thuốc nam: dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi... lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn).

- Sơn có chì: loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì.

- Môi trường sống: bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì, dùng xăng có chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ), không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, khói do xăng dầu có chì.

- Nghề nghiệp có nguy cơ cao phơi nhiễm chì: sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thuỷ tinh, hướng dẫn tập bắn, thu gom đạn, nung, nấu chì, tinh chế chì, đúc, cắt chì, sơn, công nhân xây dựng (làm việc với sơn chì), sản xuất nhựa polyvinyl chloride; phá, dỡ bỏ tàu; sản xuất, sửa chữa và tái sử dụng ắc quy.

- Thực phẩm: đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt.

- Các nguồn có chì khác: Vật dụng như đồ gốm, sứ thủ công có chì, mảnh đạn chì trên cơ thể, pin có chì, lưới đánh cá buộc chì.

(Nguồn Bộ Y tế)

Bình luận